Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương: Tòa kiến nghị khởi tố 2 sếp BVĐK Hòa Bình

Thay vì tuyên án bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo khác trong vụ án chạy thận 9 người tử vong, TAND TP Hòa Bình chiều 5-6 quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung; kiến nghị khởi tố 2 trưởng khoa, làm rõ trách nhiệm cựu giám đốc BVĐK Hòa Bình.

Chiều 5-6, TAND TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) tiếp tục phiên tòa với việc dự kiến tuyên án đối với bác sĩ Hoàng Công Lương (bác sĩ Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình) cùng 2 bị cáo khác trong vụ tai biến y khoa chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình làm 9 người tử vong.

Đông đảo người dân đến nghe Tòa tuyên án bác sĩ Hoàng Công Lương

Đông đảo người dân đến nghe Tòa tuyên án bác sĩ Hoàng Công Lương

Mặc dù 14 giờ chiều Tòa mới bắt đầu làm việc, nhưng từ khoảng 13 giờ cùng ngày, tại TAND TP Hòa Bình đã rất đông người dân đến làm thủ tục theo dõi phiên tòa. Căn phòng rộng khoảng gần 30 m2 chật kín người đến theo dõi qua màn hình.

Người dân đến theo dõi phiên tòa đều phải trình chứng minh thư nhân dân để làm thủ tục. Lực lượng chức năng thắt chặt an ninh phiên tòa nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, ngay sau khi bắt đầu chiều nay 5-6, Chủ tọa phiên tòa đã thay mặt Hội đồng xét xử (HĐXX) thông báo sau khi nghị án, TAND TP Hòa Bình quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Đồng thời, Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét khởi tố đối với ông Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa hồi sức tích cực, và ông Trần Văn Thắng, trưởng phòng thiết bị vật tư, với cùng tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của nguyên giám đốc BVĐK Hòa Bình Trương Quý Dương và giám đốc Công ty Thiên Sơn trong việc ký hợp đồng mua bán cũng như sửa chữa, báo dưỡng máy móc chạy thận tại khoa hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Video đông đảo người dân đến nghe Tòa tuyên án bác sĩ Hoàng Công Lương

Cụ thể, theo HĐXX, đây là vụ án đặc biệt được dư luận quan tâm, gây hậu quả nghiêm trọng làm 8 người chạy thận nhân tạo tử vong và nhiều người khác bị ảnh hưởng đến sức khỏe do độc tố trong hệ thống chạy thận sau khi bảo dưỡng sửa chữa. Phiên tòa diễn ra một cách công khai, minh bạch đúng trình tự của pháp luật… đúng với cải cách tư pháp.

Sau quá trình xét xử, HĐXX nhận thấy, có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra truy tố. Cụ thể, các chứng cứ buộc tội, chứng cứ vô tội đối với bị cáo Hoàng Công Lương chưa được thu thập đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, có nhiều tình tiết mới được xuất hiện, nhiều tài liệu mới chưa được kiểm chứng chưa thể làm rõ tại phiên tòa. Để xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật không xử oan người vô tội không bỏ lọt tội phạm góp phần trấn chỉnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, trong việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp góp vốn mua xắm trang thiết bị y tế… Do đó, căn cứ điều 280, điều 299 Bộ luật Hình sự, căn cứ kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Điều tra làm rõ các chứng cứ buộc tội những chứng cứ vô tội đối với bị cáo Hoàng Công Lương trong hậu quả chạy thận ngày 29-5-2017. Trước khi chạy thận cho các bệnh nhân bác sĩ Hoàng Công Lương có báo cáo với Khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình hay không? Có ai báo cáo bị cáo Hoàng Công Lương biết về việc hệ thống chạy thận đã được đảm bảo an toàn để chạy thận cho các bệnh nhân hay chưa?

Làm rõ lời khai của bị cáo Hoàng Công Lương, của những người làm chứng với nội dung Hoàng Công Lương có được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo hay không?

HĐXX kiến nghị khởi tố, điều tra đối với ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc kiêm trưởng khoa hồi sức tích cực của BVĐK tỉnh Hòa Bình, có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong quá trình sửa chữa bảo dưỡng hệ thống chạy thận nhân tạo gây hậu quả nghiêm trọng làm 8 người tử vong. Ông Trần Văn Thắng cựu Trưởng phòng vật tư trang thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình, để làm rõ dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do không giám sát hoạt động của phòng vật tư trang thiết bị y tế dẫn đến sự cố.

Kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình làm rõ thỏa thuận với công ty Thiên Sơn để mức tiền chạy thận nhân tạo, có hay không thỏa thuận khác giữa hai bên về số tiền này. Làm rõ trách nhiệm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước phát sinh từ các hợp đồng đã ký kết do công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình

Bác sĩ Hoàng Công Lương (giữa, hàng đầu) rời phòng xử - Ảnh: Minh Chiến

Theo cáo trạng, BVĐK tỉnh Hòa Bình điều trị lọc máu chạy thận nhân tạo từ năm 2009. Sáng 29-5-2017, khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại đây thì đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 bệnh nhân chạy thận sau đó lần lượt tử vong.

Cáo trạng cáo buộc với trình độ, trách nhiệm được giao, bác sĩ Hoàng Công Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định, song sáng 29-5-2017, không kiểm tra lại hệ thống nước RO mà đã ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.

Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của Đơn nguyên thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp 2 loại hóa chất không có trong danh mục được dùng trong y tế để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước. Khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn, sáng 29-5-2017, Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng.

Nguyễn Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư BVĐK tỉnh Hòa Bình) đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Chiều 28-5-2017, chỉ nghe qua điện thoại và biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng Sơn lại giao cho điều dưỡng viên của Đơn nguyên thận nhân tạo.

Trong cáo trạng, Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc về tội Vô ý làm chết người.

Trong suốt 12 ngày xét xử, bác sĩ Hoàng Công Lương một mực khẳng định hoàn toàn vô tội, mong HĐXX xem xét đúng bản chất vụ án, công tâm, tránh oan sai cho người không phạm tội, tuyên bị cáo không có tội, để bị cáo tiếp tục công việc khám chữa bệnh của mình. Riêng 2 bị cáo Sơn và Quốc không phủ nhận tội danh, xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại tòa, các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo nhận định nguyên nhân sự cố không phải do chuyên môn bác sĩ mà trách nhiệm thuộc về nguyên Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương, Phòng vật tư và Công ty Thiên Sơn. Các luật sư cũng đánh giá việc ông Dương ra nước ngoài khi đang là người liên quan, đã gây cản trở quá trình xét xử vụ án, khiến phiên tòa kéo dài.

Đáng chú ý, bị đại diện VKSND TP Hòa Bình thẩm vấn, ông Đinh Tiến Công (Điều dưỡng trưởng của khoa Hồi sức tích cực) thừa nhận đã ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ phụ trách Đơn nguyên thận cho bác sĩ Lương vào sổ họp giao ban sau khi xảy ra sự cố chạy thận. Ông Công cho biết việc ghi thêm có sự chỉ đạo của cấp trên, điều đó chỉ để hoàn thiện thủ tục hành chính, không vì mục đích khác.

Tuy nhiên trong phần luận tội, đại diện VKS TP Hòa Bình khẳng định Hoàng Công Lương không vô tội. Đại diện VKS cáo buộc bị cáo Lương là người ra y lệnh cuối cùng cho thấy trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ. Hành vi của bị cáo thuộc trường hợp vô ý phạm tội, làm giảm uy tín của bệnh viện, gây hoang mang cho quần chúng. Do đó, VKS đề nghị Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù treo.

Ng. Hưởng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/14-gio-chieu-nay-toa-tuyen-an-bac-si-hoang-cong-luong-20180605084321101.htm