Vụ 8 học sinh chết đuối: Chính quyền địa phương lơ là việc cảnh báo

Sáng 22-3, con phố nhỏ dẫn vào đường Phạm Hồng Thái (phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) bao trùm không khí tang tương, những tiếng khóc xen lẫn tiếng tụng kinh, tiếng kèn bi thảm phát ra từ 8 ngôi nhà.

Chưa bao giờ người dân phường Hữu Nghị phải cùng một lúc tổ chức đám tang cho nhiều người đến thế.

Chiều 21-3 trở thành buổi chiều định mệnh khi 8 học sinh của 2 trường tiểu học và THCS Hữu Nghị ra bờ sông Đà (đoạn qua phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình) vui chơi, tắm sông và không may trượt chân chết đuối.

Đẫm nước mắt tại đám tang 8 học sinh ở phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình Ảnh: QUANG VƯỢNG

Đẫm nước mắt tại đám tang 8 học sinh ở phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình Ảnh: QUANG VƯỢNG

Theo người dân phường Thịnh Lang, nếu chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn, sự việc đáng tiếc có thể đã không xảy ra. Bởi lẽ, khu vực sông Đà bến Thịnh Minh có rất nhiều hố sâu do khai thác cát trước đây để lại. Khu vực này được người dân xem là "khúc sông tử thần" khi năm nào cũng có người chết đuối. Tại thời điểm các em gặp nạn, đoạn sông không hề có biển cảnh báo. Theo người dân, trước đây có biển cảnh báo nhưng trận mưa lũ năm trước đã cuốn trôi.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Bình, Phó Chủ tịch phụ trách UBND phường Thịnh Lang, cho biết sau sự việc, các đoàn thể, ban - ngành TP Hòa Bình đã hỗ trợ mỗi gia đình gặp nạn 10,4 triệu đồng. Bà Bình xác nhận khu vực các em đuối nước là bãi Thịnh Minh, trước đây có biển cảnh báo nguy hiểm nhưng thời gian qua đã bị mưa lũ cuốn trôi. Do các cháu từ nơi khác đến nên không biết chỗ đó nước sâu, xuất hiện xoáy ở gần bờ nên mới xuống tắm.

Khi hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương, bà Bình cho rằng vào những ngày hè, địa phương có gửi công văn đến các trường, tổ dân phố để tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh. Sau sự việc trên, phường đã cho cắm lại biển cảnh báo nguy hiểm, không cho người dân xuống tắm.

"Thực ra, việc cấm tắm cũng không thể thường xuyên ra cấm được. Vấn đề ở đây là nêu cao tinh thần tự giác, tăng cường công tác tuyên truyền hơn nữa để nhà trường cùng phụ huynh học sinh hiểu được điều đó và ngăn chặn tai nạn đuối nước ngay từ gia đình" - bà Bình nói.

Điều tra nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp

Ngày 22-3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc 8 cháu nhỏ bị đuối nước ở tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp làm các cháu bị đuối nước và báo cáo trước ngày 30-3.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về trẻ em số 1123/UBQGTE ngày 21-3-2019 về tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước trẻ em.

Thanh Tuấn - Quang Vượng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vu-8-hoc-sinh-chet-duoi-chinh-quyen-dia-phuong-lo-la-viec-canh-bao-2019032221593906.htm