Vụ bé trai 22 tháng tuổi tử vong ở Long Biên: Xử lý như thế nào?

Liên quan đến vụ 'Bé trai 22 tháng tuổi tử vong bất thường sau khi truyền dịch tại phòng khám tư ở Long Biên'. Luật sư cho rằng, khi có kết luận của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân chết; từ đó sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật...

Trước đó, vào chiều 16/10, bệnh nhi N.G.B. (SN 12/2016) trú tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) được bố mẹ đưa tới Phòng khám chuyên khoa Nội của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (địa chỉ 392 đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, TP Hà Nội) để thăm khám vì triệu chứng sốt, tiêu chảy. Sau khi thăm khám, chính bác sĩ Cúc là người trực tiếp truyền dịch (loại Ringer lactat) cho bệnh nhi B. Tuy nhiên, sau khi truyền dịch được khoảng 15 phút, bệnh nhi bắt đầu xuất hiện biểu hiện bất thường, tím tái.

 Phòng khám nơi cháu bé truyền dịch sau đó tử vong.

Phòng khám nơi cháu bé truyền dịch sau đó tử vong.

Lúc này, bác sĩ Cúc lập tức rút kim truyền và nhanh chóng cùng gia đình đưa bệnh nhi đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nhưng bé B. đã có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim, không đo được mạch, huyết áp, đồng tử giãn 4mm, không phản xạ ánh sáng. Sau hơn 20 phút cấp cứu tích cực, bệnh nhi được chẩn đoán thiệt mạng trước khi tới viện.

Về vụ việc trên, trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Ở nước ta, tính mạng và sức khỏe con người luôn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Mọi hoạt động về khám chữa bệnh đều có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người nên Nhà nước đã ban hành rất nhiều các văn bản qui phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực khám chữa bệnh, dịch vụ y tế…

Bộ Luật hình sự cũng đã qui định rõ hành vi vi phạm các qui định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, các dịch vụ y tế mà gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe công dân sẽ bị xử lý bằng pháp luật hình sự.

Truyền dịch là một hoạt động khám chữa bệnh có thể tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch người bệnh. Mặc dù kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng những tai biến có thể xảy ra rất bất ngờ, đột ngột. Do đó, việc truyền dịch làm sao cho an toàn, đảm bảo không tai biến, không dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn, phù não, rối loạn điện giải lại là chuyện không phải ai cũng có thể kiểm soát. Vì vậy, về nguyên tắc việc truyền dịch phải được tiến hành ở cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn có dụng cụ và thiết bị xử lý các tai biến. Ngoài ra, cơ sở truyền dịch phải có đủ các điều kiện xử lý chống sốc để phòng sự cố. Người truyền dịch phải có trình độ chuyên môn.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Truyền dịch ngay cả khi được thực hiện tại các bệnh viện lớn, bệnh nhân cũng có thể bị sốc hoặc có thể gặp một số nguy hiểm biến chứng. Nếu không được xử trí kịp thời bằng các loại trang thiết bị y tế cần thiết với các y bác sỹ có chuyên môn, bệnh nhân có thể tử vong.

Như báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, phòng khám chuyên khoa nội của BS Nguyễn Thị Kim Cúc (tại 392 Ngô Gia Tự - quận Long Biên, TP Hà Nội) có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp ngày 26/7/2012 và có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh được Sở cấp ngày 21/5/2012. Theo đó, phạm vi hoạt động của phòng khám được phê duyệt bao gồm: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên khoa.

Việc phòng khám của BS Nguyễn Thị Kim Cúc tiến hành truyền dịch cho cháu bé 22 tháng tuổi dẫn đến tử vong là hoạt động sai trái, không đúng với quy định của sở Y tế Hà Nội.

Luật sư Thơm cho biết, để xác định nguyên nhân cháu bé bị tử vong, cần thiết phải khám nghiệm tử thi làm rõ. Kết luận của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân chết sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo qui định của pháp luật. Nếu trường hợp cháu bé tử vong do bệnh lý nặng mắc phải mà không có liên quan đến việc truyền dịch của bác sỹ phòng khám gây ra thì không có lỗi.

Nếu trường hợp, nguyên nhân cháu bé tử vong là do sốc, dị ứng dịch hoặc các biến chứng khác do truyền dịch gây ra thì bác sỹ phòng khám sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm a, Khoản 1 Điều 315 Bộ luật hình sự 2015. Hình phạt có thể lên đến 5 năm tù.

Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đạt Lê

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vu-be-trai-22-thang-tuoi-tu-vong-o-long-bien-xu-ly-nhu-the-nao-327782.html