Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương: Tốn giấy mực của dư luận, bản án 'treo' với nhân viên y tế Việt Nam

ĐBQH, Phó Giáo sư Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc bệnh viện Y Hà Nội - gọi vụ chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình là vụ án tốn giấy mực nhất của ngành y tế năm 2018, trong đó có vấn đề tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương.

ĐBQH, Phó Giáo sư Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc bệnh viện Y Hà Nội - gọi vụ chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình là vụ án tốn giấy mực nhất của ngành y tế năm 2018, trong đó có vấn đề tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương.

Số lượng luật sư bào chữa khủng

Ngày 8/1/2019, TAND TP.Hòa Bình sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 7 bị cáo trong vụ án làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình. Trước khi mở lại phiên xử sơ thẩm, vụ án đã bị tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung và 3 lần hoàn tất bản kết luận điều tra.

Tham dự phiên tòa vào ngày 8/1 có 2 bị cáo là Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) và Hoàng Công Lương (SN 1986, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, nay là viên chức phòng Công nghệ thông tin, BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị VKSND tỉnh Hòa Bình truy tố về tội Vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 2, Điều 98, BLHS 1999.

5 bị cáo gồm: Trần Văn Sơn (SN 1990, viên chức phòng Vật tư – Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình); Trần Văn Thắng (SN 1965, nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình); Hoàng Đình Khiếu (SN 1962, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình); Trương Quý Dương (SN 1962, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) và Đỗ Anh Tuấn (SN 1976, Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 2, Điều 285, BLHS năm 1999.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, thành phần HĐXX gồm 5 người: 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Chủ tọa điều hành phiên tòa là ông Nghiêm Hoài Anh. Giữ quyền công tố tại tòa là 2 nữ kiểm sát viên của VKSND TP.Hòa Bình.

Có hơn 30 luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, người bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Riêng bác sĩ Hoàng Công Lương có tất cả 10 luật sư tham gia bào chữa. Tuy luật không giới hạn về số lượng người tham gia bào chữa cho 1 bị cáo, song trường hợp của bác sĩ Lương cũng có thể coi là đặc biệt khi có số lượng luật sư tham gia bào chữa đông.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ điều buồn nhất trong năm của cá nhân mình là vụ án chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ điều buồn nhất trong năm của cá nhân mình là vụ án chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình

Bản án "treo" lơ lửng của tất cả nhân viên y tế Việt Nam

Đây là vụ án tốn giấy mực nhất của ngành Y và nhận được sự quan tâm của toàn thể dư luận xã hội và đặc biệt là giới y khoa Việt Nam.

Chia sẻ về vụ án, PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu cho hay: "Với tư cách là ĐBQH đại diện cho ngành Y, tôi đã lên tiếng ngay từ phút đầu tiên và luôn theo dõi sát mọi diễn biến của phiên tòa sơ thẩm. Tôi có thêm rất nhiều bạn mới từ nhân viên y tế, luật sư, nhà báo cho đến những bạn bè đủ mọi ngành nghề vị trí xã hội trên Facebook. Họ đều có điểm chung là muốn vụ án được xét xử công bằng, đúng người, đúng tội.

Họ đã tạo ra một luồng dư luận mạnh mẽ để sự thật dần hé lộ ra ánh sáng. Nếu không có sự quyết tâm của họ liệu những khuất tất của bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, của công ty Thiên Sơn, lỗ hổng trong quản lý Nhà nước... có được phát hiện hay không? Nếu không có họ, liệu những người có tội có bị khởi tố ngay sau phiên xét xử đầu tiên? Chúng ta ghi nhận sự cầu thị của TAND tỉnh Hòa Bình khi dừng phiên xử để trả hồ sơ tiếp tục điều tra. Tôi đã rất hy vọng công lý sẽ được thực thi và những đóng góp của mình không trở nên vô nghĩa.

Tuy nhiên cho đến thời điểm này, có thể khẳng định đây là chuyện làm tôi buồn nhất trên tư cách ĐBQH của mình. Buồn vì sau những cố gắng của mình và mọi người từ một án tù treo có thể chuyển sang "tù giam", từ một tội danh không hợp lý sang một tội danh vô lý là Vô ý làm chết người. Với tội danh này, án tù cho bác sĩ Hoàng Công Lương có thể lên đến 8 năm, chấm dứt gần như hoàn toàn tương lai của một bác sĩ được đào tạo bài bản người dân tộc thiểu số.

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ về nỗi lo lắng và trăn trở: "Nếu bị kết án, bản án dành cho Lương sẽ là bản án "treo" lơ lửng trên đầu của tất cả nhân viên y tế Việt Nam đang trực tiếp hành nghề khám chữa bệnh, trong đó có cả tôi! Nếu trong một cuộc phẫu thuật, can thiệp đòi hỏi sự chính xác rất cao, chỉ một thao tác không chuẩn có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Liệu lúc đó bác sĩ có bị quy vào tội Vô ý làm chết người hay không? Nếu thế, chắc chắn chúng tôi sẽ không dám mổ những ca phức tạp, nguy cơ tử vong cao nữa. Các bệnh viện đặc biệt ở tuyến dưới sẽ chuyển hết lên tuyến TƯ còn tuyến TƯ lại chuyển trả về... nhà vì ai mà dám đụng vào để "đi tù mọt gông"...".

PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ: "Tôi cũng hiểu "cái khó" của viện Kiểm sát khi tìm ra được một tội danh thích hợp cho Lương với bản kết luận điều tra bổ sung không khác nhiều so với bản điều tra ban đầu; “Cái khó" khi xử một vụ án mà có quá nhiều sức ép của dư luận xã hội; "Cái khó" của một vụ án mà chưa có "án lệ" từ trước đến nay... Lúc này rất cần những cái đầu thật tỉnh táo, uyên bác của hội đồng xét xử, sự sắc sảo, nhiệt huyết của các vị luật sư bào chữa và cũng cả từ trái tim biết lắng nghe thấu hiểu của vị kiểm sát viên giữ quyền công tố.

Nếu 3 nhân tố ấy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và tòa tuyên án đúng người đúng tội, đền bù làm giảm bớt được nỗi đau của gia đình người bệnh đã mất hoặc bị ảnh hưởng sức khỏe thì lúc này tôi tin chắc rằng, dư luận xã hội sẽ tâm phục, khẩu phục và vụ án sẽ thành án lệ nổi tiếng được nhắc đến rất nhiều lần trong tương lai".

Việc buộc tội bác sĩ Hoàng Công Lương sẽ được làm rõ

Là người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương trong vụ án này, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình thể hiện quan điểm của cơ quan truy tố nhân danh Nhà nước, buộc tội các bị cáo trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương. Việc truy tố để xét xử một con người trước pháp luật đòi hỏi sự thận trọng, công tâm và khách quan trên cơ sở quy định của pháp luật và kết quả điều tra vụ án”.

Sau khi nghiên cứu bản cáo trạng này, luật sư Phúc nhận thấy, việc truy tố bác sĩ Lương về tội Vô ý làm chết người hoàn toàn không thuyết phục, vừa sai về lý luận khoa học hình sự, vừa trái với thực tế hoạt động chuyên môn ngành y. “Tuy nhiên, chúng tôi tôn trọng quyền ban hành cáo trạng của cơ quan truy tố. Vấn đề buộc tội đối với bác sĩ Lương sẽ được làm rõ tại giai đoạn xét xử sơ thẩm”, luật sư Phúc nói.

Liên quan đến việc nhiều lần thay đổi tội danh đối với bác sĩ Lương, dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý, luật sư Phúc thấy rõ sự lúng túng của cơ quan điều tra và truy tố tỉnh Hòa Bình. Về khoa học pháp lý, mỗi tội danh khác nhau có cấu thành cơ bản khác nhau. Trong vụ án, chỉ có một hành vi khách quan của bác sĩ Lương ra y lệnh điều trị lọc máu cho người bệnh nhưng tội danh liên tục thay đổi, cho thấy việc buộc tội trước đó đều không vững chắc.

Luật sư Phúc viện dẫn, cùng quan điểm cho rằng với trình độ, nhận thức, vai trò, trách nhiệm được giao thì bác sĩ Lương phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng nhưng nghe điều dưỡng thông báo hệ thống RO2 đã sửa xong và có thể hoạt động được bình thường thì đã chủ quan ra y lệnh điều trị, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng quy buộc trách nhiệm hình sự đối với bác sĩ Lương trên cơ sở lập luận này về cả tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và sau này là tội Vô ý làm chết người.

Dương Thu - Tư Viễn

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 2

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/vu-bac-si-hoang-cong-luong-ton-giay-muc-cua-du-luan-ban-an-treo-voi-nhan-vien-y-te-viet-nam-a257820.html