Vụ 2 nhà máy thép gây ô nhiễm: Tâm sự nhói lòng của công nhân nghèo

'Không có việc làm, anh em chúng tôi người thì ở nhà chăm con để vợ đi làm, người đi phụ hồ, người đi bắt cá kiếm sống qua ngày. Tình hình này kéo dài như thế này, cuộc sống gia đình chúng tôi không chịu nổi', ông Lê Kiên, công nhân xưởng cán thép nhà máy Dana Ý, tâm sự.

Người chăm cha bệnh, người nuôi con tâm thần

Nhiều tháng qua, 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc ở cụm công nghiệp Thanh Vinh (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) phải ngừng hoạt động vì vấp phải sự phản đối của người dân địa phương. Chính quyền TP Đà Nẵng nhiều lần tổ chức đối thoại tìm cách tháo gỡ vấn đề nhưng đều không thành công.

Nhà máy thép đìu hiu sau thời gian dài không sản xuất

Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề do nhà máy không thể sản xuất, liên tục kêu cứu các cơ quan chức năng, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Nhưng đằng sau đó là mảnh đời của hơn 1000 công nhân, chủ yếu là đàn ông, hai nhà máy với bao nỗi lo cơm áo, gạo tiền.

Ông Lê Kiên (quê tỉnh Quảng Nam) ngồi bó gối, mệt mỏi trong căn phòng trọ rộng chừng 15m vuông, cách nhà máy thép Dana Ý không xa. Ông Kiên 53 tuổi, đã có 27 năm gắn bó với nhà máy thép này kể từ khi nó mới là một cơ sở sản xuất nhỏ. Mỗi tháng, lương của ông khoảng 8 triệu đồng. Số tiền đó cùng gần 4 triệu tiền lương của vợ để nuôi cả gia đình 4 người trong đó có 2 con đang học đại học.

“Mấy tháng nay tôi ngồi bó gối ở nhà. Cuộc sống cả gia đình dựa vào mấy đồng tiền lương ít ỏi của vợ. Cha tôi mới đây bị bệnh phải chuyển ra điều trị. Cuộc sống đã khó khăn nay lại thêm chồng chất.

Nhà máy bị bao vây không cho hoạt động, chúng tôi chỉ nhận được vài trăm tiền trợ cấp mỗi tháng. Tình hình này kéo dài tôi cũng như anh em không biết xoay xở như thế nào. Không có việc làm, anh em chúng tôi người thì ở nhà chăm con để vợ đi làm, người đi phụ hồ, người đi bắt cá kiếm sống qua ngày. Tình hình này kéo dài như thế này, cuộc sống gia đình chúng tôi không chịu nổi”, ông Kiên nói.

Ông Hậu chăm sóc cậu con trai tâm thần

17 năm trong nghề cán thép nhưng bỗng dưng thất nghiệp nhiều tháng qua, ông Trần Hậu (trú xã Hòa Liên) suốt ngày lụi cụi trong căn nhà nhỏ của mình. Ông Hậu là một trong những công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhất ở nhà máy thép Dana Ý. Vợ chồng ông có 3 người con thì con trai đầu và cậu con trai út mắc chứng bệnh tâm thần. Từ ngày nhà máy bị bao vây, ông ở nhà chăm con còn vợ xin làm công nhân công ty may với mức lương chỉ 3 triệu đồng/tháng.

“Trước đây lương tôi hơn 8 triệu cũng đủ trang trải chi phí, mua thuốc cho 2 đứa nó uống. Mấy tháng nay lương không có, hai thằng con tôi phải tạm dừng uống thuốc. Cuộc sống vợ chồng tôi thiếu trước, hụt sau, khó khăn quá.

Khi nhà máy dừng hoạt động, trong xóm có việc gì kêu tôi đi làm ngay. Mấy nay cũng theo chân phụ hồ nhưng được vài bữa thì cũng sắp vào mùa mưa rồi”, ông Hậu tâm sự.

Ông Hậu nấu cơm trong căn nhà nhỏ

Khó tìm việc làm mới

Các công nhân nhà máy thép Dana Ý bày tỏ mong muốn sự việc người dân bao vây nhà máy thép nhanh chóng được giải quyết. Theo các công nhân, phần lớn họ đã lớn tuổi nên tìm việc làm mới rất khó và các đơn vị khác cũng không thu nhận.

“Chúng tôi mong chính quyền quyết định nhà máy đi hay ở lại để sớm ổn định mọi việc. Công nhân được trở lại công việc thường ngày, được đi làm hưởng lương nuôi sống gia đình. Bây giờ tuổi tôi cũng đã lớn rồi, xin việc chỗ nào cũng khó nên không thể đi đâu khỏi nhà máy được”, ông Kiên mong muốn.

Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thép Dana Ý, cho hay Công đoàn công ty đã gửi thư cầu cứu Tổng Liên đoàn và LĐLĐ TP Đà Nẵng để có biện pháp hỗ trợ người lao động.

“Chúng tôi kiến nghị chính quyền Đà Nẵng nhanh chóng có chính sách rõ ràng, nhất quán đối với việc quyết định cho nhà máy thép tiếp tục sản xuất ở trụ sở cũ hay di dời để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.

Chúng tôi cũng mong muốn TP Đà Nẵng phải có chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, hỗ trợ khó khăn cho công nhân nếu thực hiện di dời nhà máy. Đồng thời, công ty kiến nghị chính quyền thành phố cần có đối thoại để công nhân nắm được chủ trương”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, công ty thấu hiểu được sự khó khăn và đã có hỗ trợ những trường hợp khó khăn nhất. Tuy nhiên, do chế độ của công ty là hưởng thu nhập theo sản phẩm nên việc hỗ trợ cũng chỉ có chừng mực.

“Đã có 100 anh em trong tổng số 900 anh em làm đơn xin nghỉ. Chúng tôi đã giải quyết quyền lợi và chốt sổ cho những công nhân xin nghỉ. Nếu để tình trạng này kéo dài rất dễ gây nên những phản ứng tiêu cực trong công nhân”, ông Bình nói.

Bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho hay trong suốt thời gian 2 nhà máy ngưng hoạt động thì doanh nghiệp vẫn trả lương cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng.

HƯƠNG TRÀ

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/vu-2-nha-may-thep-gay-o-nhiem-tam-su-nhoi-long-cua-cong-nhan-ngheo-15627.html