Vụ án bắt cóc đòi nợ ở TP.HCM: Bị Hại và bị cáo cùng chung quan điểm

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, cả bị hại và bị cáo đều kháng án bởi cho rằng vụ án còn nhiều đối tượng liên quan chưa được điều tra, xử lý và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Bắt cóc để… đòi tiền

Tháng 6/2018, TANDTP.HCM đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án lần 2 “Bắt giữ người trái pháp luật và Cưỡng đoạt tài sản”. Qua quá trình xét xử, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Miên (SN 1968, quê Nam Định) 10 năm 9 tháng tù, đồng thời bồi thường 800 triệu đồng đã cưỡng đoạt trước đó của bị hại là bà Nguyễn Thị Phương Nam (SN 1971, ngụ quận 4, TP.HCM).

Bị cáo Miên

Tuy nhiên, lạ một điều là sau khi phiên tòa kết thúc, cả bị cáo Miên và bị hại là bà Nam đều có chung quyết định kháng án. Họ kháng án không phải vì không đồng ý với quyết định của Tòa, mà bởi vì cả hai đều cho rằng còn nhiều đối tượng liên quan trong vụ án chưa được điều tra và đưa ra xét xử. Đặc biệt phải kể tới Lê Thị Thảo (SN 1979, ngụ quận 4, TP.HCM), người được cho là chủ mưu trong việc bắt cóc bà Nam nhưng lại “thoát tội” một cách khó hiểu.

Theo hồ sơ, bà Nam và Thảo có mối quen biết làm ăn từ năm 2008.Tới năm 2010, bà Nam còn nợ Thảo 4,5 tỷ đồng kèm lãi suất cao. Sau thời gian dài không thu hồi được khoản nợ từ bà Nam, Thảo nhờ Trần Văn Hinh đòi nợ giúp. Hinh đã cùng bị cáo Miên, Lưu Quang Ngọc Đức (lái xe của bà Thảo) phối hợp với Thảo thực hiện quá trình đòi nợ.

Cụ thể, sáng ngày 10/12/2010, Miên tới nhà bà Nam để đòi nợ nhưng không gặp. Miên đã cho bảo vệ chung cư số điện thoại cùng 100 nghìn đồng để nắm bắt hành tung của bà Nam. Chiều cùng ngày, sau khi nhận được điện thoại của bảo vệ báo bà Nam đi ra ngoài, Miên đã bám theo sau đồng thời gọi điện thông báo cho Thảo.

Nhận tin báo, Thảo thực hiện đón đầu đường đi của bà Nam. Khi xe bà Nam tới ngà tư Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TP.HCM), Miên đã áp sát xe, yêu cầu bà Nam xuống xe và lên xe Thảo đậu gần đó. Sau khi bị ép lên xe, Thảo bắt bà Nam trả nợ. Vì không có tiền, bà Nam đề nghị trả mỗi tháng 50 triệu đồng nhưng Thảo không chấp nhận. Đòi tiền không thành, nhóm của Thảo không cho bà Nam xuống xe mà đưa bà Nam tới một nhà nghỉ ở quận 12 để tiếp tục bắt bà Nam trả nợ. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, theo thông tin từ bà Nam, nhóm của Thảo đã uy hiếp nếu bà Nam không trả nợ sẽ cắt tai.

Đến khoảng 20 giờ tối, vẫn không đòi được nợ từ bà Nam, nhóm của Thảo tiếp tục bắt bà Nam lên xe và di chuyển tới nhà của Hinh ở Đồng Nai. Do lo sợ nhóm của Thảo có thể thực hiện những hành động gây nguy hiểm tới mình, bà Nam đã thống nhất với Thảo sẽ trả số nợ 4,5 tỷ đồng tiền gốc, kèm với lãi suất 2% mỗi tháng. Tới ngày 15/12, bà Nam đã vay mượn nhiều nơi qua đó đưa cho người thân của Thảo 3,5 tỷ đồng.

Những tưởng sẽ được nhóm Thảo “trả tự do” sau nhiều ngày, tuy nhiên do còn 1 tỷ đồng chưa trả, bà Nam tiếp tục bị Miên đưa tới khu nghỉ dưỡng Phương Nam (tỉnh Bình Dương). Tại đây, Miên uy hiếp, bắt bà Nam phải trả tiếp cho bà Thảo số tiền từ 500-700 triệu mới thả cho về. Đến ngày 17/10, bà Nam nhờ người chuyển vào tài khoản của Miên 800 triệu đồng. Sau khi tiền vào tài khoản, Hinh đã chở bà Nam về TP.HCM sau tròn một tuần bị “giam lỏng, uy hiếp”.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm!?

Sau khi về tới TP.HCM, bà Nam đã làm đơn cầu cứu tới Bộ Công an. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra đồng thời triệu tập nhóm đối tượng để làm rõ hành vi Bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản”. Tháng 5/2015, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố Trần Văn Miên (50 tuổi ngụ ở Nam Định) về 2 tội “cưỡng đoạt tài sản” và “bắt, giữ người trái pháp luật”; Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức bị truy tố tội “bắt, giữ người trái pháp luật”.

Đơn tố cáo

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm tháng 6/2015, TAND TPHCM chỉ tuyên phạt bị cáo Miên 1 năm tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật” và 12 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Các đối tượng khác đặc biệt là bà Thảo lại bình yên vô sự một cách khó hiểu. Nhận thấy cấp sơ thẩm có nhiều sai sót, vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, TAND Cấp cao tại TPHCM đã mở phiên xét xử phúc thẩm qua đó tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại từ đầu.

Trong quá trình điều tra lại, ngày 06/09/2016, cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã ký Quyết định số 359/C45-P7 và 360/C45-P7 khởi tố bị can đối với Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”. Trong hồ sơ, C45 cũng nhiều lần cho rằng vụ án có dấu hiệu phạm tội có tổ chức nhưng, không hiểu vì lý do gì, chỉ ít tháng sau, CSĐT- Bộ Công an lại ra Quyết định số 10 và 11/C45-P7 ngày 28/12/2017, quyết định đình chỉ điều tra với hai bị can là Lê Thị Thảo và Nguyễn Anh Đức với lý do “không còn nguy hiểm cho xã hội”.

Trao đổi với PV, luật sư phía bị hại cho rằng, lý do đình chỉ bị can là thiếu căn cứ. Hơn hết việc Tòa kiến nghị C45 xem xét hành vi của những người liên quan, nhưng lại không trả hồ sơ cho VKS yêu cầu truy tố là thiếu khách quan, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Được biết, ngày mai 23/10, TAND Cấp cao TP.HCM sẽ tiến hành xét xử Phúc thẩm vụ án. Tuy nhiên, bị cáo lần này cũng chỉ có một, là Miên. Dù vậy, phía luật sư bị hại đã có kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. giám sát quá trình tố tụng, đồng thời yêu cầu Bộ Công an và VKSNDTC, TANDTC thanh tra lại quá trình điều tra, truy tố vụ án. Đặc biệt, phía Luật sư bị hại còn có kiến nghị khẩn đề nghị chỉ đạo xét xử Phúc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án sơ thẩm, đồng thời trả hồ sơ để điều tra lại toàn bộ vụ án.

Thiết nghĩ, những kiến nghị, mong muốn trên của phía bị hại là hoàn toàn có căn cứ, cơ sở. Bởi lẽ, có nhiều vấn đề còn chưa được làm rõ trong quá trình điều tra, xét xử vụ án.

Theo đó, dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao TAND đã trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần nhưng cơ quan điều tra vẫn không điều tra một cách dứt điểm khiến vụ án kéo dài gần 10 năm nay. Hơn nữa, vì sao lại đình chỉ truy tố bị can là nhân tố quan trọng trong vụ án dù bị hại đã làm đơn cầu cứu lên cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao về sự việc trên.

Khỏe 365 sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Quang Thanh

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/vu-an-bat-coc-doi-no-o-tphcm-bi-hai-va-bi-cao-cung-chung-quan-diem-53682.htm