Vụ ám sát nhà khoa học Iran: Đâu là toan tính của Tehran?

Theo các chuyên gia phân tích, Iran sẽ không ngay lập tức trả đũa vụ xả súng nhằm vào nhà khoa học hàng đầu nước này do lo ngại hành động vội vã có thể sẽ kích động phản ứng quân sự quyết liệt từ Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, Iran sẽ không ngay lập tức trả đũa cho vụ ám sát nhà khoa học hàng đầu hôm 27/11. (Nguồn: New York Times)

Các chuyên gia phân tích cho rằng, Iran sẽ không ngay lập tức trả đũa cho vụ ám sát nhà khoa học hàng đầu hôm 27/11. (Nguồn: New York Times)

Iran sẽ không vội vàng trả đũa

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố sẽ “trả đũa” vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh- một vụ ám sát mà ông và các nhà lãnh đạo Iran khác đã đổ lỗi cho Israel.

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao và phân tích nói rằng họ không nghĩ Iran sẽ nhanh chóng trả đũa vụ xả súng được lên kế hoạch tỉ mỉ hôm 27/11 vừa qua nhằm vào nhà khoa học 59 tuổi Mohsen Fakhrizadeh - nhân vật quân sự cấp cao thứ hai của Iran bị ám sát trong năm nay.

Iran sẽ chờ thời cơ trả thù cho cái chết của ông Fakhrizadeh, người được coi là cha đẻ của chương trình hạt nhân bí mật của Iran, vì lo ngại hành động vội vã có thể sẽ kích động phản ứng quân sự quyết liệt từ Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump.

Các nhà lãnh đạo Iran cũng có thể sẽ xem xét liệu hành động trả đũa có làm phức tạp kế hoạch tái khởi động quan hệ ngoại giao với Iran của chính quyền Mỹ tương lai của ông Joe Biden hay không.

Ông Jonathan Schanzer thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, nói: “Sẽ là một tính toán sai lầm lớn đối với chính quyền Biden nếu Iran thực hiện một cuộc tấn công nào đó hoặc tham gia vào các hoạt động bạo lực rõ ràng là do chế độ gây ra”.

Ông nói thêm, cuộc tấn công đó thực sự là sai lầm nếu "mục tiêu chính" của Tehran là thoát khỏi chiến dịch "gây áp lực tối đa" đang được chính quyền Trump, Israel và các đồng minh của Mỹ ở Vùng Vịnh theo đuổi chống lại Iran.

Ông Biden đã nói rằng ông muốn khôi phục thỏa thuận quốc tế năm 2015- Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA)- do cựu Tổng thống Barack Obama đàm phán, chứng kiến Iran cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Ông Trump đã đơn phương từ bỏ thỏa thuận do Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đồng ký kết, ủng hộ một chiến dịch "gây áp lực tối đa" chống Iran.

Ông Antony Blinken, người được đề cử làm Ngoại trưởng của chính quyền Biden, cho biết tại một hội nghị hồi tháng 8 vừa qua rằng ông hy vọng thỏa thuận hạt nhân có thể được đàm phán lại để trở thành một hiệp định “mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn”.

Nhưng ông Schanzer cảnh báo "sự hối thúc trả thù" có thể sẽ mạnh mẽ, đặc biệt là khi chỉ còn vài tuần nữa là đúng tròn một năm Mỹ ám sát tướng hàng đầu Iran Qassem Soleimani, chiến lược gia quân sự quan trọng nhất của Iran và là nhà chiến thuật trong chiến dịch lâu dài của Tehran nhằm mở rộng ảnh hưởng của người Shi'ite và Iran trên khắp Trung Đông.

Chiếc xe của ông Soleimani đã bị trúng đạn trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ khi nó đang di chuyển gần sân bay Baghdad. Các quan chức Mỹ nói rằng ông ta bị nhắm mục tiêu vì đứng đằng sau các vụ tấn công vào các nhà ngoại giao và nhân viên quân sự Mỹ và đang âm mưu tiến hành các vụ tấn công tiếp theo.

Đã có những cảnh báo đáng sợ từ Iran sau vụ ám sát ông Soleimani, một động thái mà David Petraeus, một cựu tướng quân đội Mỹ, cho là có "hậu quả nghiêm trọng hơn" so với việc tiêu diệt Osama bin Laden hoặc thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi.

Iran đã đưa ra những lời đe dọa rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với “sự trả thù khủng khiếp khiến họ phải hối hận về quyết định của mình”. Một số nhà phân tích cảnh báo vụ sát hại này có thể khiến toàn bộ khu vực trở nên tồi tệ.

Nhưng người Iran đã thận trọng trong phản ứng của họ. Vài giờ sau khi chôn cất Soleimani vào ngày 7/1/2020, quân đội Iran đã thực hiện một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào hai căn cứ của Iraq có lính Mỹ nhưng không có người nào thiệt mạng, một phần vì Mỹ và Iraq đã biết trước, theo các nguồn tin của Mỹ và Ả rập vào thời điểm đó. Một chỉ huy Iran cho biết Tehran không có ý định giết bất kỳ ai.

Ông Trump nói vào ngày hôm sau: "Iran dường như đang trở lại tình trạng bình thường, đó là một điều tốt cho tất cả các bên liên quan". Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng Iran thận trọng trong phản ứng của mình vì họ lo ngại một cuộc phản công dữ dội của Mỹ có thể nhắm vào các thành viên trong ban lãnh đạo Iran.

Israel báo động an ninh

Vai trò của ông Fakhrizadeh đằng sau những nỗ lực bí mật phát triển bom hạt nhân của Iran từng được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh vào năm 2018.

Ông Fakhrizadeh đã bị sát hại bởi các tay súng trong một cuộc tấn công ban ngày nhằm vào chiếc xe của ông đang di chuyển ở gần thị trấn Absard, ngay phía Đông thủ đô Tehran. Israel đã không nhận trách nhiệm nhưng cũng không phủ nhận đứng sau vụ này. Các chuyên gia quân sự cho rằng vụ việc này khơi lại vụ sát hại 4 nhà khoa học hạt nhân Iran ở Tehran từ năm 2010 đến năm 2012.

Một số chuyên gia Trung Đông nói rằng họ nghi ngờ vụ ám sát ông Fakhrizadeh sẽ ảnh hưởng đến chương trình hạt nhân của Iran.

Bà Ariane Tabatabai, một chuyên gia về Trung Đông thuộc Quỹ Marshall, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington, viết trên Twitter rằng: “Ông Fakhrizadeh là người tham gia chương trình hạt nhân của Iran, trong khi ông Soleimani là người tham gia mạng lưới ủy nhiệm của chương trình này. Ông ấy là công cụ cho sự phát triển của chương trình hạt nhân và tạo ra một cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nó".

Những người khác cho rằng Iran có khả năng sẽ trả thù nhưng không phải lúc này. Olivier Guitta, một chuyên gia chống khủng bố người Anh, nói với đài VOA: “Người Iran có thể mất tới một đến hai năm để trả thù. Họ dành thời gian để chuẩn bị rất tỉ mỉ cho các cuộc tấn công".

Israel đã tăng cường an ninh tại các đại sứ quán của họ trên khắp thế giới và các cộng đồng Do Thái cũng được yêu cầu phải duy trì cảnh giác. Trước đây Iran đã từng tấn công các cơ quan ngoại giao của Israel.

Theo các công tố viên Argentina, năm 1992, sau khi thủ lĩnh Hezbollah Abbas Musawi bị sát hại ở miền Nam Lebanon, một nhóm đánh bom do Iran chỉ đạo đã gây ra một vụ nổ lớn bên ngoài Đại sứ quán Israel ở Buenos Aires làm 29 người thiệt mạng, trong đó có 3 nhân viên Đại sứ quán Israel và người dân địa phương.

Năm 2012, các vụ gài bom vào các phương tiện ngoại giao của Israel ở New Delhi (Ấn Độ) và Tbilisi (Gruzia) đã được lên kế hoạch. Quả bom ở Tbilisi không nổ, nhưng quả bom ở New Delhi đã nổ, làm một nhân viên đại sứ quán bị thương. Israel cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công này.

Khả năng về các hành động trả đũa khác có thể liên quan đến một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có vũ trang nhằm vào Israel, được phát động từ Syria, như đã xảy ra vào năm 2018, khi một máy bay không người lái chứa đầy chất nổ bị trực thăng Israel bắn hạ trước khi nó đến mục tiêu.

Quân đội Israel đã chuẩn bị cho các đòn trả đũa có thể xảy ra, bao gồm cả việc thử nghiệm hệ thống phòng không của họ đối với một cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Iran.

Các quan chức Mỹ đã phủ nhận liên quan đến vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh hôm 27/11 vừa qua. Gần đây đã có nhiều dự đoán của các nhà ngoại giao và giới phân tích rằng chính quyền Trump sắp mãn nhiệm, Israel và Saudi Arabia có khả năng sẽ gia tăng sức ép lên Iran.

Tuần trước, ông Netanyahu được cho là đã đến Saudi Arabia để gặp Thái tử Mohammed bin Salman và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Saudi Arabia đã bác bỏ thông tin này, còn ông Netanyahu từ chối bình luận.

(theo Eurasia Review)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-am-sat-nha-khoa-hoc-iran-dau-la-toan-tinh-cua-tehran-130469.html