Vụ bắt cóc cháu trai nhà tài phiệt dầu mỏ từng gây chấn động thập kỷ 70

Vụ bắt cóc cháu trai nhà tài phiệt dầu mỏ Getty từng gây chấn động thập kỷ 70 để lại những cuộc tranh cãi dữ dội kéo dài hàng chục năm sau.

John Paul Getty III - nạn nhân vụ bắt cóc - nổi tiếng với vẻ ngoài điển trai và lối sống phóng khoáng, xa xỉ - Ảnh: RollingStone

Giống như nhiều dòng họ danh giá, gia đình Getty vào những năm 1970 nổi tiếng về khối tài sản đồ sộ nhờ dầu mỏ nhưng cái giá phải trả là nỗi bất hạnh trong suốt nhiều thập niên - được giới truyền thông gọi là "lời nguyền Getty".

Vụ bắt cóc người thừa kế duy nhất của dòng họ Getty vào năm 1973, John Paul Getty III, là một đòn chí mạng với hình ảnh tưởng chừng bất khả xâm phạm của gia đình tỷ phú. Sự xuất hiện của giới mafia Ý, tin đồn về việc con tin bị cắt một tai, sự phóng túng của thiếu gia 16 tuổi và phản ứng sắt đá của người ông đã khiến truyền thông tốn không ít giấy mực.

Đó là những gì đã tạo nên “lời nguyền Getty” - một trong những vụ bắt cóc kỳ lạ, tàn bạo và ồn ào nhất trong lịch sử. 45 năm sau ngày sự việc được công bố, những cuộc tranh cãi và phỏng đoán về vai trò của Getty III trong vụ bắt cóc vẫn chưa kết thúc.

Mùa Giáng sinh 2017 một lần nữa đánh dấu thành công của đạo diễn Hollywood gạo cội Ridley Scott với bộ phim All the money in the world (Vụ bắt cóc triệu đô) dựa theo cuốn sách năm 1995 của John Pearson kể lại câu chuyện đau lòng, cho thấy dư luận chưa bao giờ lãng quên bi kịch gia đình Getty.

Nhà tài phiệt sắt đá

Không lâu sau khi chàng trai J. Paul bắt đầu làm việc tại các mỏ dầu Oklahoma do cha ông George Franklin Getty điều hành, doanh nghiệp này đã kiếm được một triệu đô la đầu tiên. Tuy nhiên, khi Franklin Getty mất vào năm 1930, ông đã vô cùng bi quan về tương lai của gia đình bởi con trai ông kết hôn tới 5 lần và chưa bao giờ tỏ ra hạnh phúc.

J. Paul tiếp quản công việc kinh doanh, kết hợp với Getty Oil vào năm 1942, thực hiện nhiều giao dịch béo bở ở Saudi Arabia và Kuwait và mua lại các công ty đối thủ như Skelly Oil. Ông được tạp chí Forbes bình chọn là người giàu nhất nước Mỹ năm 1957 và là công dân giàu nhất đạt kỷ lục Guinness năm 1966 với khối tài sản trị giá 1,2 tỉ đô la vào thời điểm đó.

J. Paul không chỉ giữ vững hoạt động kinh doanh của gia đình mà thậm chí đã vươn ra toàn thế giới nhưng dự đoán của Franklin về con trai ông không sai. Có năm người con trai với bốn trong số năm người vợ của mình nhưng J.Paul luôn bị họ ghét bỏ bởi tính cách sắt đá và thờ ơ. Con trai cả của ông, Giám đốc điều hành Getty Oil George Franklin Getty II là người thừa kế của ông nhưng hai cha con hầu như không trò chuyện với nhau.

J. Paul thậm chí đã không dự đám cưới của con trai và chưa bao giờ bế các cháu của mình. Khi Getty II tự tử vào đầu năm 1973, đám tang con trai cũng không phải là ưu tiên của J. Paul. Những người thân tín với ông kể lại rằng vị tỷ phú càu nhàu không dứt về nguyên nhân cái chết, lo sợ danh tiếng và công việc của gia đình bị ảnh hưởng.

Người con trai thứ là Gordon Getty đã phải hi sinh niềm đam mê với âm nhạc cổ điển để chuẩn bị cho ngai vàng ngành dầu mỏ. Cái chết của J. Paul vào năm 1976 được cho là một tin mừng với những người vợ và các con trai của ông. Nhiều năm sau, mẹ của Timothy Ware Getty – con trai út của J.Paul, Teddy Getty Gaston, đã kể lại trong cuốn hồi ký về những đòn trừng phạt kinh hoàng của nhà tỷ phú khi kết tội bà phung phí tiền bạc vào việc chữa bệnh cho con trai. Timothy mất năm 6 tuổi bởi căn bệnh u não. Tuy nhiên, tính tình khắc nghiệt và tình yêu mù quáng với đồng tiền của J.Paul chỉ thực sự nổi tiếng khi vụ bắt cóc thế kỷ diễn ra.

“Người thừa kế vàng”

John Paul Getty III là con cả trong bốn người con của Abigail “Gail” Harris và John Paul Getty Jr., con trai thứ ba của J. Paul. Getty III dành toàn bộ thời thơ ấu của mình ở Ý - nơi cha anh phụ trách điều hành Getty Oil Italiana. Đến năm 16 tuổi, chàng thiếu niên tóc đỏ nổi loạn đã bị đuổi học vì kết quả kém và các hành vi vô kỷ luật.

Vào sáng sớm ngày 11/7/1973, mẹ của Getty III nhận được một bức thư: "Mẹ thân yêu: Con đã rơi vào tay của bọn bắt cóc. Đừng để con bị giết! Đây không phải trò đùa. Nếu mẹ báo cảnh sát, họ sẽ hại con…”.

Nhiều giả thuyết cho rằng Getty III đã muốn “giải quyết vấn đề tài chính của mình bằng cách sắp xếp vụ bắt cóc hoàn hảo với hy vọng kiếm một khoản tiền lớn từ ông nội giàu có”. Nhiều bạn bè của Getty III kể lại rằng chàng trai thường xuyên hết tiền nhưng luôn thích tiệc tùng và đánh bạc. Các nhà chức trách thậm chí đã gián đoạn cuộc điều tra với lý do cần chờ thêm bằng chứng rằng đó không phải một trò lừa bịp.

Thêm hai lá thư và một cuộc điện thoại tới mẹ của Getty III từ những kẻ bắt cóc tự nhận là thành viên của Ndrangheta mafia - tổ chức tội phạm khét tiếng ở vùng Calabria, Ý yêu cầu một khoản tiền chuộc 17 triệu đô la khiến bà hốt hoảng. Nhưng khi Getty Jr. đến gặp cha mình để xin tiền chuộc con trai, J. Paul đã từ chối, đuổi con trai khỏi cửa và không đưa một xu lẻ.

Theo một bài viết trên tạp chí Time, nhà tỷ phú giải thích lý do từ chối trả tiền chuộc: “Tôi có 14 đứa cháu khác. Nếu tôi trả một xu bây giờ thì tôi sẽ có 14 đứa cháu bị bắt cóc”.

Con tin hay thủ phạm?

Bất chấp thực tế rằng Getty III là một thanh niên trác táng và có thể đã cố tình dàn xếp vụ bắt cóc để trục lợi, thái độ lạnh lùng của J.Paul đã trở thành đề tài tranh cãi trong một thời gian dài. Vào tháng 11/1973, 4 tháng sau khi biến mất khỏi Piazza Navona ở Rome, một lọn tóc và một chiếc tai bị cắt đứt của Getty III được gửi tới một tờ báo địa phương cùng lá thư đòi khoản tiền chuộc 3,2 triệu USD: “Đây là tai của Paulo. Nếu chúng tôi không nhận được tiền trong vòng 10 ngày tới thì tai kia sẽ đến. Nói cách khác, anh ta sẽ được về nhà từ từ từng bộ phận”.

Ngoài ra ngay cả khoản tiền chuộc giảm đáng kể này cũng không thuyết phục được J. Paul gửi cho những kẻ bắt cóc một tấm séc. Ông khăng khăng đòi thương lượng và cuối cùng, đồng ý trả 3 triệu đô la để cứu cháu trai đích tôn – người thừa kế duy nhất còn lại của dòng họ Getty. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ chỉ đưa 2,2 triệu USD tiền riêng vì đó là số tiền tối đa có thể được khấu trừ thuế. Số tiền còn lại 800.000 USD sẽ được xếp vào một khoản vay cho con trai ông, Getty Jr., với mức lãi suất 4% trong 5 năm.

Cuối cùng, Getty III đã được thả và xuất hiện tại một trạm xăng ở vùng nông thôn Ý vào ngày 15 tháng 12 năm 1973. Khi chàng thanh niên gọi điện cho ông nội để cảm ơn về động thái hào phóng, J. Paul đã từ chối nghe điện thoại. Chỉ có hai thành viên của tổ chức Ndrangheta bị bắt giữ và kết án. Getty III sau này đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ để tái tạo lại bên tai bị cắt đứt, học đại học, kết hôn và có một cậu con trai, Balthazar.

Tuy nhiên, 6 tháng bị giam giữ làm con tin đã ám ảnh phần đời ngắn ngủi còn lại của ông. Getty III bị mắc chứng thần kinh do lạm dụng rượu và ma túy, đột quỵ vào năm 1981 và câm từ đó. Mẹ ông là người duy nhất chăm sóc cho ông đến khi qua đời ở tuổi 54 (2011).

Đến ngày nay, việc Getty III thực sự bị bắt cóc hay đã là kẻ dàn xếp vụ bắt cóc không còn là một câu hỏi nóng. Thay vào đó, khi nhắc tới câu chuyện đau lòng, dư luận chỉ còn nhớ về thái độ sắt đá của nhà tài phiệt J.Paul và câu nói từ con trai ông: “Ông ấy chỉ yêu tiền, tiền và tiền mà thôi”.

Thu Phương (Theo RollingStone)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/vu-bat-coc-chau-trai-nha-tai-phiet-dau-mo-tung-gay-chan-dong-thap-ky-70-a249841.html