Vụ án tại Công ty Vận tải Biển Đông (Kỳ 2): Có vi phạm tố tụng?

Liên quan đến vụ án tại Công ty Vận tải Biển Đông, với những tài liệu thu thập được của phóng viên còn cho thấy việc bỏ lọt nhiều tội danh.

Theo bản án phúc thẩm số 336/2014/HSPT ngày 17-11-2014, đã chỉ rõ nhiều thiếu sót trong việc đưa ra chứng cứ buộc tội các bị cáo, việc đánh giá chủ thể bị thiệt hại chưa đúng, cơ quan điều tra, truy tố đã không tiến hành lấy lời khai của người đại diện hợp pháp của Cty Biển Đông và Cty VFC theo qui định của Bộ luật tố tụng hình sự để xác minh làm rõ số tiền thiệt hại là thiếu sót nghiêm trọng…

Tuy nhiên, với những tài liệu thu thập được của phóng viên còn cho thấy việc bỏ lọt nhiều tội danh trong đó đáng lưu ý nhất là nhân vật Nguyễn Tiến Dũng nguyên cán bộ kỳ cựu của ngành công an (Biệt danh “Dũng mượt” trong vụ án ma túy tại Long Biên- Hà Nội).

Bỏ lọt “nhân vật” quan trọng?

Trong các biên bản ghi lời khai của các nghi phạm để phục vụ điều tra tại Vụ án Công ty Vận tải Biển Đông, điều làm cho người ta lưu ý đấy là biên bản lấy lời khai của một nhân vật có tên Nguyễn Tiến Dũng – một cổ đông quan trọng trong Cty TMN.

Theo đó, về việc mua bán hóa đơn, thiết lập khống chứng từ cho BCNCKT để mua tàu Energy cũng như 4 tàu có tên như Victory, Vạn Hưng, Melody, Biển Đông Star đều có khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2008. Tuy nhiên để xác định có vấn đề giả mạo và xuất khống hóa đơn, có sự liên kết “mua bán hóa đơn” của Ngô Văn Nhuận hay không thì “mắt xích” quan trọng nhất ở đây phải xác định là cá nhân Nguyễn Tiến Dũng chứ không phải Bùi Tiến Hải như cáo trạng đã đưa ra.

Trong Biên bản ghi lời khai được Cơ quan ANĐT Bộ Công an thực hiện vào ngày 19/03/2013 đối với Nguyễn Tiến Dũng, được thể hiện ở các bút lục 1083 đến 1087 Nguyễn Tiến Dũng đã khai thực tế Bùi Tiến Hải đã rút khỏi Cty TMN từ tháng 6 năm 2006. Theo lời khai của Dũng, từ thời gian này, chỉ có Dũng và một người phụ nữ tên Ty làm chủ và thời gian này Dũng là người trực tiếp điều hành toàn bộ Cty TMN.

Tàu Biển Đông Star là 1 trong 4 tàu được được Cty Biển Đông thuê trực tiếp Cty TMN làm BCNCKT.

Tàu Biển Đông Star là 1 trong 4 tàu được được Cty Biển Đông thuê trực tiếp Cty TMN làm BCNCKT.

Vậy ở đây vấn đề đặt ra là: Trong khoảng thời gian này đã xuất hiện nhiều hóa đơn chứng từ mua khống có đăng ký của Cty TMN để phục vụ cho cái gọi là hợp thức chứng từ hóa đơn để “rút tiền” của các cá nhân liên quan bị truy tố trong vụ án này. Do đó việc có mua bán hay giả mạo chứng từ của Cty TMN lúc này chỉ có Nguyễn Tiến Dũng có thể lý giải và làm sáng tỏ được. Tuy nhiên, không hiểu sao, một mắt xích quan trọng này đã không được “truy” cho đến nơi và đưa vào hồ sơ truy tố mà lại cho rằng các bị cáo đi mua hóa đơn của một người tên là “Thành” ở chợ trời (mặc dù sau này CQĐT đã xác nhận ở chợ trời không có người tên “Thành”)

Trong phần cáo buộc, các cơ quan tố tụng cũng cho rằng các bị cáo trong đó có Nhuận đã bàn bạc và nhờ đối tượng Ngọc mở tài khoản của Cty TMN ở Ngân hàng để rút tiền hòng chiếm đoạt trong các phi vụ lập BCNCKT. Tuy nhiên, căn cứ theo các chứng cứ mà các bị cáo đưa ra và dư luận cũng như đối chiếu với các quy định thì là quy kết đó hết sức mang tính quy chụp.

Theo qui định bắt buộc việc mở tài khoản của bất kỳ công ty nào đều phải có: Giấy phép đăng ký kinh doanh, bản chính chứng minh thư nhân dân của người đại diện pháp luật cho công ty, bản đăng ký mẫu dấu gốc, đóng mẫu dấu trên tờ khai tại ngân hàng đăng ký mở tài khoản, mã số thuế công ty. Việc mở tài khoản cho công ty qui định chặt chẽ như vậy thì làm sao đối tượng Ngọc có thể mở được tài khoản đứng tên Cty TMN được.

Chẳng lẽ Ngọc lại làm được đầy đủ các loại giấy tờ trên của Cty TMN, cả bản chính chứng minh thư nhân dân của Bùi Tiến Hải – Giám đốc Cty TMN? Trong khi Ngọc lại không bị bắt. Vậy việc quy kết bị cáo Nhuận đã liên kết với cá nhân Ngọc để mở tài khoản cần phải được điều tra làm rõ mới có căn cứ để kết luận: ai đã cung cấp các giấy tờ đó cho Ngọc ngoại trừ chính người của TMN?

Tàu Victory do Công ty Vận tải Biển Đông lập báo cáo là một trong những tàu chở dầu đầu tiên của Việt Nam được phép cập cảng nước Mỹ.

Những dấu hiệu vi phạm tố tụng

Do những chứng cứ buộc tội của cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm nêu trên đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm ngày 11-7-2014 đã quyết định hủy bản án sơ thẩm số 79/HSST ngày 28-2-2014 của TAND thành phố Hà Nội.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nêu quan điểm: Tại Công văn số 588/BĐ ngày 28-11-2013 của Cty Biển Đông và Công văn số 1072/TCTT-VP ngày 29-11-2013 của Cty VFC gửi VKSNDTC đều cho rằng mình không hề bị thiệt hại trong vụ án. Không những vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không thực hiện lấy lời khai của hai công ty này theo qui định của Bộ luật hình sự. Việc xác định Cty Biển Đông và Cty VFC là nguyên đơn dân sự là không đúng với qui định của pháp luật.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cũng cho rằng: Trong vụ án này, căn cứ vào Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinashin thì Vinashin là chủ sở hữu hai công ty Biển Đông và VFC. Như vậy, cần thiết phải đưa Vinashin vào tham gia tố tụng với tư các là người có quyền lợi và nghĩ vụ liên quan trong vụ án. Việc không xác định tập đoàn Vinashin là người tham gia tố tụng trong vụ án ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn, toàn diện vụ án và ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của Tập đoàn Vinashin theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế đối với các dự án mua tàu của Cty Biển Đông đều có các BCNCKT, các Báo cáo này đều được các cơ quan chức năng phê duyệt, thông qua và sử dụng như một bộ phận của dự án mua tàu. Cơ quan điều tra một mặt khẳng định, việc ký hợp đồng với Cty TMN chỉ nhằm hợp thức hóa hồ sơ thanh toán, xong chưa điều tra, làm rõ trên trên thực tế ai là người xây dựng báo cáo này là chưa đầy đủ, toàn diện.

Hơn nữa, việc các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm khẳng định các bị cáo đã lập khống hồ sơ thanh toán tiền tiền BCNCKT để rút tiền chi ngoại giao trái pháp luật cho lợi ích cục bộ của Cty Biển Đông, các nội dung chi tiêu ngoại giao thể hiện đầy đủ trên các hóa đơn, chứng từ có bút phê của lãnh đạo Cty Biển Đông là từ nguồn nào? Chưa làm rõ xem việc chi ngoại giao, lễ tết có sử dụng từ nguồn quỹ phúc lợi khen thương hay không là chưa đủ căn cứ…

Ngoài ra, việc tòa án cấp sơ thẩm xác định số tiền do các bị cáo, gia đình các bị cáo hoặc người liên quan nộp tại kho bạc để khắc phục hậu quả là vật chứng và áp dụng qui định của Bộ luật tố tụng hình sự về xử lý vật chứng đối với các khoản tiền này là không đúng. Bởi lẽ các khoản tiền này không phải là vật chứng theo qui định tại Điều 74 Bộ luật hình sự.

Còn tiếp....

Nhóm PV

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/xa-hoi/vu-an-tai-cong-ty-van-tai-bien-dong-ky-2-co-vi-pham-to-tung-a266807.html