Vụ án ma túy ở Sơn La: Vì sao gia đình phản ứng việc thi hành án?

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản về việc chuyển đơn của công dân cho TAND tối cao để xem xét, giải quyết đơn kêu oan vụ án ma túy Sơn La theo quy định, tuy nhiên, ngày 15/10/2020, TAND tỉnh Sơn La đã thi hành án.

Quyết định gấp rút thi hành án?

Ngày 15/10/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La có hai thông báo số 02;03/ TB-CA thông báo về việc làm đơn xin nhận tử thi người đã bị thi hành án tử hình là bị cáo Nguyễn Chí Huân và Đào Đình Nam trong vụ án ma túy Sơn La.

Theo đó, thông báo trên được Căn cứ vào Quyết định số 179/QĐ-TANDTC ngày 18/11/2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định số 87/VKSTC-V7 ngày 12/9/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc: Không kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 568/2018/HSPT ngày 23/8/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đối với bị cáo Nguyễn Chí Huân, Đào Đình Nam. Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành quyết định thi hành án tử hình, và hoàn tất các thủ tục để thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với cả hai bị cáo Huân, Nam.

 Phiên tòa phúc thẩm diễn ta trước đó.

Phiên tòa phúc thẩm diễn ta trước đó.

Ngay sau khi nhận thông báo trên từ tòa án, gia đình hai bị cáo cho rằng việc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La ra quyết định thi hành án là chưa thỏa đáng và có nhiều dấu hiệu oan sai chưa được làm rõ trong quá trình điều tra.

Theo đơn thư của ông Nguyễn Văn Thân (bố của bị cáo Nguyễn Chí Huân), Vụ án “mua bán trái phép chất ma túy tại Sơn La” đã qua 5 phiên tòa (1 phiên tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, 2 phiên tòa sơ thẩm, 2 phiên tòa phúc thẩm). Ông Thân là người được tham gia trực tiếp, được chất vấn tại các phiên tòa nên ông cho rằng còn nhiều "điểm mờ" trong vụ án cần phải làm rõ.

Ông Thân nói: “Phiên tòa phúc thẩm ngày 23/8/2018 do TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử, tôi cho rằng đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Hội đồng xét xử cố tình bỏ qua các chứng cứ vô tội mà chỉ nhằm quy kết, buộc cho con tôi tội danh và cái chết mà con tôi không hề liên quan với những luận điểm cực kỳ phi lý, không có cơ sở, không có căn cứ chứng minh.

Hội đồng xét xử hoàn toàn dựa vào lời khai 1 chiều của 2 bị cáo bị bắt quả tang là Trần Mạnh Hùng và Nguyễn Đức Trung. Trong khi quá trình điều tra, truy tố và xét xử thì lời khai của 2 bị cáo này đều không thống nhất, đầy những mâu thuẫn, có lời khai nhận tội nhưng khẳng định là do bị ép cung, lời khai thừa nhận lần đầu vận chuyển ma túy thuê chứ chưa bao giờ có việc mua bán ma túy .

Vụ án này chỉ có bị cáo Hùng, Trung là bị bắt quả tang, còn Huân, bị cáo Nam là truy xét. Vậy khi bị truy xét phải xem xét tới những yếu tố cần làm sáng rõ để chứng minh có hay không hành vi phạm tội, như: Đối chất; nhận dạng; thời điểm giao hàng; địa điểm giao hàng; giá của mỗi bánh; phương tiện phạm tội và các lời khai của các bị cáo?

Trong vụ án này chứng cứ duy nhất kết tội con tôi là dựa trên lời khai của Trung và Hùng, còn con tôi luôn kêu oan kể từ khi bị bắt đến nay qua nhiều giai đoạn từ điều tra, truy tố và 5 phiên tòa."

Liên quan vụ án, ngày 08/06/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số: 4577/VPCP- V.I về việc chuyển đơn, thư của công dân. Theo đó công dân có đơn là ông Nguyễn Văn Thân có địa chỉ tại Thôn Phù Đề, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (bố của bị cáo Nguyễn Chí Huân) sau khi xem xét đơn kêu oan của ông Thân, Văn phòng Chính phủ đã giao cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo quy định.

Trong khi gia đình các bị cáo đang chờ đợi Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết vụ án theo đúng quy định như văn bản Văn phòng Chính Phủ hồi đáp đơn thư thì bất ngờ nhận thông báo các bị cáo Huân và Nam bị thi hành án tử hình. Trước sự việc Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La “vội vàng”ra quyết định tử hình các bị cáo khiến gia đình vô cùng bức xúc.

Cơ quan chức năng cần làm rõ tình tiết trong vụ án

Ông Thân cũng cung cấp thông tin: Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thông báo cho gia đình tôi biết tại văn bản số 3256/VKSTC-V7 đề ngày 29/07/2020 với nội dung: “Theo khoản 1, Điều 637 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, hồ sơ vụ án này phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét bản án tử hình trước khi thi hành. Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa nhận được hồ sơ vụ án từ Tòa án nhân dân tối cao chuyển đến; khi nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ xem xét, giải quyết và trả lời ông theo quy định của pháp luật”.

Vì vậy, gia đình ông Thân đã làm đơn gửi đến TAND tối cao giải quyết và kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án này để minh oan cho con mình. Đồng thời, trong đơn ông Thân cũng đề nghị TAND tối cao chuyển hồ sơ vụ án “Nguyễn Chí Huân và Đào Đình Nam phạm tội mua bán trái phép chất ma túy” đến VKSND tối cao để giải quyết theo thẩm quyền trên cơ sở xem xét sự thật khách quan, chính xác, toàn diện vụ án.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội).

Phân tích về vụ án ma túy Sơn La dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, đối với vụ án ma túy ở Sơn La là một vụ ma túy lớn, trong đó Nguyễn Chí Huân là một trong 4 bị cáo trong vụ án cho rằng mình bị oan, vợ và bố của bị cáo đã gửi đơn kêu oan đến cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Bởi trong vụ án, chứng cứ buộc tội duy nhất của Huân là lời khai của Hùng và Trung. Trong suốt quá trình điều tra, có nhiều tình tiết mâu thuẫn, ngay cả trong lời khai của Hùng cũng có sự mâu thuẫn, không thống nhất, không thể điều tra bổ sung thêm như nhận dạng người, nhận dạng nhà, đối chất nên việc kết luận và tuyên án phạt đối với bị cáo Huân có thể oan sai khi chưa đủ chứng cứ thuyết phục, chứng minh tội phạm.

Ví dụ điển hình, trường hợp này, khi có mâu thuẫn giữa các lời khai của nhiều người, Điều tra viên phải tiến hành đối chất theo quy định tại Điều 189 BLHS 2015 nhưng trong quá trình điều tra không thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng đến quá trình tố tụng, không khách quan trong quá trình điều tra.

Về hành vi của bị cáo Huân, khi lực lượng chức năng thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét chỗ ở của Huân thu giữ được 3 khẩu súng tiểu liên AK, 208 viên đạn, 01 khẩu súng K54, 5 viên đạn cùng 10 băng tiếp đạn, 01 khẩu súng col, 2 thanh đao và một số tài sản, giấy tờ khác. Theo quy định của pháp luật tại Khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 2017 về các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ: “Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo”.

Do đó, việc Huân tàng trữ vũ khí quân dụng tại nhà đã vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí sẽ bị truy tố về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 304 BLHS 2015. Với những vũ khí thu giữ được tại nhà Huân, Huân có thể bị kết án từ 05 đến 12 năm tù theo quy định tại Khoản 2 Điều 304 BLHS.

Đối với hành vi mua bán trái phép chất ma túy, còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, quá trình điều tra và tố tụng chưa đủ chứng cứ chứng minh tội phạm nên chưa thể kết luận được hành vi phạm tội của Huân. Cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng cần điều tra làm rõ các tình tiết trong vụ án, thu thập chứng cứ, thực hiện đầy đủ quy trình trong quá trình tiến hành tố tụng để làm rõ tội phạm, đúng người đúng tội, tránh oan sai và không bỏ lọt tội phạm.

Xem thêm video: Trấn áp mạnh mẽ tội phạm ma túy

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vu-an-ma-tuy-o-son-la-vi-sao-gia-dinh-phan-ung-viec-thi-hanh-an-1449037.html