Vụ bê bối sửa điểm tại trường ĐH Y Tokyo (Nhật Bản): Lãnh đạo nhà trường cúi đầu xin lỗi

VH- Sau khi bê bối về thay đổi điểm thi, phân biệt đối xử với nữ giới bị phát hiện, điều tra đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ trong dư luận khiến lãnh đạo Đại học Tokyo cúi đầu xin lỗi về sai sót này.

Tetsuo Yukioka, Giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo và Keisuke Miyazawa, Phó Chủ tịch Đại học Y Tokyo, cúi rạp người xin lỗi trong buổi họp báo ở Tokyo Ảnh: REUTERS / Toru Hanai

Trong cuộc họp báo được tổ chức ngày 7.8, ông Tetsuo Yukioka, Giám đốc điều hành tại Đại học Y Tokyo đã cúi đầu nhận lỗi sau những cáo buộc về sửa điểm thi của nhiều thí sinh nữ để đảm bảo tiêu chí có nam giới đạt kết quả cao trong kỳ thi. “Chúng tôi đã phản bội niềm tin của công chúng. Chúng tôi muốn chân thành xin lỗi vì điều này”, Giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo ông Tetsuo Yukioka cúi rạp người khi phát biểu với báo giới trong buổi họp báo. Cũng trong buổi họp báo này, ông thừa nhận: “Xã hội đang thay đổi một cách nhanh chóng và chúng ta cũng cần phải thay đổi để đáp ứng điều đó. Vì vậy, bất kỳ tổ chức nào không tuyển dụng phụ nữ sẽ trở thành một hạt nhân yếu đuối của xã hội”.

Phía nhà trường cũng cho biết, đây là điều đáng hổ thẹn mà lẽ ra không nên xảy ra. Đại học Y Tokyo trong buổi họp báo đã đưa ra lời cam kết kỳ thi tuyển sinh tiếp theo sẽ được đảm bảo tính công bằng tuyệt đối. Phát biểu về vụ bê bối nêu trên, ban lãnh đạo của trường khẳng định, họ không hề hay biết về công tác sửa điểm thi, tuy nhiên sẽ sẵn sàng cân nhắc bồi thường thiệt hại cho các em thí sinh từng bị đối xử bất công.

Vụ bê bối được đánh giá là gây chấn động trong ngành giáo dục Nhật Bản này được truyền thông vào cuộc hồi tuần trước. Điểm đáng lưu ý, Đại học Y Tokyo đã bắt đầu thực hiện hành vi sửa điểm để đảm bảo phụ nữ không thể trở thành bác sĩ từ năm 2006 hoặc thậm chí sớm hơn, theo kết quả điều tra của các luật sư. Như vậy, trong hơn một thập niên, có hàng nghìn thí sinh nữ đã bị sửa điểm mà không hề hay biết, chỉ cho đến khi truyền thông Nhật Bản công bố các cáo buộc vào tuần trước.

Theo những thông tin ban đầu được công bố, vào năm 2011, nhà trường đã tiến hành điều chỉnh điểm thi đầu vào của các thí sinh nữ, nhằm giữ tỉ lệ nữ sinh viên tại trường không vượt quá mức 30%. Cuộc điều tra cũng cho thấy, trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, trường đã giảm 20% điểm thi đầu vào của các thí sinh nữ và cộng vào ít nhất 20 điểm cho các thí sinh nam, trừ trường hợp thí sinh nam đó đã từng trượt 4 lần.

Đáng chú ý hơn, các luật sư tiến hành điều tra còn đưa ra cáo buộc hối lộ khi Trường Đại học Y Tokyo đã tiến hành sửa điểm cho con trai của ông Futoshi Sano, một quan chức cao cấp Bộ Giáo dục. Trước đó, thí sinh này đã từng trượt Đại học Y Tokyo tới ba lần và được nâng 20 điểm, đúng mức vừa đủ điểm chuẩn trong kỳ thi năm nay.

Lời giải thích được đưa ra cho vụ bê bối chấn động này chính là các viên chức nhà nước cảm thấy phụ nữ có nhiều khả năng bỏ nghề sau khi có con hoặc vì nhiều lý do khác.

Cho đến thời điểm hiện tại, con số cụ thể về số người bị ảnh hưởng trong vụ bê bối điểm số nêu trên vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, theo thống kê, vào kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2018 của Đại học Y Tokyo, tỷ lệ phụ nữ được nhận vào trường sau vòng thi tuyển đầu tiên là 14,5%, so với 18,9% ở nam giới. Tuy nhiên, sau khi quá trình sửa điểm diễn ra, chỉ có 2,9% nữ sinh được nhận vào trường, so với 8,8% số thí sinh nam.

Trên thực tế, tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản tốt nghiệp đại học là 50%, con số cao nhất thế giới. Tuy nhiên từ lâu nay, dù không ai thừa nhận, họ vẫn luôn phải đối mặt với sự phân biệt giới tính trong công việc hoặc trong quá trình tuyển dụng. Phụ nữ Nhật Bản có trình độ học vấn xếp hạng cao trên thế giới. Nhưng vấn nạn tăng ca cùng áp lực công việc nổi tiếng cao tại đất nước này đã khiến cho nhiều người buộc phải bỏ việc để chăm sóc con cái ngay khi họ bắt đầu lập gia đình.

Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho biết, phân biệt giới tính là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được” trong bối cảnh xã hội hiện đại. Các báo cáo về vụ việc đã gây nên một cơn phẫn nộ kéo dài trong suốt những ngày qua bởi việc sửa điểm nữ giới trong kỳ thi hoàn toàn đi ngược lại với mô hình xã hội mà Thủ tướng Shinzo Abe muốn xây dựng. Thủ tướng Nhật Bản từ lâu đã ưu tiên tạo ra một xã hội “nơi phụ nữ có thể tỏa sáng” bằng những hình thức như thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo.

ĐẶNG THỤC LINH

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/vu-be-boi-sua-diem-tai-truong-dh-y-tokyo-nhat-ban-lanh-dao-nha-truong-cui-dau-xin-loi