Vụ án ở Mường Tè và chuyến công tác ngược dòng Đà Giang

Vụ án tham nhũng Dự án phát triển kinh tế, xã hội huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu mà người ta quen gọi tắt là 'Vụ án Mường Tè' xảy ra vào năm 1999 đã đi vào lịch sử tố tụng như một dấu son trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tôi may mắn là người “trong cuộc”, chứng kiến nhiều buổi họp án, các cuộc đấu trí của điều tra viên, kiểm sát viên với các đối tượng. Những chuyến cuốc bộ vào Pắc Ma, Nậm Pục rã rời muốn rụng đôi chân với các thành viên ban chuyên án, hay tròng trành, nôn nao trên ca nô vượt dòng Đà giang hung dữ là những kỷ niệm khó quên trong đời làm báo...

Cơ quan CSĐT thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp một bị can tại trụ sở Cục Đầu tư Lai Châu (Trung tá Lê Văn Bảy - thứ hai, từ trái qua)

Cơ quan CSĐT thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp một bị can tại trụ sở Cục Đầu tư Lai Châu (Trung tá Lê Văn Bảy - thứ hai, từ trái qua)

Đòn hiểm ngoạn mục

Nếu hiểu tường tận về “Vụ án Mường Tè” thì không ai qua mặt được Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo CAND. Ông là người được Thiếu tướng Đậu Quang Chín, Giám đốc Công an tỉnh, trưởng ban chuyên án cho phép tiếp cận đống hồ sơ khổng lồ của vụ án. Tôi cũng may mắn đi cùng Đại tá Phong vào trại tạm giam gặp Trần Hùng Sơn (tức Sơn “xồm”) và một số nhân vật cộm cán trong vụ án để chụp một số kiểu ảnh phục vụ cho bài viết của ông...

Đầu tháng 9/1999, dân thị xã Điện Biên Phủ một phen rúng động khi 4 em nhỏ trong khi chơi trốn tìm đã nhặt được 4 bánh heroin. Các em mang đến nhà Trung tá Lê Văn Bảy - Phó trưởng Công an thị xã Điện Biên Phủ để giao nộp.

Theo trình báo, các em thấy có người ném ra từ nhà của Lê Minh Thiết, giám đốc một công ty xây dựng ở phường Mường Thanh. Ngay đêm hôm đó, Công an thị xã phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh tiến hành lệnh khám xét khẩn cấp nhà vị giám đốc này.

Điều bất ngờ là trong mớ tài liệu giấy tờ thu tại nhà Thiết, công an phát hiện một cuốn sổ ghi chi tiết danh tính và số tiền hối lộ 112 quan chức của tỉnh Lai Châu và lãnh đạo một số đơn vị thuộc bộ, ngành Trung ương.

Một chuyên án được thành lập nhưng ngay sau đó ban chuyên án phải đối mặt với nhiều thách thức. Đây là một vụ án hết sức nhạy cảm vào thời điểm ấy, các nhân vật Lê Minh Thiết đưa hối lộ toàn là VIP của tỉnh và một số đơn vị ở Trung ương...

Dự án phát triển kinh tế xã hội Mường Tè đang được cả nước quan tâm bởi ý nghĩa chính trị hơn là số tiền ngân sách. Là huyện có diện tích lớn nhất nhưng dân số ít nhất toàn quốc, Mường Tè là địa phương đầu tiên trong số 50 huyện nghèo nhất cả nước được Chính phủ thí điểm đầu tư. Số tiền 450 tỉ đồng đầu tư vào Mường Tè dành để mở đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi tính thời giá bây giờ khoảng hơn 5.000 tỉ đồng.

Phát biểu tại cuộc họp chuyên án, Đại tá Đậu Quang Chín, Phó Giám đốc phụ trách Công an tỉnh Lai Châu khẳng định: “Một dự án với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với huyện nghèo nhất cả nước là Mường Tè nhưng lại bị một số doanh nghiệp câu kết với cán bộ biến chất xà xẻo, ăn chặn là không thể chấp nhận!”.

Trước sức ép, dấu hiệu có sự can thiệp từ nhiều phía và nguy cơ bị “tuýt còi”, ban chuyên án họp bàn và quyết định đánh một đòn hiểm mang tính chiến lược là tranh thủ sức mạnh của dư luận. Đại tá Chín chỉ đạo lãnh đạo Phòng Công tác chính trị phân công phóng viên viết bài về vụ án và tung ngay lên phương tiện thông tin đại chúng.

Sau khi được giao nhiệm vụ, tôi đã đến gặp một số thành viên ban chuyên án để lấy tư liệu. Bài viết “Từ vụ án ma túy, khám phá đường dây tham nhũng lớn ở Lai Châu” nhanh chóng hoàn thành, được ban chuyên án duyệt và cho fax về Báo CAND.

Cố nhà báo Quang Hào khi ấy gọi điện lên cho tôi bảo: “Vụ này nhạy cảm quá, em đã xin ý kiến Ban Giám đốc chưa?”. Tôi trả lời: “Đồng chí trưởng ban chuyên án đọc và đồng ý cho đăng rồi anh ạ”. Anh Hào sau đó vẫn cẩn thận gọi điện lại nhiều lần để cân nhắc câu từ trước khi trình Ban Biên tập.

Báo in thường lên Lai Châu chậm từ 2 đến 3 ngày nên để chắc ăn, tôi viết một bài mới chuyển cho anh Văn Thành - Phó Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ (kiêm thường trú Báo Nhân dân tại Lai Châu). Anh Thành biên tập, ký tên Hà Văn (Mạnh Hà - Văn Thành) rồi gửi về Báo Nhân dân.

Thời điểm đó Internet mới manh nha xuất hiện ở Tây Bắc nên độc giả chỉ đọc qua báo in. Cả Lai Châu rúng động, bàn tán xôn xao khi người dân photocopy chuyền tay nhau đọc mấy bài báo vì nhắc đến một số “sếp” to của tỉnh dù chỉ là viết tắt. Sự việc đã không trong vòng bí mật nữa, trước sức ép dư luận, vụ án được đẩy nhanh tiến độ với sự quyết liệt chưa từng có.

Đồng chí Thứ trưởng Lê Thế Tiệm trực tiếp nghe báo cáo án, sau đó Bộ Công an cử Thiếu tướng Đỗ Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an lên Lai Châu để tiếp tục có những chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các đối tượng...

Những chuyến ngược Đà giang

Để lấy tư liệu viết bài, tôi được ban chuyên án cho tham gia một số cuộc họp án và thực hiện các bức ảnh, thước phim tư liệu phục vụ công tác lưu giữ. Phòng họp án tại Công an thị xã Điện Biên Phủ hoặc phòng giao ban Công an tỉnh nhiều hôm sáng đèn đến 24h. Từ “tướng” đến quân đều căng như dây đàn, Đại tá Đậu Quang Chín khi đó nhiều lần cảnh báo: “Chúng ta đã cưỡi lên lưng hổ”...

Hồi tưởng về vụ án lịch sử này, Thiếu tướng Lê Văn Bảy - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, nguyên thành viên ban chuyên án cho biết: “Càng vào sâu, vụ án càng xuất hiện nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều quan chức, nhân vật VIP ở Trung ương và địa phương...”.

Tác giả bài viết (ngoài cùng bên trái) theo chân đoàn công tác chuẩn bị rời bến, ngược sông Đà để vào Pắc Ma

Các cuộc bắt, khám xét khẩn cấp một số nhân vật VIP, tôi đều được tham gia với tư cách là người quay phim, chụp ảnh. Tiếc nhất là vụ dẫn giải Trần Hùng Sơn - nhân vật cộm cán nhất của vụ án bị bắt theo lệnh truy nã đỏ của Interpol tại Mỹ, sau đó đưa về sân bay Nội Bài thì lại hụt vì yêu cầu nghiệp vụ quá chặt chẽ. Vất vả nhất là những chuyến công tác vào Mường Tè. Ban chuyên án phải trực tiếp đến tận các tuyến đường mới mở ở Pắc Ma, Nậm Pục để khảo sát, đo đạc, phát hiện và củng cố chứng cứ.

Tổ công tác được quyền sử dụng 2 con xe U-oát mới tinh để làm án. Từ thị trấn, xe chỉ lên đến xã Mường Tè, sau đó là hành trình “cuốc bộ” hoặc may mắn thì thuê xuồng độc mộc của dân ngược dòng Đà giang để lên Pắc Ma, Nậm Pục.

Mường Tè hồi ấy vẫn xa xôi diệu vợi, đi cả chục cây số có khi mới gặp một vài nóc nhà. Việc khảo sát, đo đạc, đối chiếu được tiến hành theo phương pháp cuốn chiếu. Hai cán bộ Công an huyện Mường Tè thông thổ địa bàn nhận lệnh đi trước tiền trạm, tìm chỗ nghỉ và thuê dân nấu cơm. Nhiều chặng xa, không dân, bữa trưa các thành viên trong đoàn chỉ ăn lương khô hoặc nhai mì tôm sống...

Đà giang là con sông dữ dằn, hùng vĩ, “đầy cá tính” nhất Việt Nam (chữ dùng của Nguyễn Tuân - PV). Chỉ ngồi trên thuyền vượt sông mới thấm những gì được miêu tả trong thiên tùy bút “Người lái đò trên sông Đà”. Ngồi lên con thuyền độc mộc được người dân cải tiến lắp thêm động cơ như chiếc lá tròng trành giữa ghềnh thác oằn mình réo sôi ùng ục mà ớn lạnh.

Trong thực tế, chúng tôi cũng một lần suýt chết khi thuyền đang rú ga vượt thác Hát Vá thì động cơ bỗng dưng thở hắt ra rồi chết lịm. Chiếc thuyền bé xíu bị nước vùi dập quay như chong chóng. Cũng may xuồng thoát được vũng nước xoáy, trôi khoảng 500m thì bác tài lại giật nổ để tiếp tục hành trình...

Giờ đây, hồi tưởng “Vụ án Mường Tè” càng khâm phục tầm nhìn chiến lược của Đại tá Đậu Quang Chín khi ấy. Năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi bổ sung được ban hành có những thay đổi đột phá; đó là thực hiện việc ghi âm, ghi hình, đặt máy quay trong khi hỏi cung, lấy lời khai. Gần đây, viện kiểm sát, tòa án cũng tích cực triển khai các phiên tòa số hóa phục vụ công tác tranh tụng.

Cách đây hơn 20 năm, từ chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, những thước phim do phóng viên thực hiện được quay tại hiện trường, bắt khám xét, lấy lời khai một số đối tượng... sau đó về trình chiếu để ban chuyên án tiếp tục mổ xẻ, phân tích, là chứng cứ phục vụ đấu tranh, mở rộng vụ án.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, sau vụ án Mường Tè, nhiều cán bộ, điều tra viên được bổ nhiệm các chức vụ quan trọng, họ đều là những sĩ quan giỏi nghiệp vụ, đóng góp công sức cho công tác bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn sự bình yên của miền biên viễn. Đời làm báo được trực tiếp theo chân các trinh sát hàng chục vụ án, chuyên án lớn nhưng “Vụ án Mường Tè” mãi là một kỷ niệm đẹp trong đời làm báo CAND.

Vũ Mạnh Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/antgdb-vu-an-o-muong-te-va-chuyen-cong-tac-nguoc-dong-da-giang-617288/