Vụ bà Phương Hằng: Làm gì khi không đồng ý với tư cách tham gia tố tụng mà tòa xác định?

Nếu không đồng ý với tư cách tham gia tố tụng mà tòa xác định thì người được triệu tập phải gửi đơn khiếu nại quyết định đưa vụ án xét xử gửi qua tòa hoặc viện kiểm sát.

Như PLO đã thông tin, vừa qua TAND TP.HCM đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với bà Nguyễn Phương Hằng cùng bốn đồng phạm về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (theo khoản 2 Điều 331 BLHS).

Trong vụ án này, VKSND TP.HCM xác định tư cách tố tụng của một số người mà bà Phương Hằng bị cáo buộc đã xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của họ là “bị hại”. Tuy nhiên, theo thông tin từ các báo, những người này lại được tòa án triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách tố tụng là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”.

Từ đó, nhiều người đặt câu hỏi về việc nếu không đồng ý với tư cách tham gia tố tụng mà tòa án xác định và triệu tập thì người được triệu tập cần phải làm gì?

Dự kiến phiên xử bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm sẽ diễn ra vào ngày 1-6 tới. Ảnh: FBBC

Dự kiến phiên xử bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm sẽ diễn ra vào ngày 1-6 tới. Ảnh: FBBC

Về vấn đề này, theo ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa luật Hình sự, trường Đại học Luật TP.HCM, trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm bị truy tố và đưa ra xét xử về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS, thì vẫn xem những người mà bà Hằng bị cáo buộc đã livestream để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự (như ông Võ Nguyễn Hoài Linh…) tham gia tố tụng với tư cách bị hại chứ không phải tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bởi, xét về hành vi phạm tội của bà Phương Hằng và 4 đồng phạm căn cứ theo KLĐT và cáo trạng, đây là hành vi trực tiếp xâm phạm đến lợi ích các cá nhân; những người bị xâm phạm là người trực tiếp bị hành vi xâm phạm gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm… Trong khi đó, Điều 62 BLTTHS quy định bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Và thiệt hại trong trường hợp này là thiệt hại về tinh thần, cụ thể là liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Cũng theo ThS Thảo, trường hợp bên CQĐT, VKS đã triệu tập những người này với tư cách bị hại, nhưng tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với những người này với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì nếu không đồng ý với tư cách tham gia tố tụng mà tòa xác định thì phải gửi đơn khiếu nại quyết định đưa vụ án xét xử gửi qua tòa hoặc viện kiểm sát.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-ba-phuong-hang-lam-gi-khi-khong-dong-y-voi-tu-cach-tham-gia-to-tung-ma-toa-xac-dinh-post733093.html