Vụ 7 người chết khi tham gia lễ hội âm nhạc Hồ Tây: Vì sao phải trả tự do cho giám đốc Cty Á Châu?

Liên quan vụ 7 người chết khi tham gia lễ hội âm nhạc ở Hồ Tây, Công an ra lệnh Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, song Viện kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội không phê chuẩn lệnh bắt giữ với ông Sơn.

Ông Lê Thái Sơn. Ảnh: CAND.

Chiều 22.9, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội ra quyết định không phê chuẩn lệnh giữ ông Lê Thái Sơn (26 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), là Giám đốc Công ty TNHH kết nối Á Châu. Công ty này tổ chức sự kiện đêm nhạc mùa thu, có 7 người tử vong sau lễ hội. Công an Hà Nội đã trả tự do cho ông Sơn vào chiều tối 22.9.

Theo lệnh này, ông Sơn bị tạm giữ để điều tra vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người, theo Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015.

Theo cơ quan điều tra, ông Sơn phải chịu trách nhiệm về cái chết của 7 nạn nhân tử vong khi tham gia đại nhạc hội mùa thu 2018 ở Công viên nước Hồ Tây.

Chiều 21.9, cơ quan chức năng đã khám xét nơi ở của ông Sơn. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội không phê chuẩn lệnh bắt giữ với ông Sơn nên cơ quan điều tra đã trả tự do cho giám đốc này.

Liên quan vấn đề này, luật sư Trần Thanh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Lê Thái Sơn - cho biết, việc trả tự do này diễn ra bởi trước đó Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội không phê chuẩn lệnh bắt của cơ quan công an cùng cấp.

“Việc trả tự do cho thân chủ của tôi là rất kịp thời, tránh oan sai…”, luật sư Thanh nói.

Theo luật sư, ngay sau khi Công an TP. Hà Nội ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Thái Sơn, ông đã gửi kiến nghị khẩn cấp tới Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, trong đó nêu rõ quan điểm:

Thứ nhất đây là lỗi vô ý. Thứ hai, các nạn nhân đã mang ma túy vào khu vực nhạc hội. Nguyên nhân dẫn tới việc họ tử vong là sử dụng ma túy, chứ không phải an toàn lao động hay an toàn trong khu vực đông người.

“Về tội danh mà cơ quan công an điều tra định đối với thân chủ tôi, hành vi và hậu quả phải có sự liên đới với nhau. Nhưng rõ ràng ở đây không có yếu tố liên tới, hậu quả chết người là do phía nạn nhân sử dụng ma túy, chứ không phải do ban tổ chức gây ra.

Việc buộc đơn vị tổ chức phải nắm rõ những người này mang ma túy vào bên trong sự kiện là không thể”, luật sư Thanh nói.

Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - chia sẻ, theo quy định pháp luật khi thấy dấu hiệu vi phạm, cơ quan điều tra thực hiện biện pháp tố tụng. Tuy nhiên, khi không đủ cơ sở, Viện kiểm sát không phê chuẩn, công an phải trả tự do với người bị tạm giữ.

Trong trường hợp này, Công ty TNHH Kết nối Á Châu của ông Lê Thái Sơn có đủ giấy phép hoạt động cũng như giấy phép tổ chức đại nhạc hội.

Việc các nạn nhân mang ma túy vào khu vực tổ chức đêm nhạc sử dụng và tử vong, không liên quan đến an toàn lao động hay an toàn trong khu vực đông người.

Trong trường hợp nếu xảy ra tình trạng giẫm đạp lên nhau dẫn đến tử vong thì mới có cơ sở để cáo buộc tội danh "vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người".

C.N

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/vu-7-nguoi-chet-khi-tham-gia-le-hoi-am-nhac-ho-tay-vi-sao-phai-tra-tu-do-cho-giam-doc-cty-a-chau-632404.ldo