Vụ anh chém 3 người nhà em gái thương vong ở Thái Nguyên: Nghi can có thể bị tử hình

Theo luật sư, trước hành vi nghiêm trọng chém 3 người trong gia đình em gái thương vong, nghi can Bùi Xuân Hồng có thể đối diện với mức án cao nhất là tử hình.Danh tính các nạn nhân gồm:

Như đã đưa tin, khoảng 18h ngày 14/9, ông Bùi Xuân Hồng (SN 1956, phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên) đến nhà em gái là bà Bùi Thị Hà (SN 1959, phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên) để giải quyết mâu thuẫn liên quan đến tiền bạc.

Trong lúc ngồi nói chuyện thì giữa 2 bên xảy ra xô xát, ông Hồng lấy dao giấu sẵn trong người ra đâm 3 người trong gia đình em gái khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương.

Hiện trường vụ anh chém 3 người gia đình em gái thương vong. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Hiện trường vụ anh chém 3 người gia đình em gái thương vong. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Sáng 15/9, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng tại Văn Phòng Luật Sư Chính Pháp, Hà Nội) để phân tích về những nguyên nhân dẫn đến các vụ án mạng đau lòng xảy ra trong thời gian gần đây cũng như mức án mà nghi can sẽ phải đối diện.

Cụ thể, luật sư Đặng Văn Cường đặt vấn đề: "Thời gian này liên tục xảy ra những vụ "thảm sát" từ những người ruột thịt trong gia đình như trước đó là huyện Đan Phượng (Hà Nội) và bây giờ là Thái Nguyên.

Điều có thể nhận thấy là đối tượng gây án đều có nhân thân tốt, từng có địa vị xã hội và tuổi đời thì không còn nông nổi. Do đó, nguyên nhân không phải là thiếu giáo dục, không phải là đối tượng có bản tính côn đồ, máu lạnh, vậy nguyên nhân từ đâu khiến tình nghĩa anh em "như thể tay chân", "huynh đệ như thủ túc" trở thành kẻ thù không đội trời chung, thú tính nổi lên và sẵn sàng sát hại cả nhà anh em của mình để chấp nhận 'đổi mạng"?

Điều đó chỉ có thể giải thích là khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Trong những vụ án như thế này thì mâu thuẫn không phải là nhất thời mà đã diễn ra trong một thời gian dài, một quá trình, do đó hung thủ tích tụ những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, những bực tức, uất hận dồn nén mà không có lối thoát, không có hướng giải quyết tích cực. Những mâu thuẫn cứ diễn ra (có thể vì tiền bạc, có thể vì đất đai, tài sản, cũng có thể là quan điểm về đạo đức, ứng xử với anh, em, cha mẹ trong gia đình...) xuất phát từ mối quan hệ tình cảm hoặc vật chất trong gia đình. Những suy nghĩ tiêu cực kéo dài đó làm đối tượng nảy sinh ý định trả thù "mạng đổi mạng" và khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, thời cơ chín muồi, những suy nghĩ tiêu cực đó gặp tương tác của xã hội, tình huống có vấn đề khiến cảm xúc bùng nổ. Và từ một "người hiền như đất" bỗng chốc biến thành một "con quỷ dữ", sẵn sàng ra tay sát hại bất cứ ai cản bước mình, kể cả đó là anh em ruột...

Khi đó, đối tượng phạm tội không nghĩ ngợi gì nữa, không phân biệt tình lý, không nể nang tình cảm, chỉ có thù hận và quyết tâm trả thù, chỉ làm sao nhanh chóng kết thúc sự việc bằng những nhát dao và sau đó có thể là tự vẫn", luật sư Cường nhận định.

Bình luận vụ án dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, "Tội phạm là hành vi" nguy hiểm cho xã hội của người phạm tội chứ "tội phạm không phải là con người". Con người có người tốt, người xấu, tốt hay xấu cũng còn tùy thuộc vào cách nhìn, vị trí nhìn, vào đánh giá của cộng đồng xã hội. Hành vi cũng vậy, mỗi con người đều có hành vi tốt, hành vi xấu, hành vi tích cực, hành vi tiêu cực... Những hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội là hành vi xấu, còn hành vi không phù hợp với chuẩn mực pháp luật (không phù hợp với các quy phạm pháp luật) là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu chế tài.

Ngoài ra, dưới góc độ khoa học pháp lý cũng thừa nhận là mỗi con người là đều có khả năng cải tạo giáo dục. Bởi vậy, khi con người thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì phải chịu chế tài để giáo dục, cải tạo để giúp họ nhận thức được hành vi vi phạm, kiểm soát được các hành vi sao cho sau khi cải tạo không còn hoặc hạn chế thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật - hành vi phạm tội.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng tại Văn Phòng Luật Sư Chính Pháp, Hà Nội.

Từ những vụ thảm sát huynh đệ tương tàn thời gian gần đây cho thấy mâu thuẫn trong gia đình hoàn toàn có thể trở thành những bi kịch hết sức đau lòng nếu như cứ để mâu thuẫn kéo dài, tích tụ không có hướng giải quyết.

Nghi phạm trong những vụ án này không giống những vụ án "cướp giết" thông thường, không đơn giản chỉ vì lòng tham, thói lưu manh, côn đồ bất chấp pháp luật... Đối tượng suy nghĩ rằng, anh em không bằng người dưng nên càng thêm thù hận. Từ đây, chỉ cần hoàn cảnh tác động, xô đẩy, cảm xúc lên cao không kiềm chế được thì đối tượng sẽ thực hiện hành vi thú tính, điên cuồng sát hại người khác.

Cũng theo luật sư Cường, về tội danh và chế tài của pháp luật: Với hành vi dùng hung khí nguy hiểm là dao nhọn tấn công vào những vùng trọng yếu, hành động quyết liệt nhằm sát hại nhiều người thì chắc chắn rằng ông Hồng sẽ bị xử lý về tội Giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự, với các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết nhiều người. Bởi vậy, hình phạt mà ông Hồng phải đối mặt sẽ là khung hình phạt cao nhất: từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau: Điều 123. Tội giết người

"Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 02 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Thuê giết người hoặc giết người thuê; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn".

Việc quyết định hình phạt đối với ông Hồng thế nào sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ông Hồng có thể được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, có thành tích trong công tác... Tuy nhiên, cũng sẽ bị áp dụng các tình tiết định khung, tăng nặng trách nhiệm hình sự là giết 02 người trở lên (kể cả trường hợp chỉ có 01 nạn nhân chết, các nạn nhân còn lại không chết ).

Ngoài ra, các tình tiết năng nặng trách nhiệm hình sự khác cũng có thể xem xét để áp dụng như: Có tính chất côn đồ (nếu lý do nhỏ nhặt) hoặc vì động cơ đê hèn (nếu mục đích là xấu...). Với hậu quả nghiêm trọng như vậy thì có lẽ ông Hồng sẽ phải đối diện với mức án rất nghiêm khắc, có thể là tù chung thân hoặc tử hình. Trong vụ án này để phục vụ cho công tác phòng ngừa, cũng như để giải quyết triệt để vụ án thì cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ nguyên nhân, động cơ của hành vi phạm tội, làm rõ cảm xúc và diễn biến tâm lý tội phạm của ông Hồng. Yếu tố về nhân thân, nguyên nhân, động cơ mục đích cũng là những yếu tố tác động đến mức hình phạt của người đàn ông này.

Ngoài hình phạt nêu trên thì người đàn ông này còn phải trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho các nạn nhân, thiệt hại bao gồm: Tiền chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc, tiền chi phí mai táng với nạn nhân thiệt mạng, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho thân nhân của họ....

"Dù mức án ông Hồng phải đối diện là bao nhiêu, mức bồi thường thiệt hại thế nào đi nữa thì tai tiếng ở đời sẽ không bao giờ hết được, những người còn lại trong gia đình ông Hồng cũng sẽ rất đau lòng. Nỗi đau sẽ nhân đôi khi cả bị hại và bị can đều là người thân thích, ruột thịt trong gia đình. Bởi vậy, vụ án này cũng sẽ là một bài học cho tất cả mọi người. Nếu những mẫu thuẫn, tranh chấp không thể tự giải quyết được, không thể hòa giải được thì cần phải chuyển đến tòa án để giải quyết và tòa án có trách nhiệm phải thụ lý, giải quyết kịp thời, hóa giải mâu thuẫn bằng những phán quyết có tình, có lý thì mới bớt được những vụ án đau lòng như vậy", luật sư Cường cho hay.

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh

Cũng chung quan điểm với luật sư Cường, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hành vi giết người của nghi can là đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả làm 1 người chết và 2 người khác bị thương trong điều kiện hoàn toàn bình thường thì chiếu theo quy định tại khoản 1, Điều 123, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, có thể đối mặt với mức án cao nhất của khung hình phạt nghiêm khắc nhất là Tử hình.

Ngoài ra, theo thông tin báo chí thì nghi can còn mang theo cả súng. Tuy chưa biết đó là loại súng gì nhưng nếu đó là súng quân dụng thì hung thủ còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 Bộ luât hình sự với Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo đó: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Hoặc có thể theo Điều 306, Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.

Cơ quan chức năng cũng cần làm rõ, tại thời điểm gây án nghi can có bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (theo quy định tại Điều 21, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017) nhưng có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại khoản 1, Điều 49, Bộ luật hình sự.

Còn trong trường hợp kết luận giám định xác định ông Hồng không bị mắc bệnh tâm thần, hoặc bệnh khác nhưng trước khi kết án, hoặc khi thụ án mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác, thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với hung thủ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 49 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017. Sau khi khỏi bệnh hung thủ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không có lí do khác để được miễn trách nhiệm hình sự.

Trước tình trạng rất nhiều vụ án xuất phát từ mâu thuẫn liên quan đến tiền bạc, người thân trong gia đình do tin tưởng lẫn nhau nên khi vay mượn không lập giấy tờ, biên nhận mà chỉ thông qua lời nói. Từ đó, không ít người vay trở mặt, không chịu trả lại. Luật sư Bình khuyến cáo, khi cho người khác vay tiền (kể cả người thân) việc tốt nhất nên làm là lập một hợp đồng vay tài sản hoặc một giấy vay tiền. Khi xảy ra tranh chấp cần khởi kiện thì đây sẽ là nguồn chứng cứ quan trọng chúng ta có thể đưa cho tòa.

1. Bùi Thị Hà (SN 1959, HKTT: tổ 14, phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên), đã tử vong

2. Nguyễn Thành Vương (SN 1981, HKTT: tổ 14, phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên) là con rể của bà Hà, đang bị thương.

3. Nguyễn Văn Thành (SN 1954 – là chồng của bà Hà), hiện đang bị thương

Nguyễn Phượng

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/vu-anh-chem-3-nguoi-nha-em-gai-thuong-vong-o-thai-nguyen-nghi-pham-co-the-bi-tu-hinh-a292889.html