Vụ ám sát nhà khoa học Iran: Nga xem là khủng bố; Chính sách của ông Biden với Tehran liệu có bị ảnh hưởng?

Ngày 29/11, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cho biết, Nga lên án vụ giết hại nhà khoa học hạt nhân của Iran Mohsen Fakhrizadeh, xem hành động này là một cuộc tấn công khủng bố nhằm mục đích kích động Iran.

Nga xem vụ ám sát nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh hôm 27/11 là một cuộc tấn công khủng bố nhằm mục đích kích động Iran. (Nguồn: AP)

Nga xem vụ ám sát nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh hôm 27/11 là một cuộc tấn công khủng bố nhằm mục đích kích động Iran. (Nguồn: AP)

Ông Leonid Slutsky viết trên Twitter rằng: "Vụ sát hại nhà vật lý Iran Fakhrizadeh là một vụ tấn công khủng bố với mục đích tạo ra hành động khiêu khích mới chống lại Tehran. Điều quan trọng là phải ngăn chặn sự leo thang căng thẳng trong khu vực".

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh: "Nga lên án vụ giết người này dù bất kể là kẻ nào đã thực hiện và bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới Iran, cũng như những người thân của nhà vật lý Fakhrizadeh".

Cùng ngày, trên mạng xã hội Twitter, hãng thông tấn nhà nước của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết, UAE lên án vụ ám sát, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế nhằm tránh đưa khu vực rơi vào trạng thái bất ổn ở một mức độ mới.

Trong khi đó, đồng minh đáng tin cậy của Mỹ là Jordan cũng đã lên án vụ ám sát, đồng thời kêu gọi các nỗ lực tập thể nhằm tránh leo thang căng thẳng tại khu vực Trung Đông.

Trong một tin liên quan, cũng trong ngày 29/11, trang mạng Daily Sabah cho biết, theo các nhà phân tích, vụ ám sát này có nguy cơ không chỉ làm gia tăng căng thẳng tại khu vực mà còn làm phức tạp nghiêm trọng kế hoạch nối lại đối thoại với nước Cộng hòa Hồi giáo của ông Joe Biden, người được truyền thông đưa tin giành chiến thắng trong cuộc bầu tử Tổng thống Mỹ 2020.

Iran đã cáo buộc Israel đang tìm cách gieo rắc "sự hỗn loạn" bằng cách sát hại nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh và ám chỉ mạnh mẽ rằng, nhà nước Do Thái đang hành động với sự “cổ vũ” của Mỹ.

Đối với một số nhà phân tích Mỹ, việc sát hại ông Fakhrizadeh là một hành động nguy hiểm có thể sẽ cắt đứt ý định đã từng được ông Biden tuyên bố về việc cung cấp cho Iran "một giải pháp đáng tin cậy trở lại với ngoại giao", ví dụ như việc hướng Mỹ tái gia nhập Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015).

Trước đó, ngày 28/11, Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cho rằng, vụ giết hại nhà khoa học của Iran là một "hành động tội phạm và rất liều lĩnh", cho rằng nó "có nguy cơ gây ra một cuộc trả đũa chết người và một vòng xoáy xung đột khu vực mới".

Ông Brennan, người lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ từ năm 2013-2017 dưới thời Tổng thống Obama và ông Biden là Phó Tổng thống, đã khuyến khích Iran "chờ đợi sự trở lại vai trò lãnh đạo có trách nhiệm của Mỹ trên trường quốc tế và chống lại các lời thúc giục trả đũa vụ tấn công”.

Trong khi đó, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về các vụ hành quyết không qua xét xử Agnes Callamard cũng bày tỏ lo ngại về vụ ám sát trên.

“Một vụ giết người có chủ đích bên ngoài lãnh thổ, không liên quan đến một cuộc xung đột vũ trang, là vi phạm luật nhân quyền quốc tế cấm tước đoạt mạng sống một cách tùy tiện và vi phạm Hiến chương LHQ cấm sử dụng vũ lực ngoài lãnh thổ trong thời bình”, bà Callamard nói.

Chuyên gia quốc phòng tại Đại học George Washington Ben Friedman cho rằng, vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân của Iran là "một hành động phá hoại các lợi ích và ngoại giao của Mỹ" và "có thể sẽ giúp ích cho những người theo đường lối cứng rắn của Iran, những người muốn có vũ khí hạt nhân".

Trong khi đó, ông Ben Rhodes, một cựu cố vấn dưới thời Tổng thống Obama, đánh giá: "Đây là một hành động thái quá nhằm phá hoại quan hệ ngoại giao giữa chính quyền sắp tới của Mỹ và Iran”. Ông nói: "Đã đến lúc sự leo thang không ngừng này phải dừng lại".

Tuy nhiên, một số nhà phân tích coi vụ sát hại ông Fakhrizadeh ở Iran là đòn bẩy cho chính quyền sắp tới của Mỹ và có thể hữu ích trong các cuộc đàm phán với Tehran.

Ông Mark Dubowitz, Giám đốc Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (FDD) cho biết: “Vẫn còn gần 2 tháng trước khi ông Joe Biden nhậm chức. Còn rất nhiều thời gian để Mỹ và Israel gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho chính quyền Iran - và tạo đòn bẩy cho chính quyền Biden".

(theo TASS, Reuters, Daily Sabbah)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-am-sat-nha-khoa-hoc-iran-nga-xem-la-khung-bo-chinh-sach-cua-ong-biden-voi-tehran-lieu-co-bi-anh-huong-130321.html