Vụ 2 ô tô bị cấm đi đường cao tốc vĩnh viễn: Luật sư nói gì?

Nhiều luật sư cùng nhận định 'lệnh' cấm của VEC E với hai phương tiện trên không có giá trị.

““Lệnh” cấm của VEC E không có giá trị”

Vụ hai phương tiện mang BKS 51A - 558.50 và 51G - 772.56 bị từ chối phục vụ vĩnh viễn trên tất cả các tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, đang trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội những ngày qua. “Lệnh” cấm nói trên do Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thay mặt VEC E thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nhân viên đang thu phí phương tiện di chuyển qua cao tốc. (Ảnh: VEC E)

Nhân viên đang thu phí phương tiện di chuyển qua cao tốc. (Ảnh: VEC E)

Liên quan tới vụ việc này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Chủ tịch hãng luật Giải Phóng, Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, các hành vi gây rối, cản trở giao thông cần thiết phải có biện pháp xử lý để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, xử lý như thế nào, dân sự, hành chính hay hình sự phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi.

“Căn cứ pháp luật để xử lý có trong luật cả. Việc VEC E ra “lệnh” cấm người dân đi vào đường cao tốc là vi phạm quyền tự do đi lại của người dân - đó là quyền hiến định. Căn cứ để VEC E từ chối phục vụ là dựa vào quy định nội bộ của họ (Quyết định 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/1/2019), tuy nhiên đây không phải là quy định pháp luật, mọi quy định nội bộ trái pháp luật đều không có giá trị pháp lý. Do đó, “lệnh” cấm của VEC E với hai phương tiện trên không có giá trị”, luật sư Kiều Hưng phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, một cựu thẩm phán, chánh án tòa án) nhận định: Căn cứ luật xử lý vi phạm hành chính thì VEC cũng như VEC E không được pháp luật trao thẩm quyền xử phạt trong trường hợp hai chiếc xe vi phạm như công ty đã thông báo. Hệ thống pháp luật hiện hành cũng không có quy định nào trao thẩm quyền cho họ cấm xe ô tô lưu thông trong phạm vi đường giao thông do nhà nước giao cho họ quản lý.

“Trong trường hợp này, lái xe mới là chủ thể vi phạm, còn chiếc xe chỉ là vật vô tri vô giác nên nó không thể là chủ thể vi phạm. Nếu vi phạm nhẹ thì cơ quan CSGT lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt đối với lái xe. Trường hợp phương tiện gây ách tắt giao thông trong thời gian dài thì vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan CSĐT về hành vi gây rối trật tự công cộng”, luật sư Nhàn phân tích.

Một đoạn của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi đang được sửa chữa. (Ảnh: VEC E)

Vị luật sư này lưu ý thêm: “Cần nhấn mạnh lại rằng trong các trường hợp nói trên, lái xe mới là chủ thể vi phạm, chủ thể bị xử phạt. Không thể xử phạt bằng hành vi cấm chiếc xe lưu thông! Trong trường hợp hai xe này gây cản trở làm thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của VEC E thì VEC E có quyền kiện chủ xe hoặc người chiếm hữu hợp pháp, đòi bồi thường thiệt hại”.

VEC E nói gì?

Ngược lại, VEC E khẳng định rằng, gần 400 cán bộ, công nhân viên VEC E đang tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Bộ Giao thông vận tải, của pháp luật hiện hành, nỗ lực để công tác thu phí được thực hiện minh bạch, hiệu quả, văn minh, đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Do đó, VEC E mong muốn có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng liên quan, gồm lực lượng công an địa phương, lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt, các doanh nghiệp vận tải, các cơ quan thông tấn báo chí và đặc biệt sự ủng hộ và chia sẻ của toàn xã hội, để khẳng định chính sách đầu tư xây dựng đường cao tốc là hợp lý và cần thiết cho sự phát triển chung của đất nước.

“VEC E mong muốn không phải vì các sự vụ ở các doanh nghiệp BOT khác mà việc thực thi pháp luật không được tôn trọng, người lao động chân chính bị ảnh hưởng tâm lý, bị đe dọa, bị khinh thường khi đang thực hiện nhiệm vụ chính đáng của mình”, VEC E cho biết trong một thông cáo báo chí.

Trước đó, vào ngày 10/2/2019 (tức mùng 6 Tết), VEC E thay mặt VEC thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý đối với hai phương tiện mang BKS 51A-558.50 và 51G - 772.56.

Theo thông tin tra cứu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả hai xe này đều là ô tô 7 chỗ, không hoạt động kinh doanh vận tải. Trong đó, ô tô mang BKS 51G - 772.56 được đăng ký ngày 16/1/2019, chủ xe là ông Lê Hoàng Ph. (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM); còn ô tô mang BKS 51A - 558.50 được đăng ký ngày 16/4/2014, chủ xe là ông Hoàng Trọng Th. (ngụ quận 12, TP.HCM).

Dòng xe nối đuôi nhau đi cao tốc trở về TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019.

Trong thông báo của mình, VEC E cho biết, hai phương tiện nêu trên bị VEC E từ chối phục vụ vĩnh viễn ở tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý là do đã có hành vi gây cản trở, rối loạn trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hôm 10/2.

Cụ thể, vào lúc 18h20 ngày 10/2/2019, phương tiện mang biển kiểm soát 51A - 558.50 di chuyển vào làn thu phí số 07, hướng từ Long Thành về TP HCM. Đến cabin thu phí, mặc dù đã nhận được tín hiệu từ nhân viên thu phí, người điều khiển phương tiện vẫn không trả thẻ thu phí và trả tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí; đồng thời để nhiều người già, phụ nữ và trẻ em xuống xe, cố tình gây rối tại làn thu phí, lôi kéo các phương tiện ở các làn khác, gây ách tách giao thông. Sau đó, các xe mang BKS 51C - 781.96 tại làn 10 và 51G - 772.56 tại làn 8 đã có hành vi tương tự.

“Nhân viên tại trạm thu phí đã giải thích về các sự cố dẫn đến việc lưu thông chậm trên tuyến, mời lái xe vào trong khu văn phòng của trạm để giải thích cụ thể, tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác. Tuy nhiên người điều khiển phương tiện 51A - 558.50 và 51G - 772.56 cũng như những người đi cùng đã không tuân thủ hiệu lệnh của nhân viên điều khiển giao thông, có hành động phá hoại tài sản, có hành vi đe dọa đánh đuổi nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực”, trích báo cáo của VEC E.

Ngọc Phạm

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/vu-2-o-to-bi-cam-di-duong-cao-toc-vinh-vien-luat-su-noi-gi-954776.html