Vụ án KDTM giữa Công ty Quang Minh và Công ty Vinacomin: Nhiều nội dung cần được làm rõ

Vụ Công ty CP XDTM&DV Quang Minh khởi kiện Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ-Vinacomin. Sau nhiều cấp xét xử, TAND tối cao đã ra Quyết định Giám đốc thẩm, hủy bỏ các bản án đã tuyên trước đó để xét xử lại từ đầu.

Theo ông Phạm Dũng (Tổng Giám đốc Công ty Quang Minh), ngày 22/02/2012, Công ty Quang Minh và Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Tây Nguyên (Công ty Tây Nguyên), thuộc Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ-Vinacomin ký kết Hợp đồng kinh tế số 16/HĐTC/12 về việc Công ty Quang Minh khoán cho Công ty Tây Nguyên khoan, phá đá tại công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột- Đắk Lắk).

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Tây Nguyên đã thi công chậm tiến độ và đã tự ý di dời máy móc, thiết bị, nhân lực ra khỏi công trình mà không có văn bản thông báo cho Công ty Quang Minh biết. Sự việc này đã để lại hậu quả tại công trường với khối lượng việc dở dang rất lớn. Lúc này, chủ đầu tư đang hối thúc Công ty Quang Minh cấp tốc đẩy nhanh tiến độ để bàn giao. Vì vậy, công ty này đã bất đắc dĩ phải thuê công ty khác tiếp tục thi công phần công việc dở dang do Công ty Tây Nguyên để lại.

Quyết định giám đốc thẩm số 12/2019/KDTM-GĐT ngày 24/9/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Quyết định giám đốc thẩm số 12/2019/KDTM-GĐT ngày 24/9/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Đến ngày 25/9/2013, hai bên đã lập biên bản nghiệm thu công trình nhưng sau đó, Công ty Tây Nguyên vẫn không lập đủ hồ sơ thanh quyết toán và cũng không đồng ý bồi thường cho Công ty Quang Minh các thiệt hại do việc thi công chậm tiến độ gây ra (chi phí xử lý khối lượng công việc còn lại, chi phí khi phải kéo dài dự án, thiệt hại do chủ đầu tư không chấp nhận bù trượt giá). Vì vậy, Công ty Quang Minh thông qua đơn khởi kiện, yêu cầu Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ-Vinacomin (Tổng Công ty Vinacomin) bồi thường thiệt hại do Công ty Tây Nguyên gây ra cho mình với tổng số tiền 3,4 tỉ đồng.

Ngược lại, bị đơn là Tổng Công ty Vinacomin do ông Nguyễn Văn Sáng (Tổng Giám đốc Công ty), cũng đã có đơn phản tố vào ngày 23/3/2015. Ông Sáng cho rằng: Ngày 22/02/2012, Công ty Quang Minh và Công ty Tây Nguyên sau khi ký kết Hợp đồng số 16/HĐTC/12 thì Công ty Tây Nguyên đã tiến hành thi công khoan nổ mìn 04 đợt từ ngày 06/4/2012 đến ngày 18/12/2012 với tổng giá trị thực hiện là 4,963 tỉ. Công ty Quang Minh còn nợ Công ty Tây Nguyên qua 04 đợt thi công là 3,279 tỉ đồng. Và hai bên đã ký Biên bản họp thanh lý hợp đồng ngày 07/11/2014.

Riêng phần công việc còn dở dang, hai bên thống nhất để lại 25% giá trị nghiệm thu của đợt 4 để xử lý. Công ty Tây Nguyên đã gửi hóa đơn, chứng từ hợp lệ nhưng Công ty Quang Minh không thanh toán tiền. Vì vậy, Tổng Công ty Vinacomin không đồng ý với yêu cầu của Công ty Quang Minh về việc bồi thường số tiền thiệt hại mà bên nguyên đơn đã nêu ra.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2016/KDTM-ST ngày 18/5/2016, TAND TP.Pleiku đã ra quyết định, bác đơn khởi kiện của Công ty Quang Minh. Chấp nhận đơn yêu cầu phản tố của Tổng Công ty Vinacomin. Từ đó buộc Công ty Quang Minh phải thanh toán cho Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ số tiền 3,711 tỉ (tiền nợ gốc là 3,279 tỉ và tiền lãi là 432 triệu đồng).

Ngày 25/5/2016, Công ty Quang Minh đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đến ngày 26/9/2016, TAND tỉnh Gia Lai đã ra Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 05/2016/KDTM-PT trong đó quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của Công ty Quang Minh; giữ nguyên bản án sơ thẩm mà TAND TP.Pleiku đã tuyên trước đó.

Ngày 05/5/2017, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, kháng nghị Bản án cấp phúc thẩm; đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND hai cấp tỉnh Gia Lai để TAND TP. Pleiku xét xử sơ thẩm lại. Từ nội dung này, ngày 21/8/2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ra Quyết định giám đốc thẩm số 25/2017/KDTM-GĐT với quyết định: Hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm như đã nêu ở trên, giao xét xử lại sơ thẩm.

Sau khi Quyết định giám đốc thẩm được công bố, lãnh đạo TAND tỉnh Gia Lai lại có đơn đề nghị, về việc xem xét Quyết định giám đốc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm. Đến ngày 17/6/2019, tại Quyết định số 08/2019/KN-KDTM, Chánh án TAND tối cao đã kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số 25/2017/KDTM-GĐT của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Quyết định giám đốc thẩm nêu trên, hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm và phúc thẩm do TAND TP.Pleiku và TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên xử trước đó; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Pleiku xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 24/9/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã tổ chức phiên giám đốc thẩm, đồng thời ban hành Quyết định số 12/2019/KDTM-GĐT. Theo đó, sau khi xem xét, nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhận thấy:

Trong quá trình thực hiện hợp đồng cả hai công ty Tây Nguyên và Quang Minh đã không tuân thủ các nội dung có trong hợp đồng. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá nguyên nhân của các vi phạm này, ý chí của các bên trong quá trình thực hiện để xét lỗi. Cùng với đó, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa thu thập chứng cứ để làm rõ và tính cụ thể khối lượng công việc thực tế còn tồn đọng là bao nhiêu, mà lại bác yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty Quang Minh là không có căn cứ. Ngoài ra, cần căn cứ vào Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 07/11/2014 để xác định khối lượng công việc thực tế theo thỏa thuận giữa hai bên trong Hợp đồng và thu thập chứng cứ để làm rõ những thiệt hại (nếu có) mà Công ty Quang Minh phải gánh chịu như nguyên đơn yêu cầu.

Đặc biệt, hợp đồng 16/HĐTC/12 ngày 22/02/2012 giữa Công ty Quang Minh và Công ty Tây Nguyên liên quan đến hợp đồng xây dựng, được xác lập trên cơ sở hợp đồng thi công xây dựng số 01/HP-XD/HĐ ngày 18/8/2011 giữa Công ty CP Điện Tam Long với Công ty Quang Minh. Trong trường hợp này, cần xác định quan hệ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, nên cần áp dụng pháp luật xây dựng. Trường hợp pháp luật xây dựng không quy định thì áp dụng Bộ luật dân sự để giải quyết.

Từ các nhận định trên, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã chấp nhận Quyết định kháng nghị của Chánh án TAND tối cao đồng thời hủy Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, hủy hai Bản án phúc thẩm và sơ thẩm của TAND hai cấp tỉnh Gia Lai. Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Pleiku xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

A.N

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/vu-an-kdtm-giua-cong-ty-quang-minh-va-cong-ty-vinacomin-nhieu-noi-dung-can-duoc-lam-ro-55755.html