Vụ bảo kê 'xe vua': Cán bộ CSGT nhận hối lộ như thế nào?

Trong khi HĐXX đang tiến hành xét hỏi, bất ngờ bị cáo Vân bị tụt canxi, chân tay co quắp khiến phiên tòa tiếp tục phải hoãn một lần nữa.

Tuy nhiên, tới chiều cùng ngày, khi HĐXX đang xét hỏi thì bị cáo Vân ngồi bên dưới bị tụt canxi, co quắp tay chân. Luật sư bào chữa cho bị cáo này cắt ngang, xin HĐXX dừng phiên tòa.

"Thân chủ của tôi có tiền sử hay bị tụt huyết áp, bây giờ tình hình rất nghiêm trọng nên tôi đề nghị HĐXX dừng phiên tòa", luật sư Bích Chi nói. Sau khi xin ý kiến VKS, chủ tọa thông báo cho người nhà bị cáo Vân gọi y tế hỗ trợ, bị cáo này được đưa lên xe chuyển đi cấp cứu. HĐXX sau đó quyết định tạm dừng phiên tòa. Đây là lần thứ 3 phiên tòa xét xử nhóm bán logo xe"vua".

Cựu CSGT Nguyễn Cảnh Chân

Trước đó, giữa tháng 4 vừa qua, TAND TP.HCM trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung vì tại phiên xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thới bất ngờ phản cung, phủ nhận hoàn toàn lời khai tại CQĐT trước đây.

Theo kết quả điều tra mới của CQĐT, dù Thới, Thái giữ nguyên lời khai về việc đưa hối lộ cho CSGT và Thanh tra giao thông khi phúc cung và đối chất nhưng ngoài lời khai của họ không có tài liệu, chứng cứ nào khác do đó chưa đủ cơ sở để kết luận những cán bộ giao thông mà họ khai đã có hành vi nhận hối lộ...

Theo điều tra, Thới vốn làm nghề kinh doanh vận tải, xe của Thới thường bị phạt lỗi quá tải nên đã móc nối với CSGT đặt vấn đề nộp tiền, dán ký hiệu logo lên các đầu xe quá tải để một số cán bộ thanh tra giao thông, CSGT khi làm nhiệm vụ nhận biết và không xử phạt. Một mình không làm xuể, Thới rủ người thân của mình là Trần Quốc Thái cùng tham gia bán logo "xe vua".

Thới đã nhờ Nguyễn Cảnh Chân giúp để CSGT không xử phạt lỗi chở hàng quá tải đối với những xe có dán logo do Thới bán. Ông Chân đồng ý và nói với một Đội trưởng đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai về việc Thới nhờ và ông này đồng ý. CQĐT xác định, từ tháng 7/2014 đến tháng 2/2015, Thới đã 7 lần chuyển tiền cho ông Chân với tổng số gần 600 triệu đồng.

Tháng 4/2015 vị Đội trưởng đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai bị bệnh chết, Chân tiếp tục nhờ một Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai giúp và được đồng ý. Sau đó, Thới đã chuyển cho Chân 600 triệu đồng để nhờ hối lộ, Chân đưa cho Phó phòng CSGT 300 triệu đồng và giữ lại 300 triệu đồng. Theo kết quả điều tra, Chân đã làm trung gian môi giới cho Thới đưa hối lộ 12 lần, tổng số tiền Thới đưa cho Chân nhờ hối lộ là 1,2 tỉ đồng.

Sau khi móc ngoặc được với một số cảnh sát biến chất, Thới và Thái đã in, bán logo cho các chủ xe, tài xế để dán vào đầu xe làm ký hiệu.

Thái là người trực tiếp đi lấy các logo từ cơ sở in đem về cho Thới và mang số logo đi bán cho các tài xế, chủ xe với giá từ 2,5-3 triệu đồng/logo. Thái hưởng chênh lệch 300.000 - 400.000 đồng/logo bán ra.

Đường dây mua bán logo "xe vua" bảo kê xe quá tải do Thới cầm đầu hoạt động kéo dài hơn 1 năm, từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015 đã bán cho 15.000 lượt xe, thu lời bất chính gần 23 tỉ đồng.

Trong số tiền này, Thới khai đã dùng để "bôi trơn" từ 9 triệu đồng đến 150 triệu đồng mỗi lần, tổng cộng đã đưa 79 lần với số tiền 5 tỉ đồng.

Còn Lê Thị Cẩm Vân thông qua Mai Văn Thái Em, Trọng Nhân, Hữu Nhân, Thắng, Phúc, Thiên bán logo, thu 7,9 tỉ đồng. Vân đưa hối lộ 627 triệu đồng cho CSGT, TTGT các địa phương, thu lợi gần 1,6 tỉ đồng.

Đoàn Nga

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/cuu-csgt-bao-ke-duong-day-logo-xe-vua-hau-toa-474094.html