Vụ án chạy thận: Luật sư bất ngờ công bố bằng chứng 'đầu độc'

Luật sư Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn) bất ngờ khẳng định nắm trong tay chứng cứ cho thấy đây là một vụ 'đầu độc giết người'.

Luật sư Phạm Quang Hưng cung cấp bằng chứng về một "vụ đầu độc"

Phiên xử chiều 19/1, luật sư Phạm Quang Hưng (bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) bất ngờ nêu ý kiến muốn dừng phiên tòa để cung cấp những bằng chứng "mật" cho thấy đây là một vụ "đầu độc để giết người".

Luật sư Phạm Quang Hưng (ngoài cùng bên trái) cung cấp "bằng chứng mật" về một vụ đầu độc. HĐXX sau đó đã tiếp nhận bằng chứng và tuyên bố hoãn phiên tòa.

Luật sư Phạm Quang Hưng (ngoài cùng bên trái) cung cấp "bằng chứng mật" về một vụ đầu độc. HĐXX sau đó đã tiếp nhận bằng chứng và tuyên bố hoãn phiên tòa.

“Tôi có chứng cứ về hành vi đầu độc chết người. Nhưng tôi chỉ cung cấp cho giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh và Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình" - Luật sư Hưng cho biết.

Khi HĐXX hỏi chứng cứ được thu thập từ bao giờ, luật sư Hưng cho biết: "Tôi chỉ nói rằng hiện nay tôi đã có. Đề nghị HĐXX tắt tivi tại phòng báo chí và truyền thông bên ngoài, điều này nói ra cũng không hay lắm".

Trước yêu cầu này, HĐXX đã cho ngắt tín hiệu đến phòng báo chí và tạm ngưng phiên tòa để tiếp nhận bằng chứng. Luật sư Phạm Quang Hưng cũng cho biết: Chứng cứ mà ông có trong tay có thể nhìn thấy và đọc được.

Sau đó, "bằng chứng mật" của luật sư Hưng đã được giao đến HĐXX và Kiểm sát viên. Đọc những tài liệu này, HĐXX quyết định hội ý và ra tuyên bố: Tạm dừng phiên tòa, phiên xử sẽ được tiếp tục vào thứ Hai tuần sau (21/1).

Bác sĩ Hoàng Công Tình: "Cán bộ đơn nguyên thận nhân tạo không có lỗi"

Trong phần xét hỏi sáng 19/1, HĐXX tiến hành đặt câu hỏi đối với bác sỹ Hoàng Công Tình - Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình. Tại thời điểm xảy ra sự cố y khoa ngày 29/05/2017, ông Tình là Phó khoa Hồi sức tích cực. Trong khi đó, ông Khiếu là Phó GĐ bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực.

Trong khoa này có hai đơn nguyên Hồi sức tích cực và đơn nguyên lọc máu (thận nhân tạo). Với chức vụ Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực, ông Khiếu khẳng định, nếu trong thời gian ông Khiếu vắng mặt sẽ bàn giao nhiệm vụ phụ trách khoa Hồi sức tích cực cho Phó khoa Tình.

Bác sĩ Hoàng Công Tình.

Ông Khiếu than vì kiêm nhiệm nên có rất nhiều việc phải làm, ông phân bổ khoảng 30% - 40% thời gian của ngày làm việc để điều hành công việc tại Khoa Hồi sức tích cực. Trước lời khai trên, ông Tình cho rằng trong quy chế bệnh viện, không quy định chức trách, nhiệm vụ của Phó khoa. Ông Tình nói: “Theo quyết định bổ nhiệm tôi làm phó Khoa Hồi sức tích cực có ghi tôi làm việc dưới sự phân công của Trưởng khoa”.

Cũng theo vị bác sỹ này, bị cáo Khiếu không có mặt hàng ngày để trực tiếp điều hành, phân công nhiệm vụ cho Khoa Hồi sức tích cực, bản thân ông chỉ chịu trách nhiệm chuyên môn tại đơn nguyên hồi sức tích cực. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi khi bị cáo Khiếu đi vắng, công việc tại Khoa được giao cho ai, ông Tình trả lời: “Hằng ngày bác sỹ Khiếu đều xuống thực hiện giao ban tại Khoa, thời gian bác sỹ Khiếu đi vắng thì tôi không nắm được.”

Trước lời khai trên, HĐXX đã đặt vấn đề hỏi tại sao hai đơn nguyên này không nằm liền kề nhau, nhưng lại xảy ra tình trạng một đơn nguyên có người phụ trách, đơn nguyên còn lại không được giao cho ai phụ trách. Vậy tại sao hai đơn nguyên có thể tổ chức khám chữa bệnh hàng ngày? Tại sao lại có sự “trống vắng” trong việc quản lý điều hành đơn nguyên thận nhân tạo kể từ khi bác sỹ Tiến chuyển công tác năm 2014?

Ông Tình trả nói: “Tôi nghĩ về mặt chăm sóc và điều trị bệnh nhân, Trưởng khoa đã phân công rõ cho từng cán bộ, còn về quản lý chung thì tôi nghĩ tôi không thể quản lý cả khoa được. Theo tôi nghĩ bác sỹ Trưởng khoa sẽ là người phụ trách các hoạt động của khoa”. Ông Tình trả lời một cách vòng vo khi cho hay, với tư cách là một Phó khoa, khi Trưởng khoa đi vắng thì ông chỉ đạo công việc hàng ngày tại Đơn nguyên hồi sức tích cực, còn đơn nguyên thận nhân tạo, các bác sỹ tại đơn nguyên thận nhân tạo hoạt động độc lập với đơn nguyên hồi sức tích cực.

Theo đó, HĐXX tiếp tục hỏi: “Nếu như vậy có thể hiểu rằng ở đơn nguyên thận nhân tạo, các bác sỹ tự bảo ban nhau thực hiện công việc?”. Bác sỹ Tình cho biết đơn nguyên chỉ là một bộ phận nhỏ, không phải là một khoa. HĐXX tiếp tục truy ông Tình: “Nếu khi Trưởng khoa đi vắng, làm cách nào ông nắm bắt được công việc của khoa?”, ông Tình trả lời do bận đi học nghiên cứu sinh nên không thể nắm được hết, trong khi công việc ở đơn nguyên hồi sức tích cực lại nhiều.

Từ những câu trả lời của bị cáo Khiếu và ông Tình, HĐXX đặt nghi vấn có sự “buông lỏng quản lý” tại Khoa Hồi sức tích cực và đơn nguyên thận nhân tạo. Trước nghi vấn này, bác sỹ Tình cho rằng về mặt chuyên môn, các bác sỹ và điều dưỡng tại đơn nguyên thận nhân tạo đã đáp ứng được công việc (trong đó có 3 bác sỹ: Hoàng Công Lương, Nguyễn Mạnh Linh, Phạm Thị Huyền).

HĐXX cho rằng ông Tình không thể nại ra lý do vì đi học hay vì quá bận bịu để cho rằng mình không thể làm được. Chủ tọa Nghiêm Hoài Anh nói: “Trưởng khoa kiêm nhiệm thì cho rằng mình kiêm nhiệm nhiều việc nên không có mặt thường xuyên, chỉ dành thời gian 30 - 40%, nên giao cho Phó khoa. Phó khoa thì cho rằng mình chỉ phụ trách đơn nguyên hồi sức tích cực, không biêt đơn nguyên thận nhân tạo do ai quản lý, ai là người chịu trách nhiệm. Vậy trách nhiệm của lãnh đạo khoa là như thế nào?”.

HĐXX đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể khoa Hồi sức tích cực đối với sự cố ngày 29/05/2017. Ông Tình trả lời “không có lỗi gì và không có trách nhiệm gì đối với sự cố này”, kể cả bản thân ông và cán bộ của khoa. Ông Tình nói: “Tôi thấy rằng tôi và các cán bộ đơn nguyên thận nhân tạo không có trách nhiệm gì trong sự cố này”, ông Tình khẳng định lại một lần nữa. “Tôi chỉ tiếc là mình không cứu được hết các bệnh nhân xấu số”./.

Trọng Phú/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/vu-an/vu-an-chay-than-luat-su-bat-ngo-cong-bo-bang-chung-dau-doc-866772.vov