Vụ 'bốc hơi' 43,7ha rừng An Lão: Lâm tặc từ... trời rơi xuống!?

43,7ha rừng An Hưng (An Lão, Bình Định) mất trắng khiến dư luận chấn động. Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo tồn, phát triển vốn rừng.

Đoàn kiểm tra của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định tại hiện trường vụ phá rừng ở An Lão. Ảnh: P.V

“Kiên quyết đóng cửa rừng để cứu rừng” là tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tìm kiếm giải pháp khôi phục rừng Tây Nguyên, giữa năm 2016. Dễ hiểu là người đứng đầu Chính phủ đã kịp phản ứng mạnh mẽ trước hành vi bức tử hàng chục hécta rừng tự nhiên An Lão.

Ông yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo điều tra, báo cáo kết quả trước ngày 30.10.

Vẫn điệp khúc “không biết, không hay”

Theo giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Phan Trọng Hổ, vụ mất rừng do lực lượng chức năng địa phương phát hiện hôm 30.8. Một cuộc mật phục được sắp đặt nhằm tung mẻ lưới bắt quả tang lâm tặc. Nỗ lực trên không thành, điều mà Hạt trưởng Kiểm lâm An Lão Đoàn Văn Tá trớ trêu thừa nhận: Những kẻ phá rừng cảnh giới từ xa. Họ... theo dõi ngược kiểm lâm. Khi chúng tôi tới nơi, tất cả đã “bóng chim tăm cá”.

Hành vi “xuất quỷ nhập thần” của đội quân phá rừng làm nảy sinh nhiều nghi vấn, đặc biệt là khi “liên kết” với hiện trường được tiếp cận bởi nhóm công tác đầu tiên. Bếp vẫn đang ấm lửa như “ai đó” vừa mới rời đi; lán trại vương vãi quần áo, chăn màn, vật dụng sinh hoạt. Phía ngoài lán, thậm chí còn có chó được nuôi dưỡng cho nhiệm vụ canh phòng.

Cạnh những điều mắt thấy tai nghe, liệu còn tồn tại một sự thật nào khác? Có “phòng tuyến” nào bị chọc thủng? Có tai mắt nào được cài cắm trong đội ngũ thi hành công vụ? Loạt câu hỏi... bí ẩn, hy vọng sẽ được “giải mã” trong kết luận điều tra.

Như có thể dự đoán trước, phản ứng ban đầu của những người được giao trọng trách quản lý, bảo vệ rừng là giải thích, phân bua. Ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện An Lão - trả lời báo chí hoặc báo cáo lên trên thường nhắc tới hình ảnh xa xôi, heo hút như nguyên cớ cắt nghĩa việc phát hiện trễ tràng.

Vị Chủ tịch An Lão còn lưu ý sự khác biệt trong hướng tiếp cận qua ngả Hoài Nhơn, láng giềng phía đông, rằng có thể di chuyển bằng xe ôtô theo đường Hoài Sơn đến điểm phá rừng. Mách bảo từ ông Nam rõ ràng hàm chứa “thông điệp đổ lỗi”.

Tương tự là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão Đoàn Văn Tá: “Khu vực rừng bị phá nằm dưới thung lũng. Mỗi chuyến tuần tra, kiểm lâm địa bàn thường dừng lại nơi đỉnh núi. Khuất tầm nhìn nên anh em không thấy được gì”.

Ngày 12.9, báo cáo đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng dẫn đầu, Chủ tịch UBND xã An Hưng Đinh Văn Chê cũng không có cách chống chế khác hơn: “Rừng núi bạt ngàn, địa hình phức tạp, từ trung tâm xã lên đây mất gần một ngày đi bộ. Họ phá lúc nào chúng tôi không biết”. Bên Hoài Nhơn càng có lý do cách ly trách nhiệm.

Ở thời điểm này, khi hứng chịu nhiều nghi hoặc về tuyến đường qua xã Hoài Sơn với trạm kiểm soát La Vuông như chốt chặn ngay vị trí yết hầu, phản hồi từ người có trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn là: Ít ra còn có hai lối đi khác, một ra Đức Phổ, một lên Ba Tơ đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Vẫn là câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.

Xin dẫn ý kiến Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng: “Mình có cả một guồng máy mà để họ ngang nhiên dựng lán trại, tập kết nhân công, cưa xẻ, phá đốt, trồng trỉa tựa như không có ai quản lý”!

Rừng xanh tan tác. Ảnh: P.V

Khi ông Bí thư “xấu hổ”

“Đi hiện trường, thấy bộ máy quản lý như thế này mà thẹn, mà xấu hổ” - ông Tùng chua chát. Từ An Hưng, Bí thư Bình Định tuyên bố: “Vụ việc sẽ được điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian sớm nhất. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng khẩn trương truy tìm thủ phạm. Phải làm rõ hành vi, trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức liên quan, từ người trực tiếp cưa đốn đến đối tượng đứng sau giật dây, điều khiển. Về quản lý nhà nước, cần xem xét trách nhiệm chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, lãnh đạo An Lão...”.

Trao đổi với P.V Lao Động, Thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc Công an Bình Định cho biết: “Chúng tôi giao Phòng Cánh sát Kinh tế làm đầu mối phối hợp nắm tình hình, xác minh, củng cố hồ sơ. Đây là vụ phá rừng quy mô lớn nhất tỉnh từ trước đến nay. Công việc đang được thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt nhưng phải đảm bảo trình tự, thủ tục tố tụng. Kết quả điều tra sẽ được báo cáo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Phan Trọng Hổ nói: “Rừng bị phá là rừng phục hồi sau nương rẫy. Trước kia nó được phân loại là rừng 1a, 1b, 1c. Quy hoạch lại thì trong số đó, có 30,5ha cho chức năng sản xuất và 13,2ha là rừng phòng hộ”.

Về đánh giá mức độ thiệt hại, ông Hổ thông báo Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn Bình Định đang tiến hành giám định: “Thời gian mất khoảng 3 ngày, bao gồm cả 1 ngày giám định ngoại nghiệp. Dự kiến thứ 6 tới sẽ có kết quả”.

Ông Hổ cho hay, đã “chạm” được một số manh mối quan trọng: “Dân phản ánh có người hỏi thuê nhân công, đã trấn an họ rằng, rừng được nhà nước giao, cứ... yên tâm phá. Chúng tôi nhận định, đây là vụ xâm hại tài nguyên hết sức nghiêm trọng, được tổ chức, điều hành bài bản, lớp lang. Huy động phương tiện cơ gới ồ ạt triệt phá chừng đó diện tích thì chỉ doanh nghiệp chứ dân nào làm nổi. Hộ gia đình giỏi lắm chỉ nhỏ lẻ vài ba hécta...”.

- Theo Chủ tịch UBND xã An Hưng Đinh Văn Chê, đầu tháng 7.2017, khi tổ chức cắm mốc, phân định 3 loại rừng thì tiểu khu 1 vẫn bình yên vô sự. Đối chiếu thời điểm phát hiện (30.8), thời gian phá rừng kéo dài ròng rã suốt gần hai tháng.

- Chiều 11.9, Đội kiểm lâm cơ động, Chi cục Kiểm lâm Bình Định phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn kiểm tra một xưởng chế biến gỗ đặt tại Hoài Sơn. Kết quả, đã phát hiện nhiều cây gỗ nghi chuyển về từ khu rừng bị phá. “Nhóm kiểm tra đã lập biên bản. Toàn bộ số gỗ nghi vấn sẽ được đưa hết về Chi cục Kiểm lâm phục vụ công đoạn xác minh” - ông Phan Trọng Hổ nói.

Bộ NNPTNT: Xử lý theo pháp luật, không bao che, không “chống lưng

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 13.9, ông Nguyễn Quốc Trị - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) khẳng định: Quan điểm của Tổng cục Lâm nghiệp đối với vụ phá trên 43ha rừng tại xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định (trong đó có khoảng hơn 13ha rừng phòng hộ và hơn 30ha rừng sản xuất), thì đây là vụ phá rừng tự nhiên, với diện tích lớn, có sử dụng phương tiện cơ giới một cách công nhiên, có tổ chức, do vậy tính chất vụ việc là nghiêm trọng, đối tượng phá rừng coi thường pháp luật. Chính quyền, cơ quan chức năng tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng để xảy ra phá rừng trong thời gian dài, quy mô lớn, hành vi ngang nhiên mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý.

Bộ NNPTNT cần xử lý nghiêm minh, không bao che, không “chống lưng”. Vì vậy, cần nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Đối với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, cá nhân được giao quản lý (kiểm lâm địa bàn, cán bộ bảo vệ rừng): Cần xác định rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật, không né tránh, cho dù đó là ai.   KHÁNH VŨ

Gia Lai: Hơn 32.000m3 gỗ của 400ha rừng... biến mất

Đã có hơn 400ha rừng do hai Ban Quản lý rừng phòng hộ (Ban QLRPH) Bắc An Khê và Ya Hội quản lý, để mất. Tương tự, số đất lâm nghiệp do 2 bản này quản lý bị thất thoát lên đến 2.150ha. Trước sai phạm, ngày 13.9, Sở NNPTNT Gia Lai cho biết, đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trương Duy Sinh - Trưởng Ban QLRPH Ya Hội và Khiển trách đối với ông Đỗ Hữu Long - Phó Trưởng Ban QLRPH Bắc An Khê. Nguyên nhân để mất rừng tự nhiên, rừng trồng và đất lâm nghiệp.
 Theo điều tra của PV Báo Lao Động, Ban QLRPH Bắc An Khê (Trụ sở tại huyện Đắc Pơ, Gia Lai) - hiện tại do ông Phan Thanh Hải làm Trưởng ban - quản lý 10 tiểu khu với 1.466,3ha đất lâm nghiệp. Phó GĐ Sở NNPTNT Gia Lai kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai - Nguyễn Nhĩ - ký văn bản số 1090 cho biết: “Diện tích bị mất lên đến 1.266,3ha, tương đương 86,3%”.

Thanh tra tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Trong 1.266,3ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, Ban QLRPH Bắc An Khê để mất 251,93ha rừng” và “882,62ha đất lâm nghiệp của Ban QLRPH Ya Hội bị lấn chiếm, để mất 166,72ha rừng”. Tổng cộng đã có 418,65ha rừng do hai ban này quản lý bị “biến mất”. Từ đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ luật Hình sự.

Trả lời báo PV Báo Lao Động ngày 13.9, GĐ sở NNPTNT Gia Lai - ông Trương Phước Anh - nhấn mạnh: “Việc điều tra thì phía CA đang làm, cho nên kết luận Thanh tra luôn có hai hướng: Thứ nhất chuyển CA điều tra, thứ hai chỉ đạo xử lý hành chính để kịp thời giáo dục, răn đe người điều hành tiếp theo không để mất mát thêm”.  ĐÌNH VĂN

Phá rừng - “Ai cũng hiểu chỉ vài người không chịu hiểu”!

Hầu hết các vụ phá rừng lớn mà dư luận biết tới, đều do người dân tố cáo rồi báo chí vào cuộc. Có mấy vấn đề đặt ra: Tại sao người dân chỉ tố cáo đến nhà báo mà không tố cáo đến kiểm lâm và chính quyền cơ sở. Tại sao các lực lượng trên rất ít “tự” tìm ra các vụ rừng bị phá rồi có biện pháp bảo vệ? Lý do đơn giản là: Nếu không bảo kê thì họ cũng sợ liên đới trách nhiệm khi rừng bị phá, nhất là phá trên diện rộng và trắng trợn. Thường thì họ chỉ xử lý khi dư luận đã đưa ra kiểu “vỡ ổ con chuồn chuồn”, không xử lý không thể được. Họ xử lý hay không xử lý triệt để các vụ phá rừng, đôi khi chỉ vì bản thân họ cần “tự bảo vệ” bằng các hành động ra quân đó, chứ chưa chắc đã vì sự bình yên của các cánh rừng.

Đơn cử, vụ phá rừng gỗ nghiến trên quy mô lớn ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ (tỉnh Bắc Kạn), nhóm PV chỉ vào cửa rừng đã thấy gỗ tươi nguyên, cành là còn ướt nhựa, thân cây còn thơm lựng gỗ bị cưa xẻ. Đi trên con đường tuần tra chính xuyên rừng, gặp người dân, nhờ họ dẫn đi là thấy cảnh gỗ to đùng nằm án ngữ ngang đường. Người đi phải chui qua bụng gỗ mà đi. Vậy mà kiểm lâm không biết hoặc chưa biết.
Vụ đó, sau này ông Hoàng Ngọc Đường, bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn có phát biểu, đại ý: Kẻ phá rừng rất mafia, nó là kẻ mặc comple, thắt cà vạt, đi xe lếch xù và xách ca táp tiền, chứ không phải kẻ đang đẵn gỗ. Ông muốn Bộ Công an, Bộ Quốc phòng vào cuộc, chứ địa phương thì rất khó. LÃNG QUÂN

Xuân Nhàn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/vu-boc-hoi-437ha-rung-an-lao-lam-tac-tu-troi-roi-xuong-564408.ldo