Vụ bé trai 13 tuổi tử vong sau khi điều trị tại trung tâm Y tế: Bác sĩ thiếu kinh nghiệm

Khi bệnh nhân có tình trạng chuyển biến nặng, trình độ chuyên môn của bác sĩ Nguyễn Giang Nam hạn chế, là bác sĩ đa khoa chưa có kinh nghiệm trong điều trị sốt xuất huyết nên chưa chẩn đoán được trình trạng sốt Dengue có dấu hiệu cảnh báo.

Liên quan đến vụ bé trai Lê Đình Ch. (13 tuổi) trong quá trình điều trị sốt xuất huyết tại trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, tình trạng bệnh chuyển biến nặng và tử vong, vừa qua, cục Quản lý khám chữa bệnh (KCB), bộ Y tế đã có văn bản trả lời khiếu nại về cái chết của bệnh nhi này đến với gia đình và cơ quan chức năng.

Theo đó, sau khi nhận được văn bản khiếu nại của ông Lê Đình Trọng (ngụ thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, cha nạn nhân Ch.), ngày 2/2/2018, bộ Y tế đã thành lập hội đồng chuyên môn, xem xét quá trình khám chữa bệnh của TTYT huyện Phú Giáo.

Cậu bé 13 tuổi tử vong trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Cậu bé 13 tuổi tử vong trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Hội đồng chuyên môn nhận định, ê kíp trực chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue là chính xác, xử lý phù hợp với hướng dẫn chẩn đoán của bộ Y tế trong giai đoạn đầu của bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có tình trạng chuyển biến nặng, trình độ chuyên môn của bác sĩ là Nguyễn Giang Nam (nhân viên của TTYT) hạn chế, là bác sĩ đa khoa chưa có kinh nghiệm trong điều trị sốt xuất huyết nên chưa chẩn đoán được trình trạng sốt Dengue có dấu hiệu cảnh báo. Vì vậy, không tiên lượng được bệnh để có chỉ định theo dõi, điều trị phù hợp bệnh trong giai đoạn trên.

Về việc TTYT chuyển viện cho bệnh nhân trong ngày 26/11/2016 trong tình trạng co giật là không an toàn, không theo đúng quy định, quy chế trong an toàn cấp cứu, không kiên quyết xử lý tình trạng co giật. Theo cục khám chữa bệnh, trong trường hợp trên, dù người nhà có yêu cầu chuyển viện thì TTYT cũng kiên quyết yêu cầu gia đình giữ lại, thực hiện việc cấp cứu và báo cho lãnh đạo TTYT xin ý kiến và lập hội có mặt người thân trong gia đình.

Cục Quản lý KCB cũng kết luận rằng, trong quá trình chuyển viện đã không đặt đường truyền tĩnh mạch, chuyển bệnh nhân đang trong tình trạng co giật (tình trạng trên do nhóm trực bác sĩ, hay do gia đình gây áp lực không cho đặt, hội đồng chuyên môn vẫn chưa xác định được). Bên cạnh đó, cục Quản lý KCB cũng xác định việc các bác sĩ thiếu kỹ năng trong việc tiếp xúc với người nhà trong trường hợp bệnh nhân có chuyển biến xấu về bệnh.

Cục quản lý KCB, bộ Y tế đã thông báo kết quả sau khi hội đồng chuyên môn xem xét vụ việc.

Trước đó, theo đơn phản ánh của ông Lê Đình Trọng, vào sáng 24/11/2016, con ông Trọng là bé Ch. bị bệnh nên gia đình đưa vào TTYT huyện Phú Giáo để khám chữa bệnh. Tại đây, Ch. được làm xét nghiệm, sau đó bác sĩ chẩn đoán Ch. bị sốt xuất huyết và cho cháu nhập viện.

Đến khoảng 14h chiều 26/11/2016, ông Trọng thấy con mình mệt nên vội vã gọi bác sĩ để hỏi thăm và xin chuyển viện. Bác sĩ nói rằng cháu không sao, điều trị xong sẽ được về nhà.

Đến 17h cùng ngày, thấy Ch. mệt, ông Trọng tiếp tục gọi bác sĩ Nguyễn Giang Nam để thông báo tình trạng sức khỏe của con trai mình. Đêm 26/11/2016, khi vừa từ phòng bệnh ra tới gần cửa xe cứu thương cháu Ch. co giật, bác sĩ Nam cho đẩy bệnh nhân lên xe và chuyển Ch. về bệnh viện tỉnh Bình Dương đi cùng 2 y tá.

Trên đường đi, Ch. tiếp tục co giật 2 lần nữa mà không được bác sĩ tiêm thuốc hay cấp cứu. Tại bệnh viện tỉnh, người Ch. đã tím tái hết, bác sĩ tiếp tục cấp cứu và chuyển Ch. đến bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, nhưng đến rạng sáng 29/11/2016 thì Ch. tử vong.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/vu-be-trai-13-tuoi-tu-vong-bac-si-thieu-kinh-nghiem-a370948.html