Vụ án Trịnh Công Minh oan sai 20 năm tại Đắk Lắk: Mòn mỏi đợi phán quyết của Tòa tối cao

Vụ án Trịnh Công Minh có dấu hiệu oan sai nhưng không một cơ quan điều tra nào chịu trách nhiệm. Liên ngành Đắk Lắk đã nhiều lần có văn bản xin ý kiến của TAND Tối cao để dứt điểm về vụ án, thế nhưng sau 3 năm, vụ án này vẫn giẫm chân tại chỗ.

Sau khi ông Trịnh Công Minh qua đời vì bạo bệnh, vợ ông là bà Tống Thị Thanh Tâm tiếp tục gởi đơn đòi quyền lợi cho chồng.

Mòn mỏi chờ phán quyết cuối cùng

Ngày 8.11, một lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Lắk cho biết, liên quan đến vụ án oan của ông Trịnh Công Minh (trú huyện Krông Ana, Đắk Lắk), đơn vị sẽ có văn bản nhắc TAND Tối cao cho ý kiến, xác định cơ quan nào (Công an, Viện kiểm sát - VKS hay Tòa án) gây oan sai cho ông Trịnh Công Minh để bồi thường.

Trước đó, cơ quan Công an ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án Trịnh Công Minh vì không đủ chứng cứ. Đến năm 2015, TAND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn xin ý kiến TAND Tối cao về việc xác định đơn vị gây oan sai cho ông Minh. Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua, TAND Tối cao vẫn chưa hồi đáp.

Lãnh đạo TAND tỉnh cho biết, theo luật bồi thường, trường hợp này, TAND huyện Krông Ana đã tuyên án nên là đơn vị sẽ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, TAND huyện trả hồ sơ cho VKS và Công an điều tra lại. Sau đó, Công an làm thất lạc hồ sơ, sự việc kéo dài hơn 17 năm, từ đó đơn vị này đình chỉ vụ án là căn cứ vào tài liệu nào.

Ông Trịnh Công Minh ngày còn sống luôn tin vào việc công lý sẽ được thực thi.

“Tòa án trả hồ sơ đề nghị Công an điều tra bổ sung. Trong hồ sơ điều tra mới thì ông Minh có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Từ đó, căn cứ vào đâu để công an đình chỉ vụ án khi hồ sơ thất lạc. Do đó, lỗi này thuộc về cơ quan điều tra” - đại diện TAND tỉnh Đắk Lắk nêu quan điểm và cho biết thêm, trong trường hợp các cơ quan chức năng không xác định được đơn vị nào gây ra oan sai thì gia đình ông Minh gửi đơn khởi kiện ra tòa.

Không xác định ai gây án oan

Sở dĩ các cơ quan điều tra Đắk Lắk phải dời phán quyết cuối cùng của TAND Tối cao là bởi, vào tháng 6.2015, liên ngành tỉnh có cuộc họp làm rõ trách nhiệm các bên trong vụ trên nhưng không tìm được tiếng nói chung.

Theo quan điểm của VKS và Công an tỉnh, TAND huyện Krông Ana xét xử sơ thẩm, rồi bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại. Sau đó, công an huyện ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì không chứng minh được ông Minh phạm tội.

Còn TAND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, vụ án vướng mắc khi tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, nhưng VKS vẫn ra quyết định truy tố Trịnh Công Minh về hành vi Trộm cắp tài sản.

Đáng nói, Công an huyện Krông Ana làm mất hồ sơ vụ án nên TAND cấp sơ thẩm không xác định được Công an huyện điều tra những nội dung gì, thu thập được những chứng cứ, tài liệu gì về việc chứng minh tội phạm,... 17 năm sau, Công an huyện mới ra quyết định đình chỉ vụ án, vì vậy lỗi thuộc về cơ quan tố tụng cấp huyện.

Và trong khi các ngành có liên quan tại Đắk Lắk một mực từ chối trách nhiệm, né trách bồi thường thì ông Trịnh Công Minh - người bị oan sai, đã qua đời vì bạo bệnh...

Hữu Long

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/vu-an-trinh-cong-minh-oan-sai-20-nam-tai-dak-lak-mon-moi-doi-phan-quyet-cua-toa-toi-cao-640401.ldo