Vụ ám sát thủ lĩnh quân sự Donetsk: Ai là người hưởng lợi?

Thủ lĩnh tiểu đoàn Sparta với biệt danh “Motorola” một trong những chỉ huy quân sự cao nhất của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine Arseny Pavlov thiệt mạng do vụ nổ bom tự chế tại thang máy.

Thủ lĩnh tiểu đoàn Sparta với biệt danh “Motorola” một trong những chỉ huy quân sự cao nhất của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine thiệt mạng hôm 16/10

Hiện tại có ba giả thiết được đặt ra cho kịch bản ám sát trên .

Giả thiết đầu tiên đó là vụ giết người được thực hiện bởi một nhóm trinh sát - tình báo Ukraine. Đây cũng là tuyên bố được đưa ra trên kênh truyền hình NTV của người đứng đầu nước Cộng hòa Nhân dân Donestk tự xưng (DPR) Alexander Zakharchenko.

Ông này cho biết: "Chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc điều tra để tìm ra không chỉ những kẻ thực hiện vụ giết người mà đồng thời còn tìm ra những người đặt hàng vụ đánh bom này". Chính quyền DPR tiết lộ quả bom đã được kích nổ từ xa và cáo buộc nhóm trinh sát- tình báo Ukraine chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra tại Donetsk.

Giả thiết thứ hai: vụ ám sát Arseny Pavlov được thực hiện bởi các chiến hữu của ông này. Tối 16/10, trên trang Facebook cá nhân của mình, người phát ngôn Bộ Nội vụ Ukraine - Artem Shevchenko viết: "Tên khủng bố Arseny Pavlov biệt danh " Motorola " dường như đã bị tiêu diệt bởi chính những kẻ đồng lõa theo con đường quốc tế hóa chủ nghĩa khủng bố thù ghét loài người như hắn ta".

Giả thiết thứ ba cho rằng đây là hành động khủng bố được thực hiện bởi các thành viên của tổ chức chủ nghĩa dân tộc cực đoan Misanthropic Division.

Một đoạn video của các thành viên nhóm này được đăng tải trên mạng, trong đó xuất hiện 4 người đàn ông đội mũ bịt mặt cầm vũ khí trong tay, đằng sau là lá cờ của Ukraine và cờ của tổ chức này. "Đoạn video này được ghi lại ở Donetsk, nơi chúng tôi vừa tiến hành thanh toán tên khủng bố khét tiếng biệt danh Motorola". Lời đe dọa tiếp theo được gửi đến cho lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng là DPR và LPR (Cộng hòa Nhân dân Lugansk), mà theo như bọn khủng bố thì mục tiêu kế tiếp sẽ là các thành viên của hai nước cộng hòa này. Đoạn video kết thúc bằng kiểu chào Sieg của phát xít.

Theo Ủy ban Điều tra Nga, thủ lĩnh của tổ chức Misanthropic Division là một công dân của Belarus có tên là Dmitry Pavlov, hiện đang bị truy tố trong một vụ án hình sự với tội danh liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và tư tưởng phục hồi chủ nghĩa phát xít,..

Ủy ban này tiết lộ: "Điều tra cho thấy, Dmitry Pavlov đã thành lập hội liên hiệp dân tộc chủ nghĩa Misanthropic Division vào tháng 10/2013, với mục đích tăng cường vị thế của mình trước những người theo chủ nghĩa dân tộc, cũng như kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh các sản phẩm mang tính biểu tượng của hội này. Tuy nhiên từ sự kiện cách mạng ở Ukraine vào năm 2014, các hoạt động của tổ chức này mang tính chất quốc tế và trở nên triệt để hơn. Các cơ sở của nó được mở rộng ra ở 19 quốc gia, trong đó bao gồm Nga, Belarus và Ukraine, Đức, Pháp, Ba Lan, Anh và các nước châu Âu khác".

Cũng theo điều tra của Ủy ban này, thì Dmitry Pavlov đã xâm nhập lãnh thổ Cộng hòa Liên bang Đức vào mùa hè năm nay.

"Nhiệm vụ của các cơ sở di động của tổ chức này là tham gia sự kiện EuroMaidan (Biểu tình ủng hộ liên minh Châu Âu-một làn sóng biểu tình ở Ukraine bắt đầu từ đêm 21/11/2013), cũng như tham dự cuộc chiến phía đông Ukraine.

Bên cạnh đó, các cơ sở này còn truyền bá tư tưởng của Bandera (nhà hoạt động chính trị Ukraine và nhà lãnh đạo của phong trào dân tộc và độc lập của Ukraine - có tư tưởng đang gây tranh cãi ở nhiều nước), chủ nghĩa dân tộc cực đoan và lực lượng vũ trang Ukraine ("lực lượng cánh hữu", trung đoàn Azov), kêu gọi các thành phần gia nhập hàng ngũ của họ".

Nhóm Bộ tứ Normady gồm Tổng thống Nga Putin, tổng thống Pháp Hollande, Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Ukraine Poroshenko

Âm mưu cưỡng ép ngoại giao với thế giới?

Dù cho giả thiết nào ở trên là đúng thì đều mang hiệu quả. Giờ đây có thể thấy rõ ràng động cơ chính của hành động khủng bố này là chính trị. Vụ ám sát "Motorola" là một mắt xích trong chuỗi các sự kiện mà mục tiêu cuối cùng là dẫn đến việc phá vỡ tiến trình hòa bình Minsk.

Lãnh đạo LPR (Cộng hòa Nhân dân Lugansk), Igor Plotnitsky tuyên bố rằng "toàn bộ chuỗi các sự kiện xảy ra tại DPR và LPR, không phải là tình cờ, nó được kết nối với nhau, và được thực hiện nhất quán theo chính sách của Kiev."

Vị thế của Kiev liên quan đến việc thực hiện các thỏa thuận Minsk giờ đây đã rất được củng cố.

Đầu tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Đức và Pháp, ông Frank-Walter Steinmeier, và ông Jean-Marc Ayrault, đã đề ra kế hoạch thực thi thỏa thuận Minsk với Kiev, gần như hoàn toàn trùng khớp với đề xuất của Nga.

Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng, Kiev nên thực hiện các biện pháp chính trị của thỏa thuận mà không cần phải chờ cho đến khi giải trừ hoàn toàn các khu vực Donetsk và Lugansk trong phạm vi lãnh thổ của mình.

Kiev vẫn kiên quyết đòi tiến hành các biện pháp theo cách khác - đầu tiên là đình chỉ các hoạt động quân sự liên quan đến việc thu hồi và giải trừ quân bị của các nhóm vũ trang bất hợp pháp, tiếp theo là kiểm soát lãnh thổ các vùng Donetsk và Lugansk tại khu vực biên giới Nga-Ukraine, rồi sau đó mới ra lệnh ân xá và tổ chức bầu cử.

Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin thì cho rằng, việc giải quyết cuộc xung đột dân sự phải được tiến hành "ít nhất là song song". Nếu đề nghị của Tổng thống Nga không được thực hiện thì các cư dân của Donbass không chắc chắn liệu họ có bị truy tố hay bị bắt ngồi tù với tội danh "ly khai". Trả lời phỏng vấn của các nhà báo bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), ông Putin cho biết hiện các bên vẫn chưa chắc chắn về quyền lợi của họ, và cũng không đảm bảo việc thực thi luật pháp về tình trạng đặc biệt ở Donbass có được củng cố trong hiến pháp hay không.

Có vẻ như Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko có một vị thế thấp đối với các thành viên trong EU. Do đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mời những người đồng cấp – Tổng thống Putin và Tổng thống Hollande cùng ông Poroshenko tới dự bữa tối thân mật để thảo luận về tiến trình hòa bình ở Ukraine vào ngày 19/10.

Phản ứng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Ukraine đối với lời mời được cho là tiêu cực, tuy nhiên ông này vẫn chưa chính thức nhận lời mời từ Thủ tướng Đức. Cho đến giờ, tình hình liên quan đến bữa tối tại Berlin vẫn chưa rõ ràng.

Trong tình huống này, một sự kiện bất kỳ cũng có thể trở thành bước ngoặt. Vụ ám sát "Motorola" có thể kích hoạt một cuộc xung đột vũ trang. Và "tiến trình hòa bình" có thể được bàn bạc theo hướng nào trong cuộc thảo luận tại Berlin?

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-am-sat-thu-linh-quan-su-donetsk-ai-la-nguoi-huong-loi-post211847.info