Vụ ám sát Suleimani dưới góc nhìn của chuyên gia Nga

Xin trích đăng bài của nhà báo Alexander Timokhin trên báo Bình luận quân sự (Nga) để độc giả tham khảo.

Kassem Suleimani

Kassem Suleimani

Ngày 2 tháng 1 năm 2020, Kassem Suleimani đã bị sát hại ở Baghdad. Sự kiện này phải được tìm hiểu và rút ra kết luận đúng đắn, và còn cấp bách nữa bởi vì nó có mối quan hệ trực tiếp nhất với tương lai của chúng ta (Nga).

Công chúng trong nước cho đến giờ cũng chỉ biết bị giết hại là một viên tướng Iran. Chính thức thì đó là một vị tướng Iran, nhưng ngay từ năm 2009, ông ta đã có thể bãi nhiệm tổng thống Iran, tất nhiên là không phải ông ta một mình làm việc đó.

Về hình thức, ông chỉ huy của một phần lực lượng đặc biệt của Iran. Nhưng trên thực tế, ông đã kiểm soát một đế chế tài chính xuyên quốc gia khổng lồ, đủ để tài trợ cho toàn bộ cỗ máy chiến tranh Iran ở Trung Đông mà không nhận một khoản tiền nào từ ngân sách của nhà nước.

Và một mạng lưới khổng lồ gồm các đội quân phi quốc gia, ví dụ như Hezbollah. Ngay cả những người theo đạo Kitô giáo cũng chiến đấu vì ông ta, và ông ta có thể lôi kéo cả những kẻ thù nguy hiểm của Iran và tất cả người Shiite trên thế giới – lực lượng Al-Qaeda.

Đúng là về vị thế chính thức thì Kassem Suleimani không bằng nhiều người ở Iran. Nhưng trên thực tế, ông đã từng ra lệnh cho các tổng thống nước ngoài như là ra lệnh cho cấp dưới của mình - và họ đã ngấm ngầm thực hiện chúng.

Ở Iran, chỉ Ayatollah Khamenei mới có thể phế truất ông ta, nếu muốn. Nhưng ông không muốn, vì Suleymani là một anh hùng dân tộc sẽ được nhớ đến trong nhiều năm sau này

Ông là người cai trị Iraq và chỉ đạo chiến tranh ở Syria cùng một lúc, là người đích thân làm quen với Bashar al-Assad và với Vladimir Putin. Là bạn của Hassan Nasrallah.

Ở Iran, ông được cho là người có ý tưởng kêu gọi Nga đến Syria. Điều này, rõ ràng là không đúng, nhưng với tính cách Suleymani, hoàn toàn có cơ sở cho những lời đồn đại như vậy.

Suleymani sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Iran nếu ông muốn. Nhưng đã có lúc ông từ bỏ sự nghiệp chính trị của mình với câu nói: "Tôi muốn mình chỉ là một người lính của cách mạng".

Ông là người tìm kiếm hòa bình với Mỹ và đã dẫn dắt Iran thành công trong việc tiến tới hòa bình, và sau đó lại trở thành người tiêu diệt số lượng lính Mỹ lớn nhất, chỉ sau Việt Nam. Và ông làm điều đó không phải chỉ do ý chí của riêng mình.

Ông đã phá tan các kế hoạch của Mỹ ở Iraq và đã chiến đấu cho sự tái sinh của Đế chế Ba Tư và gần như đã chiến thắng.

Ông bị ám sát bởi loại vũ khí được thiết kế đặc biệt cho những vụ giết người bí mật. Đây là loại vũ khí vô dụng trong chiến tranh, nhưng lại rất hiệu quả cho những vụ thủ tiêu bí mật những người không có khả năng tự vệ. Đây là loại vũ khí biểu tượng cho Hoa Kỳ.

Và trong cái chết của ông có thể rút ra nhiều bài học.

Vị chỉ huy trong bóng tối

Sau khi tham chiến với Iraq với tư cách là một sĩ quan cấp dưới, Suleymani nổi bật lên ở sự can đảm và khả năng quân sự đến mức có sự thăng tiến phi thường trong sự nghiệp. Sau khi gia nhập Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo ở tuổi 22, lúc 30 tuổi, ông đã chỉ huy một sư đoàn.

Sau đó, vào những năm 80, ông là một trong những sĩ quan đầu tiên ở Iran đã lên tiếng chống lại những phương pháp chiến tranh "phung phí" do người Iran thực hiện. Có thể điều này đã ảnh hưởng đến phong cách hoạt động của ông sau này.

Iran liên tục rơi vào các lệnh trừng phạt, nên không có tiền chi cho các cuộc chiến lớn. Cách hợp lý nhất và quan trọng nhất, phù hợp với mô hình văn hóa địa phương là phải tạo ra các lực lượng có khả năng tiến hành một cuộc chiến bất thường, làm kiệt sức và làm tổn thương kẻ thù.

Cơ sở lý tưởng cho các lực lượng như vậy là một đơn vị mà báo chí vẫn gọi một cách nhầm lẫn sang tiếng Ả Rập là “Al-Quds”. Trên thực tế, ở Farsi, nó được gọi là “Cods”, có nghĩa tương tự như “Jerusalem”.

Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến với Iraq, “Cods” đã tiến hành một cuộc chiến bất thường ở Kurdistan, Iraq và kể từ năm 1982 bắt đầu các hoạt động phá hoại chống Israel ở Lebanon. Sau đó, Hezbollah đã được thành lập, khống chế tình trạng chống Israel và chống Kitô giáo ở Lebanon sau các sự kiện năm 1982.

Sau cuộc chiến với Iraq, “Cods” cần phải chuyển sang một cấp độ mới, vì thế cần phải có một vị chỉ huy mới.

Năm 1998, Suleimani trở thành vị chỉ huy đó. Ông không chỉ chiến đấu trong cuộc chiến Iran-Iraq và trong các hoạt động chống lại phiến quân người Kurd ở Iran, mà còn hoạt động trong khuôn khổ cuộc chiến tranh ma túy với quy mô lớn và đẫm máu ở biên giới Afghanistan.

Sau khi được thăng chức, Suleimani dần dần mở rộng các hoạt động chống Saddam ở Iraq, cũng như các hành động lật đổ chống lại phong trào Taliban ở Afghanistan. Ông cũng tăng cường đáng kể mối quan hệ của “Cods” với phong trào Hezbollah, tăng cường thêm sự hỗ trợ của Iran cho phong trào này, kể cả việc hỗ trợ về người.

Nhưng sự thăng tiến nhnh chóng trong sự nghiệp khiến ông trở thành một trong những người cai trị bất thành văn của thế giới người Shiite nhờ vào Mỹ. Vì chính cuộc đấu tranh với Mỹ đã khiến ông trở thành con người như vậy.

Sau sự kiện 11/9/2001, Nga đã cung cấp nhiều hỗ trợ khác nhau cho Hoa Kỳ trong các hoạt động tại Afghanistan. Nhưng ít người biết rằng Iran cũng cung cấp những hỗ trợ tương tự.

Chính Suleimani, người được Mỹ khi đó gọi là Haji Kassem, chịu trách nhiệm tương tác với Hoa Kỳ. Chính Iran đã cung cấp cho Hoa Kỳ thông tin chi tiết nhất về vị trí của các căn cứ và đơn vị Taliban trên lãnh thổ Afghanistan.

Suleimani thậm chí còn thực hiện các vụ bắt giữ các thành viên của Al-Qaeda ở Iran và bàn giao họ tới Afghanistan. Những nhân viên Mỹ từng làm việc với người Iran sau này nhớ lại, đó là một sự hợp tác rất có lợi cho Mỹ.

Mọi thứ đã thay đổi đáng kể vào tháng 1 năm 2002, khi Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tuyên bố Iran là một phần của trục ác quỷ trong thông điệp hàng năm của ông gửi Quốc hội.

Điều này đã gây sốc cho người Iran, những người đã coi Hoa Kỳ là đồng minh trong cuộc chiến chống Taliban. Đối với bản thân Suleimani, đây cũng là một vấn đề bởi vì theo một nghĩa nào đó, ông đã đặt niềm tin vào người Mỹ. Nhưng bây giờ họ lại làm trò ảo thuật như vậy.

Năm 2003, quân đội Mỹ đã nghiền nát Iraq. Iran đã không phản đối sự sụp đổ của kẻ thù truyền kiếp, trong khi cuộc xâm lược đã cướp đi gần nửa triệu sinh mạng người dân Iraq. Hơn nữa, sau khi Mỹ chiếm đóng Iraq, Iran dưới sự lãnh đạo của Suleymani lại liên lạc với các đối tác cũ của họ.

Bây giờ thì nỗi sợ hãi cũng đã được cảm nhận trong hành vi của họ. Dường như họ cũng đã thấy rõ rằng đất nước của họ sẽ là đối tượng tiếp theo, và vào thời điểm Mỹ xâm chiếm Iraq, việc đó đã được lên kế hoạch.

Ít người biết rằng chính phủ chiếm đóng đầu tiên ở Iraq là do người Mỹ dựng lên, có sự tham gia của Kassem Suleimani. Ông tham gia tuyển chọn các ứng cử viên và kết nối họ với người Mỹ.

Năm 2004 là năm mà người Iran đánh giá lại tình hình. Bây giờ mọi chuyện đã được nhìn nhận theo chiều hướng khác: Hoa Kỳ đang bị sa lầy trong hai cuộc chiến.

Sau khi thấy không thể hợp tác với người Mỹ, một chiến lược khác đã trở nên hợp lý hơn – phải làm cho Mỹ bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh du kích. Và thế là “Cods” ngay lập tức được thiết lập để hoạt động.

Người của Suleymani đã đào tạo ồ ạt các nhóm Shiite độc lập khác nhau và bắt đầu tấn công người Mỹ và những người bảo vệ Iran trong chính phủ Iraq đang phá hoại các nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục trật tự. Trong vòng 1 năm, người Iran đã dấy lên một làn sóng kháng chiến mạnh mẽ.

Họ cũng tìm cách chống lại phiến quân. Ví dụ, người Mỹ đã sử dụng rộng rãi loại xe bọc thép được bảo vệ tránh các vụ nổ và vũ khí nhỏ, chống được mìn và các cuộc phục kích.

Những chiếc xe này đã hoạt động hiệu quả và trở thành một vấn đề đối với người Iraq. Nhưng phía Iran đã nhanh chóng tạo ra các loại mìn cơ động và tiếp tế cho Iraq. Những quả mìn này dễ dàng tấn công những chiếc xe bọc thép khổng lồ của Mỹ và cướp đi sinh mạng của hàng trăm binh sĩ Mỹ. Và đây cũng chính là tác phẩm của Suleimani.

Hoạt động của Suleimani ở Iraq có hiệu quả mang tính chuyên nghiệp. Người Mỹ tìm cách truy bắt ông nhưng vô ích.

Ngoài cuộc chiến làm suy yếu nước Mỹ, Suleimani còn làm những việc nhằm không để cho một chính phủ nào nổi lên ở Iraq đủ mạnh có khả năng đe dọa Iran, và việc đó cũng thành công.

Năm 2011, Hoa Kỳ chính thức chấm dứt chiếm đóng Iraq, giảm thiểu sự hiện diện của họ ở đất nước này. Không còn câu chuyện về cuộc xâm lược Iran, và chính Iraq đã thành lập lực lượng dân quân, có thể dễ dàng đánh bại quân đội Iraq chính thống, trong khi chính phủ Iraq được trực tiếp chỉ đạo từ Tehran, và chính Sulejmani là người chỉ đạo việc này.

Song song với việc tiến hành chiến tranh, Suleimani đã tạo ra cơ sở kinh tế cho các hoạt động của mình. Ông đặt các ngân hàng và nguồn cung cấp dầu mỏ ở Iraq dưới sự kiểm soát của mình, và đảm bảo cho đế chế quân sự của mình khả năng tự cấp vốn.

Sự bùng nổ của cuộc chiến khủng bố trong khu vực khiến Suleimani lại càng có vai trò lớn hơn. Ở Syria, “Hezbollah” của Lebanon, đứa con tinh thần của “Cods”, được Suleimani huấn luyện, đã trở thành những đơn vị có khả năng chiến đấu cao nhất. Tại một thời điểm nhất định, Suleimani là người kiểm soát tất cả các cuộc chiến ở Iraq và Syria cùng một lúc.

Khi Nga xuất hiện ở Syria, người Mỹ ở Iraq bắt đầu kìm chế Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant, và Suleymani một lần nữa đã thành công. Mọi người đều biết về vai trò của Không quân Nga, nhưng ít người biết rằng cho đến năm 2016, gần như toàn bộ cuộc chiến trên mặt đất đã bị Iran "loại bỏ" - quân đội Syria đã mất hiệu lực chiến đấu gần như hoàn toàn.

Nhìn chung, trong thành công của cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, vai trò của những người đi theo Suleymani tương đương với vai trò của Nga. Nga đã có thể tạo ra lực lượng mặt đất của riêng mình ở đất nước này không bị Iran kiểm soát, nhưng khi Nga bắt đầu sự can thiệp vào cuộc xung đột, mọi thứ đã khác.

Và nếu trong ý thức cộng đồng của chúng ta (người Nga-ND), biểu tượng của sự đột biến Syria là chiếc máy bay ném bom với những ngôi sao đỏ vẽ trên đó, thì ở Iran đây là bức chân dung của Kassem Suleimani, với tư cách là người chỉ huy

Kassem Suleimani bị ám sát trong bối cảnh mà bản thân ông cũng như tổ chức của ông trong một thời gian dài không hề tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào chống lại Hoa Kỳ và Hoa Kỳ trong một thời gian dài cũng không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào chống lại lực lượng Iran.

Trên thực tế, ông không hề trốn tránh, mà đàng hoàng bay đến sân bay Baghdad bằng máy bay, rồi đàng hoàng lên xe đi vào thành phố.

Chính người Mỹ đã dựng lên lý do khác đi cho vụ ám sát Suleimani. Cần phải hiểu rằng đây là những lời dối trá.

Kassem Suleimani đã bị giết bởi một quả tên lửa, được người Mỹ gọi một cách không chính thức là "Ninja" – tên lửa Hellfire 9X. Đặc điểm của loại tên lửa này là thay vì đầu đạn bằng chất nổ, nó sử dụng 6 lưỡi dao sắc đủ dài để khi bắn vào một chiếc xe con, nó sẽ cắt thành từng mảnh tất cả những người ngồi trong cabin.

Loại vũ khí này, được chế tạo ra dành riêng cho các vụ giết người, còn trong một cuộc chiến với kẻ thù thực sự thì không có tác dụng. Những quả tên lửa như vậy không thể bắn thủng xe bọc thép. Chúng được thiết kế đặc biệt chỉ để bắn thủng xe con và giết chết những người đi trên xe.

AGM-114 Hellfire 9X

Tại sao Tổng thống Trump làm điều này?

Vào Chủ nhật, ngày 5 tháng 1, quốc hội Iraq phải quyết định: có để cho quân đội Mỹ ở nước này sau sự kiện vừa xảy ra hay không. Ông Trump hứa sẽ rút quân ra khỏi cả Iraq và Syria. Đồng thời, ông ta cần bất kỳ sự hỗ trợ nào trong quá trình luận tội đang diễn ra, và áp lực gây ra cho ông Trump thực sự đáng sợ.

Ông Trump đã cố gắng thoát khỏi Syria, nhưng tiến trình này đã bị phá vỡ. Và ông ta không thể vượt qua sự chống đối của những người theo phái bảo thủ mới.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội tiếp tục hiện diện ở Syria trở nên bất khả thi về mặt kỹ thuật? Không còn sự lựa chọn nào khác. Và ông Trump phải thực hiện lời hứa rời khỏi Iraq và Syria.

Nhưng làm thế nào để làm được điều đó? Trong hoàn cảnh như vậy, buộc phải làm một cái gì đó để chính người Iraq phải đẩy quân đội Hoa Kỳ ra khỏi đất nước của họ. Và điều đó có nghĩa là Mỹ cũng sẽ phải rời khỏi Syria, bởi vì chỉ có thể tiếp tế cho nhóm quân ở đó thông qua Iraq.

Nếu vậy, Tổng thống Trump có thể rơi vào tình trạng "mong manh". Nên phải giết một kẻ thù cũ và lấy mạng sống của người này để giải quyết các vấn đề chính trị trong nước. Tại sao không?

Có thể lý do cho vụ giết Suleymani chính xác là điều này. Vì đây là một nhân vật đáng kính nể và người Iran không thể nhắm mắt trước cái chết của ông. Rất có thể việc trục xuất lính Mỹ khỏi Iraq như một phản ứng của người Hồi giáo - đây là điều mà tổng thống Mỹ thực sự mong muốn.

Theo các phương tiện truyền thông khu vực, đã có thông tin rò rỉ rằng ông Pompeo đề nghị người Iran chỉ phản ứng một cách tương xứng và hết sức bình tĩnh về vấn đề này, rằng Hoa Kỳ đang "phá vỡ" phản ứng của Iran trong tương lai và hoàn toàn không quan tâm đến cuộc chiến. Vậy thì họ đã đạt được điều gì?

Bài học và thách thức đối với Nga.

Cái cách mà Hoa Kỳ đối xử với Iran và viên tướng của họ là một ví dụ xác nhận quy luật cuộc sống trên hành tinh này đã được lặp lại nhiều lần: không thể chung sống hòa bình với Hoa Kỳ. Về nguyên tắc là không có cách nào.

Không có sự nhân nhượng, không có sự hỗ trợ nào, không có sự ủng hộ nào buộc người Mỹ từ bỏ kế hoạch tiêu diệt những quốc gia mà họ đã “tuyên án”. Không thể thỏa thuận gì với họ, không thể nào đi đến sự hiểu biết lẫn nhau. Điều này là không thể.

Suleimani đã cố gắng, đất nước của ông ta cũng đã cố gắng. Và kết quả là như thế đó. Liên Xô cũng đã thử, nhưng cũng chẳng đi đến kết quả gì. Saddam Hussein là một vị khách được chào đón ở Hoa Kỳ vào những năm 80 - người Mỹ thậm chí còn cung cấp cả vũ khí hóa học cho ông. Song đất nước của ông ta đã bị tàn phá, những đứa trẻ vô tội bị giết hại, và bản thân ông cũng vậy.

Gaddafi đã nỗ lực rất nhiều để bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và mọi người đều biết số phận ông ta đã kết thúc ra sao, còn ở Libya ngày nay, thị trường nô lệ đã thay thế cho trường học và bệnh viện.

Assad đã cố gắng thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ, trao trả những kẻ khủng bố cho họ, chia sẻ thông tin và bắt đầu đàm phán với Israel về Golan. Kết quả như thế nào thì mọi người đã rõ.

Nga đã ủng hộ Hoa Kỳ sau sự kiện 11 tháng 9. Ngày nay, số người Nga bị giết ở Ukraine lên tới hàng ngàn người, và họ bị giết với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Có vô vàn những ví dụ như vậy.

Đây chính là bài học mà thêm một lần nữa chúng ta đã thấy trong tiểu sử của Kassem Suleimani, cũng như trước đây chúng ta cũng đã thấy trong các ví dụ khác.

Rất khó để rút ra kết luận cho tương lai. Nếu động cơ của Mỹ thực sự là những gì họ làm ra vẻ, thì Tổng thống Trump có thể thoát khỏi vũng lầy ở Trung Đông. Và rồi ông ta sẽ được cởi trói.

Hiện nay, ý tưởng thường trực của người Mỹ là muốn bao vây Trung Quốc. Nhưng sau lưng Trung Quốc đã có Nga. Nếu loại được Nga, vị trí của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ sẽ bị suy yếu đi rất nhiều.

Và điều đó không quan trọng bằng dòng suy nghĩ: cả Napoleon và Hitler đều nghĩ giống nhau, nhưng điều này không ngăn được người này lặp lại sai lầm của người kia. Người Mỹ cũng nghĩ theo cách tương tự.

Vì vậy, bàn tay của Tổng thống Trump khi được cởi trói có thể đấm vào sườn chúng ta (nước Nga-ND) – và sẽ rất mạnh. Mong muốn của ông ta có mối quan hệ tốt đẹp với Nga chỉ là lời nói, người Mỹ không thể hiểu được những gì ẩn sau những lời nói đó ngoài mong muốn chúng ta phải quy hàng.

Tuy nhiên, ý tưởng sử dụng người Nga như một thứ búa tạ để chống lại Trung Quốc và mượn tay người khác để “Giải quyết vấn đề Trung Quốc” cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Cánh tay Mỹ cần được trói chặt bởi Afghanistan, Syria và Iraq. Phải làm sao cho Hoa Kỳ bị mắc kẹt ở đó trong thời gian dài nhất có thể.

Tất cả những nỗ lực của Nga trong sự khủng hoảng do người Mỹ ám sát Suleimani gây nên là phải làm một điều đơn giản - không để cho Mỹ rời khỏi khu vực một cách nhanh chóng. Họ phải ở lại đó, phải tiêu tốn tài nguyên và tiền bạc của họ ở đó ...

Còn một điều này nữa. Nhờ vào nỗ lực của những người như Suleimani, Iran đang tích cực củng cố, và sau đây, nếu mọi thứ sẽ tiến triển như đang diễn ra, chúng ta sẽ phải đối mặt với một phiên bản mới của Đế chế Ba Tư.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng điều này là không có lợi cho Nga. Iran đã có kế hoạch bành trướng trong không gian hậu Xô Viết, và một số chương trình trong kế hoạch đó sẽ hợp tác cùng với Trung Quốc. Lượng tài nguyên kết hợp của Iran và Trung Quốc lớn hơn nhiều so với chúng ta.

Tham gia vào cuộc chơi trong một mớ hỗn độn như vậy, cuối cùng có thể khiến người Mỹ phải trả giá cho sự tàn bạo của họ trong quá khứ.

Không phải chúng ta tạo ra một thế giới được cấu trúc theo cách này. Vì vậy, chúng ta có thể và cần phải bảo vệ chính mình khỏi các mối đe dọa thực sự và trong tương lai, mà không có sự hối hận đặc biệt nào về việc này.

Đây là những gì chúng ta cần suy ngẫm liên quan đến cái chết của Kassem Suleimani.

Nguyễn Quang (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vu-am-sat-suleimani-duoi-goc-nhin-cua-chuyen-gia-nga-3394701/