Vụ án ở Đan Phượng là điển hình về 'phòng ngừa xã hội' yếu kém

'Chúng tôi thường có cụm từ 'gắn phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ trong phòng chống tội phạm'. Các đối tượng có tiền án tiền sự cơ quan Công an đang quản lý theo dõi được chúng tôi xếp vào diện phòng ngừa nghiệp vụ; còn các mâu thuẫn trong xã hội có thể do bột phát, do thời gian thì là phòng ngừa xã hội', Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết.

"Vụ án ở Đan Phượng là điển hình về chuyện phòng ngừa xã hội yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an nhất là công an cơ sở. Chúng tôi đã yêu cầu công an huyện kiểm điểm, đội cảnh sát hình sự và cán bộ công an xã kiểm điểm. Vì mâu thuẫn giữa 2 anh em không phải bột phát mà đã có thời gian kiện cáo, mâu thuẫn nhau, nhân dân trong khu phố đều biết".

Đó là phần trả lời chất vấn của Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa 15 diễn ra ngày 5-12.

Với câu hỏi của đại biểu về tình trạng đối tượng mắc bệnh tâm thần gây ra các vụ án giết người, các vụ hành hung gây thương tích cho người thân hoặc người bên ngoài có chiều hướng gia tăng, đề nghị Giám đốc CATP làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp để kiểm soát, phòng ngừa, giải quyết các mẫu thuẫn trong nhân dân, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết:

CATP đã rà soát lên danh sách các trường hợp ngáo đá, ngáo rượu và quyết tâm đưa hết số này vào cai nghiện. Nhưng việc đưa các đối tượng vào cai nghiện trong một hành lang pháp lý rất khó khăn, chỉ khi gia đình tự nguyện đưa đi mới giải quyết được.

Giám đốc CATP Hà Nội Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn

Giám đốc CATP Hà Nội Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn

“Vậy trách nhiệm nòng cốt về tham mưu của lực lượng công an ở đâu? Tôi cũng không phải đổ trách nhiệm, nhưng trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự là của toàn đảng toàn quân toàn dân. Vậy mâu thuẫn như thế thì tổ hòa giải ở đâu, vai trò chỉ đạo của mặt trận thế nào; hội phụ nữ, thanh niên ở đâu…

Trách nhiệm là của cả hệ thống cơ sở, nhưng dù sao chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình với vai trò nòng cốt trong việc tham mưu và tổ chức triển khai phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ chưa hiệu quả”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nói.

Việc xử lý đối tượng tâm thần cũng rất khó khăn, vì đưa vào điều trị phải có kinh phí. Chính quyền không thể đủ tiền để “làm từ thiện”, gia đình phải có trách nhiệm, nhưng nhiều gia đình không có tiền, vào bệnh viện cho vào vài tháng hết tiền cũng phải cho ra…

Giám đốc CATP đề nghị UBND TP kiến nghị HĐND TP có khoản kinh phí về an sinh xã hội để đảm bảo người dân có quyền được sống trong an ninh an toàn. Ngoài các giải pháp của lực lượng công an rất cần giải pháp của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền.

T. An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vu-an-o-dan-phuong-la-dien-hinh-ve-phong-ngua-xa-hoi-yeu-kem-172494.html