Vụ 7 người chết: 'Đánh thức phần dữ dằn, ẩn ức trong giới trẻ'

Liên quan đến sự việc bảy người chết trong đêm đại nhạc hội ở Công viên nước Hồ Tây, PGS-TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: Những sự kiện đông người với tần suất âm thanh lớn cũng đánh thức phần dữ dằn trong mỗi con người, ẩn ức hằng ngày xả vào đó.

Tối 16-9, sau khi tham gia đêm nhạc hội diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội), bảy người đã chết và năm người khác rơi vào hôn mê. Cơ quan chức năng xác định số người này đều dương tính với ma túy.

PGS-TS TRỊNH HÒA BÌNH, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam:

Quản lý lỏng lẻo: Giới trẻ lợi dụng xả ẩn ức

Những điểm biểu diễn kiểu như vậy tồn tại tràn lan trên đất nước ta, nhất là ở những TP lớn. Trên thực tế, những hoạt động này không ai kiểm soát, tất cả đều thả nổi.

Ở trên không gian rất rộng đó không phải chỉ có một bãi trống duy nhất mà còn có nhiều nhà chòi, kịch mục, bán hàng… chỉ lấy vé vào mà không kiểm soát người. Nói về sinh hoạt trong giới trẻ thì đằng sau nhu cầu vui chơi giải trí, thỏa mãn tinh thần văn hóa thì đúng là vô phương, hỗn loạn.

Đêm đại nhạc hội ở Công viên nước Hồ Tây tối 16-9. Ảnh: HUY THÀNH

Dẫu rằng ai nói được cấp phép nhưng không rõ họ có nhìn vào nội dung không, hay chỉ là hình thức thôi. Phương tiện, con người thể hiện tính chất dòng nhạc, ca từ, âm thanh… đặt ra câu chyện giới trẻ cũng thả nổi trong việc tiêu dùng văn hóa và mất phương hướng trong việc định vị các giá trị của đời sống hằng ngày hiện nay.

Cơ quan quản lý nhà nước cấp phép xong là hết trách nhiệm, người cho thuê cơ sở vật chất thì chỉ cho thuê. Hiện tại ít nhất có ba bên, nhưng theo tôi phải có năm bên: nhà quản lý cộng đồng, chủ địa điểm, đơn vị tổ chức biểu diễn, đơn vị cấp phép và cộng đồng hưởng thụ. Khâu nào cũng đều có vấn đề của nó.

Việc không thể kiểm soát đã tạo thời cơ cho giới trẻ mang những chuyện tiêu cực vào những điểm vui chơi đó. Những sự kiện đông người với tần suất âm thanh lớn cũng đánh thức phần dữ dằn trong mỗi con người, ẩn ức hằng ngày xả vào đó.

TS KHUẤT THU HỒNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội:

Cần kiểm soát chất gây nghiện

Những hiện tượng này không mới ở các nước nhưng ở Việt Nam gần đây mới xảy ra, khiến cho mọi người sốc vì số lượng lớn với những cái chết bất ngờ.

Tôi cũng nghe thấy nhiều ý kiến cho rằng nên dừng các hoạt động tương tự, kiểm soát đến từng cá nhân. Nhưng tôi nghĩ áp dụng biện pháp hành chính để giải quyết vấn đề xã hội có gốc rễ sâu xa sẽ không khả thi và hiệu quả. Làm sao có thể cấm thanh niên tham gia các hoạt động lành mạnh trong khi thanh niên nhiều năng lượng và phải có hoạt động để giải phóng năng lượng của họ?

Theo tôi, cần kiểm soát chất gây nghiện, rõ ràng cách kiểm soát của chúng ta chưa hiệu quả. Vui chơi giải trí cần tổ chức theo một cách nào đó để đem lại không gian lành mạnh cho giới trẻ, cần xem lại những cách tổ chức hoạt động vui chơi giải trí thật sự đem đến không gian cho giới trẻ hay chưa. Làm sao để tạo được không gian an toàn, lành mạnh.

Những hoạt động kiểu thế này ngày càng có yếu tố thương mại hóa nhiều hơn, thương mại hóa một cách ồ ạt. Chúng ta quá thiếu hoạt động vui chơi giải trí để ở đó các em có thể vui chơi lành mạnh, thể hiện năng lượng của mình, kết nối, thực sự sống những năm tháng tuổi trẻ một cách có ý nghĩa.

VIẾT THỊNH ghi

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/vu-7-nguoi-chet-danh-thuc-phan-du-dan-an-uc-trong-gioi-tre-792936.html