Vụ án cano Cần Giờ: Cần đình chỉ vụ án và tôn trong quyền con người

'Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng, nhưng mọi hoạt động tố tụng cần phải tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật, không lạm dụng quyền lực để làm sai. Khi không chứng mình được tội phạm thì phải đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can và phải tôn trọng quyền con người', VCCI nêu.

Ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Việt Séc 5 năm ròng mang thân phận bị can - Ảnh: Báo GDVN

Ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Việt Séc 5 năm ròng mang thân phận bị can - Ảnh: Báo GDVN

Liên quan đến vụ án chìm cano Cần Giờ, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (LSBRVT) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao kiên quyết chỉ đạo các cơ quan tố tụng TP.HCM đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.

Trong văn bản, Đoàn Luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu (LSBRVT) nêu, ngày 2.8.2013, tại vùng biển Cần Giờ (TP.HCM) xảy ra vụ chìm ca nô, phương tiện gây tai nạn thuộc quyền quản lý và sử dụng của lực lượng vũ trang (biên phòng tỉnh BRVT).

Tàu gây tai nạn BP 12-04-02 đã được cơ quan đăng kiểm có thẩm quyền đăng kiểm (Phòng đăng kiểm Hải quân) cho phép đưa vào sử dụng. Nguyên nhân tai nạn được các cơ quan chuyên môn và cơ quan tố tụng xác định là do chở quá người và gặp thời tiết xấu, nhưng do tài công đã mất trong vụ tai nạn nên cơ quan tố tụng không khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”.

Vụ án tai nạn giao thông nói trên với các nguyên nhân, chủ phương tiện, đăng kiểm phương tiện đã được các cơ quan pháp luật, hôi đồng giám định Bộ GTVT xác định rõ ràng. Thế nhưng cơ quan cảnh sát điều tra, VKSND TP.HCM và những người có thẩm quyền tố tụng lại khởi tố, truy tố ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết, là 2 lãnh đạo của Công ty Việt Séc (công ty sản xuất phương tiện) tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

Việc cơ quan tố tụng đến nay không đình chỉ điều tra vụ án khi đã hết thời hạn điều tra mà vẫn không chứng minh được tội phạm theo Khoản 6 Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2003 dẫn đến án oan cho người vô tội. Bản kết luận điều tra được ban hành vào 12.9.2014, khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra là một quyết định tố tụng trái pháp luật và không thể dùng làm căn cứ buộc tội công dân.

Dư luận xã hội và báo chí, các cơ quan Nhà nước, cộng doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm đến vụ án này. Trong gần 5 năm qua, đã có nhiều văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Thành ủy, Bộ Công an, VKSND tối cao… nhưng đến nay vụ án vẫn dậm chân tại chỗ.

Đoàn luật sư tỉnh BRVT và nhiều chuyên gia luật khẳng định việc khởi tố hai bị can theo điều 214 Bộ luật Hình sự là không có căn cứ, là một vụ án oan nhưng những người có thẩm quyền trong vụ án này vẫn không xem xét giải quyết đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can để giải quyết dứt điểm theo các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội…

Với trách nhiệm là một tổ chức nghề nghiệp bảo vệ quyền lợi của thành viên, Đoàn LSBRVT đã có nhiều văn bản kiến nghị, nhưng những người có trách nhiệm không làm việc với đại diện của Đoàn Luật sư.

Vụ án khởi tố ngày 4.9.2013, được Viện Kiểm sát gia hạn hai lần và phải kết thúc điều tra ngày 4.9.2014, trong thời hạn điều tra cho phép Cơ quan điều tra không thể “làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội” thì cần phải đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật về tạm đình chỉ điều tra tại Điều 229 và Điều 230 của BLTTHS thì vụ án này không thuộc các trường hợp tạm đình chỉ điều tra mà cần phải đình chỉ điều tra. Việc đình chỉ điều tra phải thực hiện theo Điểm b, Khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015: “Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.”

Bên cạnh đó, Điều 13 Bộ LTTHS về suy đoán vô tội nêu rõ: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ được căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục như Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Việc vụ án kéo dài khi không có căn cứ buộc tội ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đoàn LSBRVT đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo Công an TP.HCM, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Vũ Văn Đảo, không để kéo dài thời gian giải quyết vụ án oan này lâu hơn nữa.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa có văn bản cho rằng không có quy định nào của pháp luật cho phép cơ quan tố tụng vi phạm về thời hạn điều tra và ngâm một vụ án tới 5 năm. Các cơ quan tố tụng, các chuyên gia luật đã chỉ ra hàng loạt vi phạm trong quá trình khởi tố, điều tra vụ án và đây là nguyên nhân dẫn đến một vụ án oan gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang cải thiện.

“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng nhưng mọi hoạt động tố tụng cần phải tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật, không lạm dụng quyền lực để làm sai. Khi không chứng mình được tội phạm thì phải đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can và phải tôn trọng quyền con người”, VCCI nêu.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/vu-an-cano-can-gio-can-dinh-chi-vu-an-va-ton-trong-quyen-con-nguoi-84199.html