Tướng Cương: Cơ quan quản lý quan liêu, lý sự vụ 7 người chết

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, ở sự kiện tụ tập đông thanh niên, cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa phải có phương án bảo vệ riêng, cần thiết thì đề nghị công an tham gia.

Đêm nhạc hội có 7 thanh niên tử vong đã diễn ra thế nào? 7 người tử vong tại lễ hội âm nhạc ở Công viên hồ Tây đều dương tính với ma túy. Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để làm rõ trách nhiệm người liên quan.

Chia sẻ với Zing.vn sau vụ 7 thanh niên tử vong sau đêm nhạc hội điện tử diễn ra tại Công viên nước hồ Tây, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, cho rằng cơ quản lý nhà nước đã không làm tròn trách nhiệm.

“Bộ máy cồng kềnh, quan liêu, áp dụng biện pháp quản lý ngày thường cho sự kiện có lượng người lớn là sai lầm và thất bại, đừng nói là đã làm đúng trách nhiệm”, tướng Cương nhấn mạnh.

Buông lỏng kiểm tra, giám sát

Theo nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, Phòng văn hóa quận Tây Hồ - cơ quan thẩm quyền riêng được Chủ tịch UBND quận giao nhiệm vụ - phải chịu trách nhiệm về sự cố xảy ra. Về nguyên tắc quản lý Nhà nước, nhạc hội diễn ra ở đâu, địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Trong việc này, UBND Hà Nội cũng phải có trách nhiệm gián tiếp.

Về việc Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nói đã làm đúng trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra đơn vị tổ chức nhạc hội, thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng câu trả lời này là "lý sự về hình thức".

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an . Ảnh: Quyên Quyên.

“Phải nói rằng việc giám sát, kiểm tra có phần lơi lỏng. Họ nói kiểm tra rồi nhưng chất lượng kiểm tra thế nào?”, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an nói và cho rằng hiệu quả kiểm tra và quản lý phải được thể hiện trên thực địa. Xảy hậu quả nghiêm trọng, chứng tỏ quản lý chưa tốt.

Dưới góc nhìn cá nhân, thiếu tướng Cương nói không nên đổ lỗi cho công an về sự cố trong đêm nhạc hội. “Đây chưa phải hành vi phạm tội, mà thuộc phạm trù quản lý Nhà nước, đi ngược lại quy định hiện hành của quản lý Nhà nước gây hậu quả xấu. Mức độ như vậy thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể là Phòng văn hóa quận Tây Hồ", ông Cương chia sẻ.

Với những sự kiện tụ họp đến hàng nghìn người, theo ông Cương, cơ quan quản lý Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngừa. Chỉ cần 2-3 nhóm thanh niên mâu thuẫn đánh nhau có thể gây ra án mạng làm nhiều người chết.

Trong những sự kiện tụ tập đông thanh niên, cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa phải có phương án bảo vệ riêng. Khi cần thiết sẽ đề nghị Chủ tịch UBND quận huy động công an làm nhiệm vụ vòng ngoài để sẵn sàng xử lý các sự cố.

Hình ảnh tại đêm nhạc hội ở công viên nước hồ Tây. Ảnh: Thái Bảo.

"Không phải cấp phép xong là hết trách nhiệm"

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thì cho rằng không riêng cơ quan quản lý địa phương mà tất cả cơ quan liên quan, kể cả TP Hà Nội chưa làm hết trách nhiệm.

"Như Sở Văn hóa - Thể thao, khi cấp giấy phép xong phải xem các phương án đảm bảo an ninh trật tự đặt ra như thế đã được chưa. Không thể khi không xảy ra sự cố thì nhận đó là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn khi xảy ra lại bảo mình vô can”, vị đại biểu Quốc hội nêu quan điểm sau khi cơ quan chức năng Hà Nội khẳng định đã cấp phép tổ chức đêm nhạc theo quy định và làm đúng nhiệm vụ được giao.

Cho biết cử tri và nhân dân rất bức xúc chuyện này, ông Nhưỡng nói cơ quan quản lý "không phải cấp phép xong là hết trách nhiệm". Việc cấp phép tổ chức nhạc hội phải gắn liền với việc giám sát, đảm bảo cho sự kiện thành công.

“An ninh trật tự như thế có được gọi là an ninh trật tự không. Khi quản lý địa bàn, quản lý văn hóa, quản lý xã hội mà để xảy ra sự cố như vậy thì phải xem xét trách nhiệm từng cơ quan. Không thể phủ nhận được”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Trước một số ý kiến bàn luận về sự cần thiết phải cắt cử cán bộ văn hóa, công an có mặt tại những sự kiện như đêm hội âm nhạc, ông Lưu Bình Nhưỡng nói đã là cơ quan quản lý thì phải có nhiều biện pháp giám sát khác nhau. Khi không phòng ngừa, ngăn chặn và để xảy ra sự việc nghiêm trọng khiến 7 người tử vong, dứt khoát phải xem xét trách nhiệm trên cơ sở đối chiếu quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, cán bộ quản lý.

“Khi cấp phép phải quản lý, chứ không phải đứng ngoài quan sát. Phải xem cơ quan chức năng đã làm những gì, có sâu sát không, hết trách nhiệm chưa”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

7 người tử vong dương tính với ma túy

Đêm nhạc hội điện tử "Du hành tới mặt trăng" (Trip To The Moon) được Công ty Kết nối Á Châu tổ chức tối 16/9 tại công viên nước hồ Tây, theo giấy phép của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội. Đây là sự kiện có DJ biểu diễn, thu hút hàng nghìn người tham gia.

Suốt buổi diễn, người tham dự phát hiện nhiều thanh niên dùng chất kích thích, hút bóng cười. Khuya hôm đó, 12 người nhập viện cấp cứu nhưng chỉ 5 người qua khỏi. Kết quả kiểm tra cho thấy số thanh niên này dương tính với ma túy. Tại hiện trường, cảnh sát phát hiện một số chất nghi là ma túy.

Tại buổi họp báo 17/9, không cơ quan chức năng nào nhận trách nhiệm về sự việc xảy ra. Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nói chương trình được cấp phép đúng luật, còn UBND quận Tây Hồ khẳng định đã tổ chức thanh tra theo quy định. Trong khi Công an Hà Nội cho rằng sự kiện diễn ra ở Tây Hồ, địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo.

Bá Chiêm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tuong-cuong-co-quan-quan-ly-quan-lieu-ly-su-vu-7-nguoi-chet-post878492.html