Những thỏa thuận COP26 đã đạt được sau nửa chặng đường

Tới nay, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã đi được nửa chặng đường và đạt được những tín hiệu đáng mừng về các thỏa thuận ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng, cắt giảm khí metan, than đá.

Những cam kết đầy tham vọng

Về cam kết cắt giảm khí thải carbon, Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu lớn. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo nước này dự định tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma phát biểu khai mạc hội nghị hôm 31/10 tại Glasgow, Anh. Ảnh: Reuters

Chủ tịch COP26 Alok Sharma phát biểu khai mạc hội nghị hôm 31/10 tại Glasgow, Anh. Ảnh: Reuters

Hầu hết các chuyên gia đánh giá mục tiêu đạt phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2070 của Ấn Độ là cực kỳ tham vọng. Nhiều ý kiến cho rằng có khả năng kế hoạch của Ấn Độ chỉ đạt mức lượng CO2 thải vào bầu khí quyển bằng 0 vào năm 2070, còn các loại khí thải nhà kính khác có thể sẽ cần thêm thời gian. Tuy nhiên, động thái này của Ấn Độ có ý nghĩa quan trọng và trái ngược với các cam kết phát thải cho đến nay của Arabia Saudi - nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và Nga - nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai toàn cầu.

Chấm dứt nạn phá rừng

Chặt cây là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu do làm suy giảm độ che phủ rừng, khiến rừng hấp thụ khí CO2 nhiều hơn. Thỏa thuận nhằm chấm dứt nạn chặt phá rừng đã đạt được vào ngày 2/11, một trong những điểm nhấn quan trọng trong tuần đầu tiên của Hội nghị COP26. Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới đã đồng ý ngăn chặn nạn phá rừng đến năm 2030. Đặc biệt, Brazil, nước đối mặt với tình trạng chặt phá rừng nhiệt đới Amazon trong những năm gần đây, cũng đã ký kết thỏa thuận này.

Tuy nhiên, các nhà quan sát chỉ ra rằng, một thỏa thuận quốc tế vào năm 2014 đã không thể ngăn chặn nạn phá rừng bằng bất kỳ cách nào. Cam kết mới nhất được hỗ trợ 19,2 tỷ USD đến từ quỹ công và tư nhân. Một phần số tiền này sẽ được chuyển đến các nước đang phát triển để khôi phục vùng đất bị tàn phá và khắc phục hậu quả cháy rừng.

Cắt giảm khí metan

CO2 có thể là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu, nhưng metan là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ. Nồng độ khí metan trong bầu khí quyển đã tăng lên trong thập kỷ qua. Cam kết giảm phát thải khí metan ít nhất 30% so với mức hiện tại vào năm 2030 của một liên minh gồm hơn 90 quốc gia, đại diện cho 2/3 nền kinh tế trên toàn cầu, được coi là một bước tiến quan trọng tại COP26.

“Cắt giảm phát thải khí metan là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm sự nóng lên toàn cầu trong thời gian ngắn và giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Khí metan thải ra từ giếng dầu, đường ống dẫn, gia súc và các bãi rác trong thành phố. Phần lớn nỗ lực cắt giảm phát thải khí metan sẽ do Mỹ dẫn đầu. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đã không cam kết cắt giảm phát thải khí metan.

Ngừng sử dụng than đá

Khí nhà kính được tạo ra từ việc đốt than là nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu. Ngừng sử dụng than đá được coi là rất quan trọng trong việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ của Trái đất.

“Tôi nghĩ đã đến lúc ngừng sử dụng than đá”, Alok Sharma, Chủ tịch COP 26 nói. Ông Sharma cũng đề cập thỏa thuận loại bỏ dần các nhà máy điện chạy bằng than hiện tại và ngừng xây dựng các nhà máy mới. Đã có 23 quốc gia tham gia thỏa thuận với cam kết đầu tiên trong việc chuyển đổi khỏi than đá.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cam kết ngừng sử dụng than đá vào những năm 2030 và những năm 2040 chưa đủ quyết liệt, đặc biệt khi nhiều nền kinh tế lớn phụ thuộc vào than đá như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ không ký thỏa thuận nêu trên. “Điểm mấu chốt trong thỏa thuận trên là các nước về cơ bản vẫn được phép sử dụng than đá bình thường thêm nhiều năm”, Jamie Peters, chuyên gia của Tổ chức Môi trường Friends of the Earth, cho biết.

Ấm lên toàn cầu trong tương lai

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cơ quan giám sát năng lượng của thế giới, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những thỏa thuận được đưa ra cho đến nay tại COP26. “Phân tích mới của IEA cho thấy, việc đạt được đầy đủ tất cả các cam kết giảm phát thải carbon ròng bằng 0 cho đến nay và cam kết giảm thải khí metan toàn cầu vừa được ký, sẽ hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,8 độ C”, Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết trong một bài đăng trên Twitter.

Tuy nhiên, Selwin Hart – cố vấn đặc biệt của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, đã phản đối ý kiến trên. “Dựa trên những điều đang diễn ra, thế giới có nguy cơ phải đối mặt với sự nóng lên toàn cầu ở mức 2,7 độ C, một điều rất tồi tệ”, ông Selwin Hart nói./.

CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) Theo The Guardian

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhung-thoa-thuan-cop26-da-dat-duoc-sau-nua-chang-duong-903624.vov