Vụ bắt cóc Chủ tịch thương hội Thượng Hải của ông trùm Thanh Bang Hội

Thời Dân Quốc nửa đầu thế kỷ XX, quyền lực thật sự của thành phố Thượng Hải vẫn bị chia hai. Một nửa, nó thuộc về tập đoàn tướng lĩnh quân phiệt Quốc Dân Đảng. Nửa kia, ngoài vòng luật pháp, nằm trong tay tổ chức xã hội đen Thanh Bang Hội với 'tam đầu chế' lẫy lừng Hoàng Kim Vinh - Trương Tiêu Lâm - Đỗ Nguyệt Sênh.

Trong số này, Hoàng Kim Vinh là "lão đại" đích thực, xếp trước cả về tuổi tác lẫn thế hệ truyền thừa giang hồ.

Mạt cưa gặp mướp đắng

Ông trùm Thanh Bang hội sinh tại Tô Châu năm 1867. Biệt danh Hoàng "mặt rỗ" đeo đẳng đời Hoàng từ 5 tuổi, sau một trận đậu mùa thập tử nhất sinh vào năm 1872. Một năm sau, gia đình Hoàng dọn về Thượng Hải.

Hoàng Kim Vinh xuất thân nghèo khó. Ông Hoàng Bỉnh Tuyền, thân phụ của Hoàng chỉ là một người đầy tớ tạp dịch trong chùa. Năm 1881, ông mất. Hoàng Kim Vinh mới 14 tuổi được nhà chùa nhận làm tạp dịch thay cha. Tiền lương không đáng kể, nhưng nhờ có công việc, nơi ăn ở ổn định nên được học hành chữ nghĩa một thời gian, cũng có cơ hội quen biết được một số người có vị thế trong xã hội thỉnh thoảng vẫn đến lễ chùa. Năm 1890, Hoàng được nhận làm một chân bổ khoái (cảnh sát giữ trật tự) và 2 năm sau, 1892, thì được phong bổ khoái cấp 3, coi sóc công việc cảnh sát trong một khu vực nhỏ trong tô giới Pháp tại Thượng Hải.

Có chút quyền lực, Hoàng Kim Vinh đã triệt để lao vào công cuộc buôn thuốc phiện trong khu tô giới, dùng tiền mua vị trí cao, cả trong Sở cảnh sát lẫn trong tổ chức bang hội xã hội đen ở Thượng Hải. Trong Thanh Bang, Hoàng Kim Vinh là sư phụ thuộc thế hệ chữ Thông, trong bảng sắp 4 dòng bắt đầu từ thời mạt Thanh là Đại - Thông - Ngộ - Học.

Lão đại Hoàng Kim Vinh và Ngu Hiệp Khanh.

Hoàng Kim Vinh phất lên rất nhanh, vào năm 1899 đã có thể xây hẳn một nhà hát đặt tên là Thiên Cung để làm quà tặng đẹp lòng Lộ Lan Xuân người yêu mê hát xướng, một đào hát lừng danh, người mà sau đó một năm Hoàng cưới làm vợ thứ 4.

Mùa đông năm 1937, ở đỉnh cao quyền lực phụ trách toàn bộ Cảnh sát Thượng Hải, Hoàng Kim Vinh đã dùng uy thế ép người bán, mua rẻ 500 mẫu đất tại Thương Châu. Thương thảo sắp ngã ngũ, đột nhiên người bán đổi ý. Điều tra, Hoàng Kim Vinh phát hiện đám đất này được bán cho ông chủ Ngu Hiệp Khanh với giá 5 triệu đồng, cao hơn 20% giá Hoàng Kim Vinh đã thỏa thuận. Chưa đầy một năm sau, giá đất tăng ào ào. Ngu Hiệp Khanh đem bán hết toàn bộ 500 mẫu đất, thu về 9 triệu nguyên, lãi ròng 80%.

Mất món lợi quá lớn, Hoàng Kim Vinh không cam tâm. Nhưng công khai đối đầu cũng không dễ. Ngu Hiệp Khanh từng oai trấn giang hồ một thời trong vai trò một nhà kinh tài lừng lẫy. Năm 1920, Ngu Hiệp Khanh chính là nhà sáng lập và đứng đầu Thị trường chứng khoán Thượng Hải. Năm 1923, người này đã trở thành Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế - Tài chính - Thương mại toàn thành phố.

Ngu Hiệp Khanh cũng thuộc hạng những người giàu nhất trong các khu vực tô giới, là cổ đông quan trọng, hoặc là ông chủ thật sự của nhà băng Kim Thành, nhãn hiệu vàng Kim Thành cùng vô số cơ sở kinh tài lớn khác. Hơn thế nữa, Ngu Hiệp Khanh với Tưởng Giới Thạch có tình đồng hương Ninh Ba, giữa năm 1922 từng tiến dẫn Tưởng Giới Thạch đến bái quan môn Hoàng Kim Vinh xin nhận làm đệ tử Thanh Bang.

Tưởng cũng đã bái nhận Ngu Hiệp Khanh làm nghĩa phụ (cha nuôi). Hàng năm, quan viên cao cấp cả trong chính phủ lẫn ngoài giang hồ ở Thượng Hải, trước khi đến lễ Tết Tưởng, bao giờ cũng đến thăm hỏi, vấn an Ngu Hiệp Khanh trước.

Biết uy vũ trùm trời của Ngu Hiệp Khanh nên khi làm lễ Khai sơn môn ấn định phả hệ giang hồ Thanh Bang thế hệ chữ Ngộ cho Tưởng, Hoàng Kim Vinh đã không những không nhận tiền "đặt chỗ" (một thủ tục bắt buộc, số tiền thường rất lớn) mà còn tặng Tưởng thêm 9.000 đồng Nguyên để chúc phúc hanh thông.

Sau sự biến 12-4- 1927, Tưởng đàn áp công nhân chiếm quyền lực toàn thành phố Thượng Hải, Hoàng Kim Vinh đã thửa lễ, đến gặp Tưởng… bái trả, xóa lời nguyền phả hệ, trả quan hệ thầy trò để trở thành đồng đạo giang hồ. Hoàng Kim Vinh làm thế để phòng xa, giữ thể diện cho Tưởng, tránh phải tự chuốc lấy tai vạ.

Biết, nhưng giận quá hóa ngu, Hoàng Kim Vinh vẫn quyết định tá đao sát nhân, làm một quả "phất phiến thu phong" (vẩy quạt gió thu) phạt Ngu Hiệp Khanh.

Vô tiền khoáng hậu

Hoàng Kim Vinh sai đệ tử thân tín Từ A Ninh tìm Thẩm Bát, một tay rất giỏi trong nghề ám sát, thủ tiêu, bắt cóc tống tiền, thủ hạ của tư lệnh phòng thủ Ninh Ba Vương Kỳ Nam thương lượng, thuê Thẩm bắt cóc tống tiền Ngu Hiệp Khanh. Điều này không quá khó. Ngu Hiệp Khanh luôn tin rằng cả đất Thượng Hải không có ai dám nghĩ đến chuyện làm ông ta rụng một cọng lông. Ra đường, Ngu Hiệp Khanh không hề mang theo bất kỳ vệ sĩ nào, thỉnh thoảng còn tự mình lái xe, thích đâu ghé đấy không theo quy luật nào cả.

Một ngày cuối năm 1938, Thẩm Bát và hai tên đàn em đã dí súng vào lưng "mời" Ngu tiên sinh lên xe của chúng đang nổ máy sẵn. Trên xe, Ngu Hiệp Khanh bị trói, bị đánh bằng báng súng, bất tỉnh.

Tuy đã già nhưng bản lĩnh giang hồ của Ngu Hiệp Khanh vẫn còn khá nhanh nhạy và cứng cỏi. Tỉnh dậy, thấy xe của ba tên vô lại đã dừng tại một khu vắng vẻ, Ngu Hiệp Khanh bèn chủ động ngọt lạt: "Đâu cần phải mạnh tay với lão già này như thế. Có khó khăn gì, anh em cứ nói. Ngu mỗ đây có trót đắc tội điều gì cũng xin xí xóa, mời anh em về khách sạn làm một chầu tẩy trần và có dịp hàn huyên. Nghe giọng, chắc chúng ta đều đồng hương Ninh Ba cả!".

Nghe nhắc chữ "đồng hương", Thẩm Bát dịu giọng: "Mưa gió tơi bời, kiếm sống khó quá. Phiền tiên sinh giúp chúng tôi một ít. Chừng này thôi". Vừa nói Thẩm Bát vừa giơ 4 ngón tay.

Ngu Hiệp Khanh nén đau, cười nhẹ: "Bốn vạn à?".

Thẩm Bát trở lại giọng cô hồn, huỵch toẹt: "Bắt cóc một đại phú như Ngu tiên sinh mà chỉ đòi có bốn vạn thì chẳng bõ giắt răng. Tiên sinh cứ... mạnh dạn nhân mười lên cho"!

Thượng Hải nửa đầu thế kỷ XX.

Ngu Hiệp Khanh cười, lắc đầu: "Chỉ thế thôi sao? Cởi trói, theo ta về nhà lấy tiền. Ngu mỗ xin biếu anh em mỗi người ba mươi vạn. Đừng ngại. Kẻ hèn này cũng từng hoành đao tam quan lục cảng, thấu hiểu lý lẽ giang hồ. Lừa anh em vô bẫy vì non trăm vạn bạc, để tiếng bỉ côn sất phu, Ngu mỗ tuyệt đối không nghĩ đến".

Thẩm Bát cảnh giác: "Thật không dám phiền. Tiên sinh cứ ngồi nghỉ. Chỉ cần viết cho người nhà mấy chữ, người anh em của tôi sẽ tự tìm đến nhà xin".

Ngu Hiệp Khanh lấy ngay giọng bề trên, cười lạt: "Khóa nhà, khóa tủ… ta mang theo đây cả. Ngân phiếu thì nhiều, nhưng tiền mặt thì chắc không đủ. Anh em lấy bao nhiêu cũng được, nhưng để anh em phải cầm ngân phiếu, có khác gì ta làm khó đẩy anh em vào chỗ chết vì dễ lộ, tiêu làm sao được? Chi bằng cả bốn chúng ta đến khách sạn của bạn ta, uống chén rượu nhạt, ta sẽ lấy tiền mặt của người bạn gửi cho anh em. Đi cả 4 người, chắc anh em không lo bị gạt chứ?".

Im lặng từ đầu buổi, gã lái xe bất ngờ lên tiếng: "Tụi tôi có bề gì, toàn bộ biệt thự Tam Bắc với cả ba đời tông tộc của tiên sinh chắc cũng không giữ được một mảnh nguyên. Xin tiên sinh cứ cho địa chỉ."

Đến nơi, tiệc bày trên tầng 3. Ngu Hiệp Khanh nói chủ khách sạn: "Phiền bằng hữu Lục Liên Khuê cho mượn 90 vạn để Ngu mỗ giúp anh em đồng hương đang có chuyện cần".

Tam đầu chế Thượng Hải: Đỗ Nguyệt Sênh, Trương Tiêu Lâm và Hoàng Kim Vinh.

Cố ý nhắc tên chủ nhà, Ngu Hiệp Khanh đã giáng cho ba kẻ bắt cóc tống tiền một đòn chí mạng. Lục Liên Khuê đang là Trưởng phòng Tuần bổ khu 13, Tô giới Pháp, khét danh giang hồ như một đao phủ chưa từng run tay. Lục Trưởng thám coi như đã rõ mặt ba tên uống mật gấu. Giờ thì tính mạng chúng đã nằm gọn trong tay của Ngu xếnh xáng và chỉ cần ông ta ho một tiếng.

Nhưng Ngu Hiệp Khanh vẫn cười nói tự nhiên, cố ý không biết đến chuyện ba khẩu súng ngắn đạn đã lên nòng đang chĩa vào ông ở dưới gầm bàn, vẫn liên tục tiếp rượu, thức ăn cho ba thích khách. Tiền được chủ khách sạn đưa lên không thiếu một đồng. Ba thích khách phân vân. Ngu Hiệp Khanh lại mở cho lối thoát: "Đồng hương vất vả ghé thăm, tiếc là không có thời gian ghé tệ xá của ta hàn huyên vài bữa, thật ngại quá. Thôi, cho phép mỗ tiễn anh em ra cảng Thập Lục".

Đến cảng, Ngu Hiệp Khanh lại mua ba vé tàu thủy hạng nhất tặng. Trong khi chờ tàu, nạn nhân lại mời cả ba tên vào quán trà Vạn Thanh nổi tiếng, vốn là của Hoàng Kim Vinh mở giao cho em ruột Hoàng Trung Thư quản lý. Trong khi ngồi thưởng thức trà Long Tỉnh, Ngu Hiệp Khanh tỏ ra thân tình và bề trên: "Là bằng hữu, không biết thì thôi. Đã biết thì không cần cố chấp, sau này cần gì cứ điện thoại, viết thư hay ghé tệ xá, Ngu mỗ tuyệt đối không chối từ, không cần động dao động súng gây kinh động. Chiếc xe cần gửi ở đâu, anh em cứ cho biết, bản mỗ sẽ cho người lo giúp".

Bản lĩnh cao cường của Ngu Hiệp Khanh đã hoàn toàn khiến ba tên đao búa thúc thủ, cứ ngỡ Ngu Hiệp Khanh là…. Đại bang chủ của chúng chứ không phải nạn nhân. Gã lái xe khai luôn "xe mượn của Công ty Hoàng Bao, cứ để trên bến khắc có người đến đem về". Khi đang nói chuyện, bất ngờ Kim Cửu Lâm, một đệ tự Hoàng Kim Vinh xuất hiện, ngạc nhiên và mừng rỡ: "Thẩm Bát đại ca đến Thượng Hải bao giờ? Sao không cho đệ biết để nghênh đón". Vậy là lộ danh tính của kẻ cầm đầu đám thích khách.

Sau màn tiễn biệt, người cháu tên là Ngu Bưu được Ngu Hiệp Khanh điện thoại phái đi theo dõi đã về báo lại: "Đến lấy xe là Kim Trung Thư, cháu họ của Hoàng Kim Vinh".

Vậy là quá đủ. Nhưng chưa hết. Ân tình được đền đáp. Thẩm Bát và tay chân lấy được tiền trên cả mong đợi nhưng không hề bị trừng phạt đã viết thư gửi Ngu Hiệp Khanh xin khấu đầu tạ tội. Thư khai rõ: "Đắc tội với tiên sinh là do chủ ý của Tổng thám Hoàng Kim Vinh, thuê với giá 20 vạn trong số tiền lấy được. Mong tiên sinh bảo trọng".

Áp tết năm đó (1939), Ngu Hiệp Khanh đã một mình đến thăm họ Hoàng, đưa bức thư và các chứng cứ ra, đòi Hoàng Kim Vinh cùng mình đi Nam Kinh một chuyến, cùng gặp Tưởng Giới Thạch nhờ phân xử. Hoàng Kim Vinh luôn mồm kêu oan, luôn mồm thề triệu những kẻ liên quan đến để Ngu Hiệp Khanh tùy ý trừng trị. Hoàng Kim Vinh cố chứng minh là do các đệ tử Kim Trung Thư, Kim Cửu Lâm… quen Thẩm Bát nên đã vô tình cho mượn xe. Kế hoạch hoàn toàn do Thẩm Bát nghĩ ra. Hoàng không liên quan, cũng chưa từng biết Thẩm Bát là ai, nhưng để đệ tử vô tình dính líu, cũng xin bồi hoàn mọi thiệt hại.

Ngu Hiệp Khanh không gật không lắc. Bí đường, Hoàng Kim Vinh đành dụng hạ sách khổ nhục kế. Hoàng "mặt rỗ" lấy ra hai khẩu súng ngắn, tự kê vào hai đùi, bóp cò, tự bắn vỡ tung hai đùi mình. Máu tuôn lênh láng nhưng Hoàng vẫn từ chối không dám để Ngu Hiệp Khanh giúp đưa đi bệnh viện, nằm quằn quại chờ bác sĩ riêng đến mổ gắp đạn và băng bó cho ngay tại phòng khách.

Ngu Hiệp Khanh thấy đối thủ đã đã tự trừng phạt nên không nhắc thêm chuyện. Nhưng Hoàng vẫn sợ nên 10 năm sau (1949) vẫn không dám theo Tưởng chạy sang Đài Loan, đành ở lại khi Thượng Hải được giải phóng. Nghe theo lời khuyên của Phó thị trưởng quân quản Thịnh Chính Hoa, Hoàng Kim Vinh đã tự động viết một bản tự bạch dài nguyên cuốn vở học trò, tự tố cáo hết tội ác, mánh khóe giang hồ của bản thân trong suốt mấy chục năm. Viết xong vẫn cứ sợ, giữa năm 1953, Hoàng Kim Vinh đột ngột lăn ra chết, dù chẳng đau ốm gì cả!

Nguyễn Hồng Lam

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/vu-bat-coc-chu-tich-thuong-hoi-thuong-hai-cua-ong-trum-thanh-bang-hoi-506132/