Vụ bắt cóc đòi nợ tiền tỷ tại TP.HCM: Chủ mưu đã thoát tội?

Thay vì điều tra lại theo yêu cầu của Tòa án để tránh bỏ lọt tội phạm, CSĐT Bộ Công an lại ra quyết định đình chỉ điều tra với hai bị can là Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với lý do 'không còn nguy hiểm cho xã hội'.

Điều này khiến bị hại bức xúc vì cho rằng CQĐT đã “cởi trói” cho người được xem là chủ mưu gây ra vụ án nói trên.

Bắt cóc đòi nợ có tổ chức

Theo cáo trạng, năm 2010, bà Nguyễn Thị Phương Nam cho bà Lê Thị Thảo (39 tuổi, quê quán Nghệ An) vay 4,5 tỷ đồng với lãi suất từ 9-15%/tháng. Sau đó, Thảo nhiều lần đòi nợ nhưng bà Nam chỉ trả được 10.000 USD.

Thông qua bạn bè, Thảo nhờ Trần Văn Miên và Trần Văn Hinh (anh trai Miên) đòi nợ giúp. Miên đã bay từ Hà Nội vào TPHCM gặp Thảo, sau đó rủ Nguyễn Anh Đức cùng Thảo và Lưu Quang Ngọc Đức (lái xe của Thảo) đi tìm bà Nam đòi nợ cho Thảo.

Đến khoảng 15 giờ ngày 10/12/2010, sau khi nhận được tin bà Nam vừa ra khỏi nhà mình, Miên liền thông báo cho Thảo biết sự việc đồng thời đi xe ôm bám theo. Lúc bà Nam được tài xế của mình chở bằng xe máy đi tới ngã tư Lê Duẩn – Phạm Ngọc Thạch (quận 1) thì Miên áp sát, khống chế buộc bà Nam lên ô tô Camry của Thảo đã đợi sẵn phía sau.

Lúc này, Thảo từ trong xe ô tô bước ra và bảo bà Nam lên xe. Trên xe lúc này có Đức “tài xế” và Nguyễn Anh Đức ngồi hàng ghế trên, còn bà Nam ngồi hàng ghế sau cùng Thảo và Miên. Trong xe, Thảo yêu cầu bà Nam trả nợ, bà Nam xin được trả mỗi tháng 50 triệu đồng nhưng Thảo không đồng ý.

 Trần Văn Miên tại tòa

Trần Văn Miên tại tòa

Theo chỉ đạo của Thảo, Đức “tài xế” lái xe đưa cả nhóm (Thảo, Miên, Nguyễn Anh Đức) cùng bà Nam đến một nhà nghỉ ở quận 12 để tiếp tục đòi nợ. Bà Nam không đồng ý trả tiền và bị chuyển đến nhiều điểm khác nhau tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Trong một tuần bị giam giữ, Miên yêu cầu bà Nam phải gọi điện thoại về gia đình lấy tiền trả cho bà Thảo, nếu không sẽ không được yên thân. Sợ hãi, bà Nam đã gọi điện thoại vay mượn người thân, bạn bè để trả cho Thảo 3,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, lợi dụng đang giữ bà Nam, Miên còn hăm dọa, buộc bà chuyển vào tài khoản riêng của mình 800 triệu đồng. Chiều ngày 17/12/2010, Sau khi lấy được tiền, chiều ngày 17/12/2010, Miên cùng đồng bọn đã thả bà Nam. Khi về TP HCM, bà Nam đã làm đơn tố cáo nhóm người vừa bắt giữ và cưỡng đoạt tiền của mình.

Màn “cởi trói” cho người chủ mưu gây tranh cãi

Liên quan đến vụ án trên, Bản án phúc thẩm số 483/2015 do TAND Cấp cao tại TP HCM ban hành ngày 7/10/2015 nhận định, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho rằng chỉ có lời khai của bị cáo Miên và lời khai của người bị hại không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi của bà Thảo nên không khởi tố, truy tố là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm….

Đối với bà Lê Thị Thảo rõ ràng có liên quan đến số tiền 3,5 tỷ đồng mà bị cáo ép buộc bà Nam vay và chuyển cho bà Thảo nhận trong thời gian bị bắt giữ trái pháp luật, nhưng không được cấp sơ thẩm đưa bà Thảo tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xử lý đối với số tiền này mà chỉ xác định là nhân chứng là thiếu sót. Chính vì vậy, TAND Cấp cao tại TP HCM đã quyết định hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 139/2015/HSST ngày 23/4/2015 của TAND TPHCM để điều tra lại.

Ngày 06/09/2016, cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã ký Quyết định số 359/C45-P7 và 360/C45-P7 khởi tố bị can đối với Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”. Viện KSNDTC đã ra cáo trạng truy tố ba bị can Trần Văn Miên, Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức ra trước tòa với cùng tội danh bị khởi tố.

Đến ngày 25/8/2017, TAND TPHCM quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 205/2017/HSST-QĐ để điều tra bổ sung 2 vấn đề: Làm rõ vai trò của Trần Văn Hinh, Nguyễn Minh Tân, Lưu Quang Ngọc Đức trong vụ án để tránh bỏ lọt tội phạm; Làm rõ yêu cầu bồi thường về tài sản đối với bị hại bà Nguyễn Thị Phương Nam, cụ thể số tiền yêu cầu là bao nhiêu? Người nào phải có trách nhiệm bồi thường? Thu thập các tài liệu liên quan về yêu cầu bồi thường của bà Nam (nếu có).

Ngày 21/10/2017, cơ quan CSĐT- Bộ Công an ban hành bản kết luận điều tra bổ sung số 15/C54-P7 và chuyển cho Vụ 2 – Viện KSNDTC đề nghị truy tố bị can Lê Thị Thảo, Trần Văn Miên, Nguyễn Anh Đức ra trước pháp luật theo các tội danh đã truy tố.

Ngày 16/11/2017, Viện KSNDTC tiếp tục ban hành quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 53/VKSTC-V2 để cơ quan CSĐT- Bộ Công an điều tra theo yêu cầu của quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 205/2017/HSST-QĐ của TAND TPHCM.

Tuy nhiên, ngày 28/12/2017, cơ quan CSĐT- Bộ Công an ban hành bản kết luận điều tra bổ sung số 180/C45-P7 chuyển cho Viện KSNDTC đề nghị truy tố duy nhất bị can Trần Văn Miên.

Theo bản kết luận, cơ quan CSĐT- Bộ Công an cho rằng 2 yêu cầu điều tra bổ sung của TAND TPHCM đã có kết luận trong các bản kết luận bổ sung trước đó. Điều đáng nói là cũng trong ngày 28/12/2017, cơ quan CSĐT- Bộ Công an ban hành Quyết định số 10 và 11/C45-P7 đình chỉ điều tra với hai bị can là Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với lý do “không còn nguy hiểm cho xã hội” do Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến ký trước khi nghỉ hưu có vài ngày.

Cơ quan CSĐT- Bộ Công an nhận định, căn cứ kết luận điều tra vụ án xét thấy trong vụ án này các bị can phạm tội có dấu hiệu “phạm tội có tổ chức” có nhiều đối tượng ở nhiều địa phương khác nhau cùng tham gia, tổ chức bắt giữ chị Nam ở nơi đông người giữa ban ngày. Sau khi bắt chị Nam các đối tượng đã đưa chị Nam qua nhiều địa điểm khác nhau có cử người trông giữ với mục đích để Lê Thị Thảo đòi nợ chị Nam. Tuy nhiên, xét thấy hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật” của bị can Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức không còn nguy hiểm cho xã hội nên Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã đình chỉ điều tra bị can đối với Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức theo khoản 1, điều 25 BLHS.

Nói về việc Cơ quan CSĐT quyết định đình chỉ điều tra như trên, Luật sư Nông Minh Đức (Đoàn Luật sư TPHCM – Người bảo vệ quyền lợi cho bà Nam) cho rằng, cơ quan điều tra ra quyết định nhưng lại không viện dẫn được văn bản pháp lý, chính sách pháp luật nào của Nhà nước cho thấy không xử lý hình sự đối với hành vi bắt giữ người trái pháp luật là không hợp lý, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Do đó, Luật sư Đức đã đề nghị TAND TPHCM trả hồ sơ điều tra bổ sung tránh bỏ lọt tội phạm.

Thiết nghĩ, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, cũng như Viện KSNDTC cần xem xét thực hiện đúng yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của TAND cấp cao tại TPHCM, tránh bỏ lọt tội phạm.

PV

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-luat/ho-so-vu-an/vu-bat-coc-doi-no-tien-ty-tai-tp-hcm-chu-muu-da-thoat-toi-274084.html