Vụ 27 trường hợp 'đã chết' vẫn... phát sinh chi phí khám, chữa bệnh: Vừa quan liêu vừa tắc trách

Câu chuyện hết sức bất ngờ là nhiều bệnh nhân bị xem là tử vong vẫn phát sinh chi phí khám, chữa bệnh, đồng thời đề nghị thanh toán BHYT trên dữ liệu và gửi cho cho BHXH Việt Nam. 27 trường hợp này xảy ra tại tỉnh Bình Định nhưng lại phản ánh một thực trạng vô cùng đáng báo động về sự quan liêu, tắc trách. Chuyện gì đang diễn ra?

Bệnh viện Đa khoa Bình Định, nơi có bệnh nhân "tử vong" nhưng vẫn phát sinh chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Bệnh viện Đa khoa Bình Định, nơi có bệnh nhân "tử vong" nhưng vẫn phát sinh chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Khóc cười bỗng dưng "bị chết"

Theo đó, 27 trường hợp bệnh nhân "tử vong" nhưng sau đó vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh tại 10 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm xã hội (BHXH) ở tỉnh Bình Định. Cụ thể, các đơn vị/cơ sở này gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Quy Nhơn và các trung tâm y tế: TP.Quy Nhơn, Tuy Phước, Phú Mỹ, Hoài Nhơn, Phù Cát, An Nhơn, Tây Sơn.

Theo thông tin xác minh của cơ quan BHXH, sở dĩ có chuyện "dựng người chết dậy" để phát sinh thêm chi phí là do nhân viên y tế đã tích nhầm ô bệnh nhân "ổn định, ra viện" thành ô "tử vong" trên hệ thống dữ liệu điện tử phục vụ quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Trên thực tế các bệnh nhân này chưa chết song lại bị "khai tử" khi ra viện.

Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc sở Y tế tỉnh Bình Định, toàn bộ hồ sơ của các trường hợp tử vong là bị tích nhầm, đáng lẽ ra nhân viên bệnh viện phải tích vào ô "khỏi, đỡ, giảm" nhưng lại tích vào ô "tử vong" khi bệnh nhân ra viện nên dẫn tới tình trạng trên. Hiện nay, các vụ việc các bệnh viện đã thông tình trạng này nhưng qua vụ việc cho thấy, cần phải hết sức rút kinh nghiệm đồng thời cẩn thận hơn trong xử lý nghiệp vụ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc công ty Dược phẩm V.A (quận Phú Nhuận, TP.HCM) nói: "Đọc tin này mà tôi thấy rất khó chịu, liệu đây có phải là lỗi vô ý? Nếu như đó là vô ý thực sự là đáng để lên án, không thể chấp nhận được. Và lỗi này hoàn toàn của các nhân viên y tế, tuy nhiên, cần phải tìm hiểu kỹ hơn để biết được các trường hợp này lỗi như thế nào, đồng thời, có quy trình xử lý phù hợp, tránh tình trạng lặp lại và biến tướng".

Tuy nhiên, vụ việc này cho thấy rất nhiều vấn đề phía sau, thậm chí nhiều ý kiến còn nhìn nhận sâu xa hơn. Nói về vấn đề này, TS Hoàng Văn Thắng, đại học Công nghệ TP.HCM cho biết: "Hoàn toàn không thể có những chuyện như thế được, bởi, nếu nhầm lẫn thì sẽ xảy ra rất ít và và không thể diễn ra tràn lan ở phạm vi rộng với hàng loạt đơn vị/ cơ sở như thế này được. Liệu có hay không việc mách nước cho nhau trong chuyện này để trục lợi BHYT hay không thì cần phải làm rõ.

Với một nhân viên bình thường thì việc tích vào đâu đã được tập huấn từ trước, nhưng đây là nhân viên phụ trách việc này, họ sẽ rõ hơn ai hết là nên tích vào mục nào. Không thể biến một người đang còn sống trở thành đã "tử vong" được. Ở đây có thể là còn nhiều vấn đề khác liên quan".

"Tôi cho rằng, cần phải làm rõ vấn đề này, đặc biệt là có hay không sự chỉ đạo của cấp trên và cần phải làm rõ vai trò của người đứng đầu đơn vị/cơ sở khám chứ bệnh. Có như vậy dư luận mới phục và tin vào sự quản lý của Nhà nước trong công tác quản lý khám chữa bệnh chi trả bằng BHYT", TS Thắng chia sẻ thêm.

Cần xử lý mạnh tay hơn

Đồng quan điểm, bà Võ Thị Ánh Hồng, nguyên Giám đốc một bệnh viện tại TP.HCM nhìn nhận: "Rõ ràng, nếu nhìn một cách tích cực, đây là lỗi bất cẩn, không thể chấp nhận của các cán bộ, công chức làm việc trong các bệnh viện/trung tâm y tế. Tuy nhiên, nhìn một cách sâu xa hơn thì cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ động cơ ở phía sau, đặc biệt là có hay không việc trục lợi từ thẻ BHYT. Bởi, tình trạng này đã xảy ra, gây nhức nhối trong dư luận, xã hội, người dân thời gian qua ở nhiều nơi, thậm chí với số tiền rất lớn".

Đơn cử, theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 10/2019, BHXH thì nhiều tỉnh/thành phố và sở y tế phát hiện 58 trường hợp vi phạm phát sinh số lượt khám chữa bệnh sau ngày chết. Trong đó, có 13 trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh ghi sai ngày ra viện trên dữ liệu đề nghị thanh toán BHYT. Đồng thời, có 26 trường hợp người nhà sử dụng thẻ BHYT của người đã chết đi khám chữa bệnh từ 1 đến 3 lần, chủ yếu tập trung tại một số địa phương, như: Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh...

"Hiện nay, nhiều nơi, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đang có một số đối tượng nhăm nhe trục lợi từ BHYT và các chính sách bảo hiểm khác. Rõ ràng, chính sách về về bảo hiểm là hết sức nhân văn, nó thể hiện sự chia sẻ nhưng ngược lại, các đối tượng này lại lợi dụng khe hở để xem đây là một trong những những kênh trục lợi. Hành vi này là rất đáng lên án và phải có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, đồng thời có chế tài xử phạt nặng mới đủ sức răn đe, ngăn ngừa", luật sư Trần Đình Hoàng (TP.HCM) khuyến nghị.

Thực trạng thời gian qua cho thấy, BHXH và ngành y tế đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh tình trạng trục lợi từ quỹ bảo hiểm y tế nhưng thực tiễn cho thấy, hiện tượng này vẫn còn nhiều hình thức biến tướng và chưa giảm nhiệt. Theo số liệu thống kê cho thấy, nhiều dấu hiệu bất thường trong việc khám điều trị bệnh. Ví như tỉ lệ phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa, khám bệnh từ 45 lần trở lên hoặc sử dụng thuốc sai, chỉ định vào viện chưa hợp lý, thanh toán giường bệnh ngoại khoa sai...

"Từ lỗi của các nhân viên y tế tại các cơ sở/bệnh viện ở tỉnh Bình Định nêu trên, chúng tôi cho rằng, cần phải tăng cường công tác quản lý dữ liệu, danh mục trên hệ thống. Đồng thời, nâng cao chất lượng giám định, chủ động kết hợp với giám định điện tử, đặc biệt là phải tăng cường phòng chống hành vi lạm dụng trục lợi quỹ BHYT.

Điển hình như trường hợp tại Bình Định, nếu phát hiện kịp thời và ngăn chặn thì sẽ không có việc "tích nhầm" vào nhiều trường hợp như trên. Rõ ràng, đây là một câu chuyện phải phải được quan tâm nhiều hơn", bà Hồng nói thêm.

Luật sư Hoàng cho rằng, hiện nay, luật đã quy định cụ thể (Điều 215 của Bộ luật Hình sự) thì các cơ quan BHXH và các đơn vị liên quan có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự đối với các cơ sở khám, chữa bệnh có dấu hiệu phạm tội Gian lận BHYT. Do đó, phải cương quyết và làm mạnh tay để đưa chính sách này phát triển bền vững, có như vậy mới đảm bảo được tính công bằng trong khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Chí Thanh

Bài đăng báo in Đời sống & Pháp luật số chủ nhật 50

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/vu-27-truong-hop-da-chet-van-phat-sinh-chi-phi-kham-chua-benh-vua-quan-lieu-vua-tac-trach-a304549.html