Vụ 20 tàu cá Bình Định hỏng hóc phải nằm bờ: Kỷ luật nhiều cán bộ

Liên quan vụ việc 20 tàu cá ở Bình Định mới đưa vào sử dụng đã bị hỏng, Bộ NN&PTNT đã kỷ luật nhiều cán bộ liên quan.

Chiều 15/8, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đặt vấn đề về việc Bộ NN&PTNT đóng tàu cho ngư dân không đảm bảo chất lượng, gây tốn kém, lãng phí. Đại biểu đặt câu hỏi làm rõ nguyên nhân, có biểu hiện có vi phạm pháp luật không và đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. (ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. (ảnh: Quochoi.vn)

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 gồm nhiều nội dung, riêng nội dung hỗ trợ lãi suất tín dụng phát triển đội tàu, sau 5 năm, các tỉnh duyên hải và ngư dân đăng ký hơn 1.177 tàu. Đến ngày 30/6/2019, có 1.032 tàu đưa vào hoạt động đánh bắt. Trong quá trình tổ chức thực hiện, có 20 tàu của Bình Định xảy ra việc máy không đúng chủng loại, hoặc hỏng hóc từng bộ phận.

Sau khi xảy ra sự việc, tỉnh Bình Định, Bộ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan đã vào cuộc. Trước hết, yêu cầu chủ đầu tư xác định trách nhiệm, tập trung khắc phục, sửa chữa trong thời gian nhanh nhất.

Cuối năm 2017, toàn bộ 20 tàu hỏng đã khắc phục xong và đưa vào hoạt động.

Bộ Nông nghiệp đã phối hợp với tỉnh xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm đầu tiên thuộc các công ty đóng tàu, trong đó có sự liên quan của các cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương, trong đó có Bộ NN&PTNT.

Về phía Bộ, đã tiến hành rà soát cơ quan trực tiếp liên quan đó là trung tâm đăng kiểm của Bộ, thuộc Tổng cục Thủy sản. Bộ đã kỷ luật cảnh cáo và thu hồi thẻ đăng kiểm của 3 cán bộ trực tiếp đăng kiểm của Trung tâm; đồng thời kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Trung tâm; kỷ luật khiển trách Phó giám đốc Trung tâm.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc, làm rõ những sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Nghị định 67 góp phần tăng số tàu khai thác xa bờ (tăng 20%), giảm lượng tàu khai thác gần bờ, góp phần khai thác bền vững, tham gia bảo vệ chủ quyền. Thực hiện được các chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân; vốn lưu động của ngân hàng hỗ trợ các hoạt động kinh tế biển được tập trung.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp, bên cạnh những thuận lợi cũng tồn tại những bất cập. Cụ thể, nhiệm vụ lớn nhất là đầu tư hạ tầng, phát triển nghề cá thời gian qua chưa được đầu tư tương xứng, mới đầu tư 83/125 cảng cá (đạt 66%), đầu tư 83/146 khu neo đậu (đạt 57%). Kinh phí từ 2011-2015, giai đoạn 2016-2020 tổng đầu tư hơn 7.200 tỷ trên nhu cầu phê duyệt 28.000 tỷ.

“Tất cả thiết chế hạ tầng cơ bản của nghề cá biển đến thời điểm này còn rất nhiều bất cập” – ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Về việc đầu tư hơn 1000 trang thiết bị, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ban đầu ngư dân được nhận hỗ trợ đầu tư nhưng sau đó vì lý do khách quan họ không thực hiện được nghề đi biển thì bế tắc không biết chuyển giao cho ai. Đây là vấn đề bế tắc, nếu không giải quyết được thì dẫn tới nợ xấu sau này, gây lãng phí phương tiện đầu tư.

Ngoài ra, ngư dân và chính quyền cũng có ý kiến Chính phủ hỗ trợ 1 lần tín dụng đầu tư cho ngư dân thay vì rải đều theo các năm.

Trước tình hình này, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 17 khắc phục được những tồn tại, bất cập. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp đang phối hợp với các tỉnh, tiến hành rà soát, đánh giá lại Nghị định 67, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ đến cuối năm nay tổng kết toàn kết nội dung để định hướng chủ trương mới./.

Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/vu-20-tau-ca-binh-dinh-hong-hoc-phai-nam-bo-ky-luat-nhieu-can-bo-944857.vov