Vụ án tranh chấp thừa kế ở Nha Trang: Gần 10 năm chưa kết thúc

Gần 10 năm, qua nhiều cấp xét xử với 1 lần bị cấp giám đốc thẩm hủy án, hiện nay, vụ án tranh chấp thừa kế ở Nha Trang lại có kháng nghị giám đốc thẩm hủy án tiếp. Vụ án kéo dài gây bức xúc trong dân.

Con, cháu tranh chấp đất

Bản án phúc thẩm mới nhất (ngày 18-5-2018) của Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Đà Nẵng nêu: Quá trình giải quyết án, các đương sự đều xác nhận: vợ chồng cụ Nguyễn Mô (chết năm 1993) và cụ Bùi Thị Chảnh (chết năm 1973) có 6 người con, gồm các ông, bà: Nguyễn Hai (con trưởng, vợ là bà Phạm Thị Cân), Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Xít, Nguyễn Thị Lui, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Bảy. Tài sản của hai cụ là ruộng đất có tổng diện tích hơn 7.000m2 tại tổ 7 Xuân Lạc 2, Vĩnh Ngọc, Nha Trang. Hai cụ chết không để lại di chúc. Bà Cân, bà Tư, bà Lui khẳng định, hai cụ đã chia đất làm 2 phần; ông Xít được phần phía trên, khoảng 3.000m2, ông Hai được phần phía dưới, khoảng 3.500m2. Sau khi hai cụ chết, 6 người con vẫn đồng ý với việc phân chia này. Cụ thể, năm 1996, ông Xít có đơn xin đăng ký quyền sử dụng phần đất phía trên với nội dung “đất cha Nguyễn Mô cho năm 1976” và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), tổng diện tích hơn 3.200m2. Năm 1999, vợ chồng ông Hai được cấp GCN phần đất phía dưới, tổng diện tích hơn 3.500m2. Năm 2002, vợ chồng ông Hai lập tờ trích tương phần, cho vợ chồng 5 người em (trong đó có ông Xít), mỗi hộ một phần đất. Các hộ đều nhất trí ký tên, sau đó xin cấp GCN phần đất được cho. Năm 2000, ông Hai hiến gần 96m2 cho xã làm đường đi công cộng. Năm 2004, do 1 thửa đất hết phần chỉnh lý biến động sau khi chia đất cho các em, vợ chồng ông Hai được cấp lại GCN với tổng diện tích hơn 3.562m2.

Năm 2006, ông Hai chết. Bà Cân tiếp tục quản lý, sử dụng diện tích trên và ở cùng ông Nguyễn Ninh (con trưởng). Năm 2007, bà Cân cho ông Ninh 1.579m2 đất. Vợ chồng ông Ninh đã được cấp GCN.

Theo đơn khởi kiện năm 2009 của ông Xít, bà Cân đã tự ý chuyển quyền sử dụng nhà và một phần đất cho ông Ninh, phần còn lại chia cho các con mình mà không được anh em chồng đồng ý. Ông yêu cầu chia thừa kế là phần nhà, đất mà bà Cân quản lý, sử dụng, đồng thời hủy 2 GCN cấp cho hộ bà Cân và ông Ninh.

Nhiều cấp xét xử

Năm 2010, TAND tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án, chấp nhận yêu cầu của ông Xít, công nhận di sản thừa kế của vợ chồng cụ Mô là phần đất và nhà từ đường mà bà Cân đang quản lý, sử dụng và phân chia cho 6 con của cụ Mô. Bà Cân kháng cáo. Năm 2011, cấp phúc thẩm xử y án. Bà Cân, ông Ninh bị cưỡng chế giao nhà đất cho bên thắng kiện. Bà Cân đã đề nghị giám đốc thẩm.

Năm 2013, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, hủy cả 2 bản án để xét xử lại. Tòa nhận định: cụ Mô chết năm 1993, nguyên đơn khởi kiện năm 2009 chia phần di sản của cụ Mô là đã hết thời hiệu. Cụ Chảnh chết trước ngày 1-7-1991. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ ông Ba định cư ở nước ngoài trước hay sau ngày này nhưng lại áp dụng Nghị quyết 1037 để chia thừa kế phần di sản của cụ Chảnh là chưa đủ cơ sở. Đơn ông Ba gửi về chưa được hợp pháp hóa lãnh sự.

Năm 2017, TAND tỉnh xử sơ thẩm lần 2, vẫn xác định di sản thừa kế của vợ chồng cụ Mô là đất, nhà từ đường mà ông Ninh quản lý, sử dụng sau khi bà Cân chết (năm 2016). Tòa chấp nhận yêu cầu của ông Xít, bác yêu cầu đòi lại tài sản của ông Ninh. Ông Ninh kháng cáo.

Ngày 18-5-2018, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của ông Ninh, bác yêu cầu của ông Xít và buộc ông này cùng các bà: Tư, Lui, Bảy trả lại cho 5 anh em ông Ninh đất và nhà từ đường trên đất.

Lại chờ giám đốc thẩm lần 2

Tuy nhiên, vụ án vẫn chưa khép lại. Sau khi ông Xít đề nghị giám đốc thẩm, TAND Tối cao đã yêu cầu hoãn thi hành án 3 tháng để xem xét đơn và ngày 25-12-2018, cơ quan này đã kháng nghị giám đốc thẩm bản án năm 2018, đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm gần nhất, giao hồ sơ cho TAND tỉnh xử sơ thẩm lại; tạm đình chỉ thi hành bản án năm 2018. Kháng nghị nêu: Khi giải quyết lại, cấp sơ thẩm cần làm rõ di sản do vợ chồng cụ Mô để lại gồm những thửa đất nào, sự thay đổi các thửa (do tách, nhập), di sản nào đã chia, di sản nào chưa chia và yêu cầu của các đương sự để giải quyết toàn diện vụ án.

Trong đơn gửi Báo Khánh Hòa, ông Ninh cho rằng, TAND tỉnh đã kéo dài vụ án đến khi có quy định mới về thời hiệu thừa kế, ảnh hưởng đến quyền lợi bị đơn. Ông cũng bức xúc vì nhà ông phải đi thuê trọ từ năm 2012, hiện chưa được trở về nhà cho dù án phúc thẩm đã tuyên trả lại nhà đất cho các ông, bởi bản án chưa được thi hành. Được biết, tại bản án của TAND tỉnh năm 2017 ghi: Nếu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tranh chấp di sản thừa kế đã hết thời hiệu và tòa án phải đình chỉ trả lại đơn khởi kiện do thời hiệu khởi kiện đã hết, thì theo quy định tại Khoản 2 Điều 623, Điểm d Khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 7 Nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, người khởi kiện vẫn có quyền nộp lại đơn khởi kiện. Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, do có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nên ngày 31-1-2019, cục phải ra thông báo tạm đình chỉ các quyết định thi hành án cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Như vậy, các bên lại tiếp tục phải chờ kết quả giám đốc thẩm lần 2. Tuy nhiên, điều khiến bạn đọc băn khoăn là tại sao một vụ án kéo dài gần 10 năm, không phát sinh chứng cứ mới, nhưng trải qua nhiều cấp vẫn chưa thống nhất quan điểm về khối di sản và hiện có nguy cơ bị hủy tiếp.

N.VŨ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/201903/vu-an-tranh-chap-thua-ke-o-nha-trang-gan-10-nam-chua-ket-thuc-8108999/