Vụ án kỳ lạ: 27 người bị hại đều không nhận mình là nạn nhân

Bị can Đỗ Thị Luận bị khởi tố tội lừa đảo 27 người với số tiền hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, trả lời tại tòa, tất cả 27 người được xem là bị hại đều không nhận mình là nạn nhân của vụ án.

Bị can Đỗ Thị Luận.

Ngày 6.11, cơ quan điều tra Viện KSND TPHCM đã mời bị can Đỗ Thị Luận (sinh năm 1957 tại Nam Định) lên làm việc để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung vụ án, Luận làm nghề kinh doanh bất động sản, do làm ăn thua lỗ nên đã tìm cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác để trả nợ.

Phi vụ đầu tiên, Luận mua căn nhà của vợ chồng anh Đức, chị Thoa ở phường Hiệp Thành, Quận 12 bằng giấy viết tay. Đến ngày 11.5.2011, hai bên đến phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất cho ông Tân với giá 2,615 tỷ đồng.

Ông Tân đã hoàn tất thủ tục nộp thuế, sau đó được UNBD Quận 12 đăng bộ sang tên vào ngày 21.6.2011.

Trong thời gian ông Tân làm thủ tục trước bạ, sang tên thì Luận phân thửa đất thành nhiều lô nhỏ rồi làm “hợp đồng mua bán nhà đất” bằng giấy tay bán cho nhiều người khác. Luận hứa sẽ sang tên cho họ nhưng Luận không thực hiện và chiếm đoạt tiền của 3 bị hại tổng cộng 2,6 tỷ đồng.

Bằng thủ đoạn tương tự, trong thời gian từ tháng 4.2011 đến tháng 10.2011, Luận đã lừa đảo chiếm đoạt 18,7 tỷ đồng của 27 người khác.

Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 18.5.2016, những người được xác định là bị hại đều không nhận mình là nạn nhân. Khi được hỏi họ đều khẳng định rằng họ mua nhiều lô đất của bà Luận bằng giấy tờ viết tay và đã xây dựng nhà ở. Trong quá trình xây dựng, ông Tân có đến xem nhưng không ngăn cản, hay báo chính quyền địa phương ngăn cản, chứng tỏ ông Tân không phải là chủ của những thửa đất mà ông đang đòi quyền lợi.

Tại phiên các phiên tòa trước đó, ông Tân khai, ông mới chính là người đứng tên các thửa đất mà bà Luận bán cho các hộ dân. Vì trước đó, ông được bà Luận sang tên, chuyển nhượng.

Cũng theo ông Tân, toàn bộ quá trình chuyển nhượng, đăng bộ sang tên ông đều giao cho bà Loan thay ông thực hiện. Khi được hỏi trước khi thực hiện việc mua bán, có đi coi đất, nhà trước không, ông Tân trả lời có đi coi. Sau khi mua bán xong và nhận nhà đất, ông Tân không sử dụng, không cho ai thuê. Đến khi bà Luận bị bắt, ông mới xuống coi hiện trạng đất thì thấy người dân đã xây nhà trên đất của ông rồi. Do tính chất vụ án phức tạp nên TAND TPHCM đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tới 7 lần.

Ngày 8.6.2017, Viện KSND TPHCM đã ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị can Đỗ Thị Luận được tại ngoại để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại buổi làm việc hôm nay cơ quan điều tra yêu cầu bị can Luận làm rõ một số vấn đề như mối quan hệ giữa ông Tân với bị can. Thời gian làm hợp đồng mua bán đất, giấy phép xây dựng đứng tên ai? Số tiền lãi bị can đã trả cho ông Tân là bao nhiêu?.

Theo bị can Luận, khi mua các thửa đất của nhiều người, bị cáo đã có đặt cọc trước. Đến lúc thanh toán, Luận không có đủ tiền nên đã mượn tiền của ông Tân. Ông Tân đồng ý cho mượn, với điều kiện ông phải được đứng tên chủ quyền. Bị cáo Luận sợ rằng không đồng ý thì mất tiền cọc nên đã thỏa thuận vay tiền ông Tân bằng hình thức vay mượn thế chấp dưới hình thức hợp đồng mua bán.

Bị can Luận và ông Tân có giao ước là khi nào thanh toàn hết tiền vay thì ông Tân sẽ chuyển giao giấy tờ cho Luận để Luận làm thủ tục đồng sở hữu cho những người Luận đã bán đất. Trong quá trình phân lô bán đất để những người mua xây nhà, ông Tân có đến kiểm tra việc xây dựng, do có thỏa thuận từ trước nên ông Tân không phản đối gì.

Tuy nhiên đến ngày 24.10.2011 bị cáo Luận bị bắt và bị cơ quan cảnh sát điều tra công an TPHCM khởi tố vụ án hình sự và truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ông Tân lại đến để “siết” nhà, đất của những hộ dân này.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/vu-an-ky-la-27-nguoi-bi-hai-deu-khong-nhan-minh-la-nan-nhan-823507.html