Vụ 'bốc hơi 26 tỷ': Chủ tài khoản không nhất thiết phải đến ngân hàng

Sự việc khách hàng tố bị mất 26 tỷ đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng VPBank tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận với những tranh luận nóng bỏng.

Điểm mấu chốt khi doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng, chủ tài khoản (chủ doanh nghiệp) có bắt buộc phải có mặt chứng kiến hay không, quá trình giao dịch liên quan tới tài khoản này, vai trò của chủ tài khoản ra sao.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ luật học, Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink một số vấn đề pháp lý xung quanh việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng.

- Thưa luật sư, theo quy định hiện hành thì khi mở tài khoản ngân hàng, chủ chủ tài khoản (chủ doanh nghiệp) có nhất thiết phải có mặt tại ngân hàng để ký hồ sơ hay không?

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 23/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Ngân hàng, khi có nhu cầu mở tài khoản thanh toán, khách hàng lập 01 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật và theo mẫu của ngân hàng và nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc phương tiện điện tử đến ngân hàng đề nghị mở tài khoản.

Theo quy định trên, doanh nghiệp mở tài khoản không nhất thiết phải đến tận nơi ngân hàng để nộp hồ sơ, mà có thể nộp qua đường bưu điện hoặc các phương tiện điện tử. Khi nộp qua đường bưu điện hoặc phương tiện điện tử thì dĩ nhiên khách hàng phải ký và đóng dấu trước vào hồ sơ. Như vậy, việc khách hàng trực tiếp hay không trực tiếp đến ngân hàng để ký và nộp hồ sơ không phải là mấu chốt của vấn đề. Điều quan trọng là hồ sơ xin mở tài khoản có đầy đủ thông tin về chủ tài khoản, kèm theo mẫu chữ ký của chủ tài khoản, mẫu dấu của doanh nghiệp và có chữ ký của người đại diện và con dấu của doanh nghiệp.

Khi nhận hồ sơ, ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với các yếu tố đã kê khai trong đơn đề nghị mở tài khoản của khách hàng. Khi hồ sơ đã có đủ thông tin, chữ ký và con dấu của doanh nghiệp, chữ ký mẫu của chủ tài khoản và mẫu dấu của doanh nghiệp thì ngân hàng sẽ chấp nhận và lưu lại làm hồ sơ gốc để đối chiếu với các giao dịch sau này.

Quy định trên đây là phù hợp với điều kiện thực tế của các doanh nghiệp hiện nay. Trên thực các ngân hàng cũng thường làm theo cách nhận hồ sơ qua email hoặc bưu điện, hoặc qua các nhân viên của ngân hàng hoặc khách hàng. Tuy nhiên cũng có một số ngân hàng yêu cầu đại diện doanh nghiệp phải đến tân ngân hàng để ký hồ sơ thì cũng không có gì trái pháp luật. Cả hai cách trên đều phù hợp với pháp luật hiện hành.

- Thế còn khi thực hiện các giao dịch như rút tiền bằng séc hoặc ủy nhiệm chi thì chủ tài khoản (DN) có nhất thiết phải có mặt tại ngân hàng không thưa luật sư?

Tương tự như khi mở tài khoản, khi thực hiện các giao dịch trên tài khoản như rút tiền bằng séc hay ủy nhiệm chi thì cũng không bắt buộc chủ tài khoản phải đến ngân hàng mà có thể thông qua nhân viên giao dịch.

Khi tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, nếu ngân hàng đối chiếu chữ ký và con dấu ở phần “Người ký phát” trên tờ séc trùng với chữ ký mẫu và con dấu mẫu đăng ký tại Ngân hàng thì người có tên trong phần “Yêu cầu trả cho” tức là người nhận tiền chỉ cần xuất trình CMND hoặc giấy tờ tùy thân hợp lệ cho Ngân hàng là có thể rút được tiền.

Thực tế, hàng ngày mỗi doanh nghiệp có thể thực hiện rất nhiều giao dịch trên tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau nên không phải lúc nào người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp cũng thể đến tận nơi ngân hàng để ký chứng từ. Cho nên phương thức giao dịch như trên đây là để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi giao dịch với ngân hàng. Hơn nữa như vậy thì quy định về đăng ký chữ ký mẫu của chủ tài khoản và mẫu dấu doanh nghiệp mới có ý nghĩa.

- Như vậy, có thể hiểu chữ ký không phải là yếu tố pháp lý duy nhất trong hồ sơ giao dịch vơi ngân hàng, phải vậy không thưa Luật sư?

Chữ ký chỉ là một yếu tố pháp lý trong hồ sơ giao dịch ngân hàng, nhưng bên cạnh đó còn có các yếu tố khác nữa, trong đó con dấu của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng. Con dấu vừa xác nhận tư cách pháp lý của doanh nghiệp (mà trong trường hợp này doanh nghiệp mới là khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng), vừa xác nhận các thông tin khác của doanh nghiệp trên chứng từ giao dịch. Hơn nữa, con dấu được đăng ký với cơ quan công an nên đảm bảo tính pháp lý và độ tin cậy.

Tuy nhiên, theo thực tiễn pháp lý ở các nước thì chữ ký là yếu tố pháp lý được coi trọng trong các hồ sơ, văn bản. Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đã có những điều khoản thể hiện tinh thần này.

- Thưa luật sư, quy định chủ tài khoản không nhất thiết phải đến ngân hàng để ký hồ sơ là để thuận tiện cho khách hàng, song liệu có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp cũng như cho chính ngân hàng không, giả sử như hồ sơ mở tài khoản có thể bị đánh tráo trên đường đến ngân hàng?

Trường hợp hồ sơ mở tài khoản bị đánh tráo hoặc các rủi ro khác cũng là điều có thể xẩy ra.Tuy nhiên, có nhiều cơ chế và công cụ khác nhau để cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng kiểm tra trước, trong và sau giao dịch nhằm hạn chế rủi ro.

Việc kiểm tra trước được thực hiện trong quá trình ngân hàng xem xét hồ sơ xin mở tài khoản và quản lý các thông tin khách hàng trong hồ sơ lưu tại ngân hàng. Trong quá trình thực hiện giao dịch, ngân hàng cũng có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu các thông tin, chữ ký và con dấu trên các chứng từ giao dịch xem có đúng với hồ sơ mở tài khoản gốc lưu tại ngân hàng không, cũng như kiểm tra nội dung giao dịch có hợp lệ hay khôg. Nếu hồ sơ giao dịch khớp và nội dung giao dịch hợp lệ thì ngân hàng mới tiến hành thực hiện lệnh giao dịch.

Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên kiểm tra số dư trên tài khoản và kiểm tra sao kê tài khoản để biết được lịch sử giao dịch và phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường.

Đặc biệt, gần đây, các ngân hàng đã cung cấp dịch vụ kiểm tra thông qua hệ thống tin nhắn (SMS Banking) của ngân hàng. Khi giao dịch được thực hiện, tin nhắn về giao dịch sẽ hiển thị lên số điện thoại mà chủ tài khoản đăng ký, chủ tài khoản có trách nhiệm kiểm tra tin nhắn (đồng nghĩa với kiểm tra giao dịch), nếu có điều gì bất thường thì có thể thông báo cho ngân hàng để can thiệp, xử lý.

Nếu tất cả các biện pháp đó đều được áp dụng thì khả năng rủi ro trong giao dịch qua tài khoản là rất thấp.

- Dư luận đang có nhiều ý kiến tranh luận khá gay gắt, cho rằng Thông tư 23/2014/TT-NHNN có xu hướng giúp giảm các thủ tục hành chính cho DN nhưng dường như lại là kẽ hở dẫn tới rủi ro về gian lận? Luật sư có đồng tình với quan điểm này hay không và dưới góc độ pháp lý ông có khuyến nghị như thế nào, có nên sửa đổi Thông tư này theo hướng yêu cầu chủ tài khoản phải trực tiếp giao dịch tại NH?

Tôi cho rằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh trong giao dịch với ngân hàng là một xu hướng cần cần khuyến khích. Không nên vì một vài trường hợp rủi ro xẩy ra mà bắt buộc các chủ doanh nghiệp phải đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Điều đó có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn doanh và hàng triệu giao dịch qua tài khoản mỗi ngày. Và nếu có thì quy định này rất khó khả thi.

Quy định tại Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định khá chặt chẽ và phù hợp với điều kiện thực tế của các doanh nghiệp, đồng thời giúp ngân hàng kiểm soát được các giao dịch của khách hàng cũng như bảo vệ tiền của khách hàng đã gửi trong tài khoản. Theo tôi chưa có lý do cần thiết để phải sửa Thông tư này. Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa rằng, có rất nhiều công cụ và phương thức để kiểm soát giao dịch qua ngân hàng ngoài kiểm tra con dấu và chữ ký của chủ tài khoản. Nếu doanh nghiệp sử dụng đầy đủ các công cụ đó thì sẽ không có những chuyện đáng tiếc xảy ra.

Điều quan trọng là các DN cần quan tâm tự bảo vệ mình bằng việc theo dõi chặt chẽ dòng tiền ra vào tài khoản, thường xuyên kiểm tra biến động tài khoản, đặc biệt là thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nội bộ.

- Xin cảm ơn ông!

Lương Thành

Bình luận

Nguồn VTC: http://vtc.vn/vu-boc-hoi-26-ty-chu-tai-khoan-khong-nhat-thiet-phai-den-ngan-hang-d273955.html