VTVCab vi phạm Luật bảo vệ người tiêu dùng?

Từ 1/4, hàng loạt kênh quen thuộc với truyền hình cáp Việt Nam như HBO, Disney, Cartoon Network, Fox Sports1,2… 'biến mất' khiến hàng loạt khách hàng của Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam không khỏi ngỡ ngàng.

Việc thay thế hàng loạt kênh truyền hình nổi tiếng, thân thuộc đang làm dấy lên nhiều phản đối từ phía khách hàng. Trước những phản hồi trên, trả lời báo chí, đại diện truyền thông của VTVCab lại cho rằng: “Chúng tôi gọi đây là sự chuyển dịch mang tính đột phá, sự đột phá mang tính lịch sử trong quá trình phát triển của VTVcab. Xu hướng hội tụ số bắt buộc VTVcab phải chuyển dịch để bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ mới, bắt kịp với Cách mạng 4.0 để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn”.

HBO - kênh yêu thích của nhiều khách hàng VTVcap đã... "biến mất" từ 0h ngày 1/4

Khi khách hàng không là thượng đế

Tuy nhiên, theo thống kê ,đây không phải là lần đầu VTVcab có dấu hiệu coi thường chính "thượng đế" của mình.

Cách đây vài tháng, khi người hâm mộ đang chăm chú theo dõi những chặng cuối của giải bóng đá ở Châu Âu thì VTVcab phát đi thông cáo cho biết chính thức ngừng phát sóng giải UEFA Champions League (C1) và UEFA Europa League (C3) vì lý do bị các tổ chức, cá nhân xâm hại bản quyền phát sóng tràn lan khắp lãnh thổ Việt Nam.

Trong một diễn biến mới đây, VTVcab cho biết vào ngày 17/4 tới, đơn vị này sẽ chính thức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với lượng bán lên đến hơn 42 triệu cổ phần, tương đương 47,8% vốn điều lệ VTVcab. Giá khởi điểm cho mỗi cổ phần VTVcab là 140.900 đồng. Với mức giá này, VTVcab được định giá lên tới hơn gần 12.500 tỷ đồng. Mức định giá trên được coi là rất lớn, bởi tính đến hết ngày 30/9/2017, vốn chủ sở hữu của VTVcab chỉ vỏn vẹn 512 tỷ đồng.

Theo VTVcab, đơn vị cung cấp bản quyền chương trình phát sóng giải UCL và UEL đã thông báo ngừng cung cấp tín hiệu, yêu cầu VTVcab ngừng truyền dẫn, phát sóng, quảng bá, phân phối các chương trình UCL và UEL.

Vào tháng 6/2017, VTVcab "bỗng nhiên" ngừng hàng loạt kênh NGC, FoxSport 2 trên truyền hình cáp Analog tại Hà Nội. Lý do VTVcab đưa ra là có thay đổi, muốn tăng cường phát sóng các kênh truyền hình trong nước có chất lượng.

Ngoài ra, khách hàng còn bức xúc khi hỏi tổng đài VTVcab thì được trả lời rằng, những kênh bị cắt vẫn còn trên VTVcabHD, và để xem những kênh bị cắt thì phải đóng thêm… 50.000 cùng với cước phí 110.000 trước đó.

Bây giờ đến câu chuyện hàng loạt kênh quen thuộc, yêu thích của người Việt bị "âm thầm" rút đi không một lời giải thích. Đặc biệt ngay cả khách hàng "ruột" đóng thuê bao dài hạn cũng phải ngậm "quả đắng" khi khó có thể đòi lại tiền đã nộp cho VTVcab.

Được biết, Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) hoạt động trên lĩnh vực truyền thông gồm: truyền hình trả tiền, dịch vụ internet, quảng cáo... Hệ thống cơ sở hạ tầng của VTVcab gồm 3 phần chính: hệ thống kỹ thuật sản xuất chương trình, hệ thống xử lý và phân phối tín hiệu, hệ thống truyền dẫn tín hiệu.

VTVcab vi phạm hợp đồng?

Dưới góc độ người tiêu dùng, đương nhiên khách hàng bức xúc nhưng ở góc độ pháp lý, việc VTVcab tự ý chuyển đổi kênh phải được phân tích từ... hợp đồng dân sự. Trong hợp đồng thường ghi rõ VTVcab sẽ cung cấp gói dịch vụ nào, bao nhiêu kênh, bao nhiêu tiền. Khi VTVcab đơn phương thay đổi là vi phạm hợp đồng. Nếu VTVcab muốn thay đổi thì phải đàm phán với khách hàng.

Theo đó, khi ngừng phát sóng một số kênh, tức gói dịch vụ đã giảm đi thì phải đàm phán lại để giảm mức cước xuống hoặc bổ sung hợp đồng, thay thế hợp đồng, hoặc ký lại một phụ lục hợp đồng trong đó khách hàng đồng ý thay kênh này bằng kênh kia. Nếu trong hợp đồng VTVcab giành cho mình quyền tự ý thay đổi các kênh thì đó là một hợp đồng không công bằng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Batiso cho biết: “Về nguyên tắc, khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện VTVcab khi thực hiện ngừng phát sóng các kênh mà không thông báo trước. Khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường, xin lỗi, hủy hợp đồng và không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết trước đây với truyền hình cáp”.

Tuy nhiên, theo luật sư Đức, điều quan trọng nhất là cần phải kiểm tra lại hợp đồng, trong nội dung thỏa thuận liệu có cơ sở để nói rằng họ vi phạm hay không,

“Đầu tiên cần phải xem lại hợp đồng giữa 2 bên, liệu có quy định truyền hình cáp có cung cấp bao nhiêu kênh và có kênh nào cụ thể không? Hay chỉ thỏa thuận với nhau chung chung tối đa có bao nhiêu kênh hoặc là có một số kênh phổ biến chẳng hạn. Như vậy rất khó có cơ sở để nói rằng họ cắt, giảm bớt kênh đi và họ có thể nói rằng vẫn còn một số kênh phổ biến khác. Mặc dù khách hàng mất quyền lợi rất lớn như vậy có khi truyền hình cáp lại không vi phạm hợp đồng” – luật sư Đức nói.

Theo quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…nếu một bên vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi thì bên kia có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường, yêu cầu tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đã cam kết trước đây. Trong trường hợp không thỏa thuận được hoặc vi phạm ở một mức độ nào đó thì có quyền chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường.

Chẳng hạn, nếu VTVcab cung ứng cho khách hàng gói dịch vụ với giá 600.000 đồng, với điều kiện cam kết 1 năm. Nếu chỉ mới 3 tháng mà VTVcab vi phạm, khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường hợp đồng. Ngược lại khách hàng vi phạm, VTVcab có quyền cắt hợp đồng mà không cần bồi thường”, ông Đức cho biết.

Còn trong trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: "Theo Điều 5 hợp đồng cung cấp dịch vụ của VTVcab cụ thể là Điều 5.5 quy định các trường hợp VTVcab có thể thay đổi số lượng kênh và kênh trong mỗi gói kênh theo từng thời điểm phát sóng đồng thời nêu rõ việc thay đổi sẽ diễn ra sau khi đã đăng tải trên trang thông tin chính thức và sẽ thông báo tới các khách hàng.

Như vậy, nếu gỡ bỏ và thay thế các kênh phát sóng, VTVcab phải đăng thông báo trên trang chủ, nếu không nhắn tin sẽ phải gửi thư bảo đảm hoặc thư điện tử tới khách hàng. Hơn nữa, trong các chương trình chưa có dấu hiệu của việc xâm hại tới an ninh quốc gia cũng như vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Còn theo phía các cơ quan chức năng, phía VTVcab cũng chưa đưa ra được theo yêu cầu của cơ quan nào quyết định. Có thể nói phía VTVcab đã vi phạm hợp đồng".

Cũng theo ông Truyền, về mức phạt, cần đề nghị bên Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để xem xét, việc xử lí mức phạt còn tùy theo mức độ đánh giá hành vi vi phạm. Đồng thời, luật sư khẳng định khách hàng hoàn toàn có quyền chấm dứt hợp đồng và đề nghị bồi thường nếu chứng minh được thiệt hại.

Với vị thế là một trong hai đài chiếm thị phần lớn nhất hiện nay, phải chăng cách làm "đẩy phần thiệt cho khách hàng" đã trở thành thói quen của VTVcab?

Từ 0h ngày 1/4/2018, hàng loạt kênh truyền hình quen thuộc đối với khách hàng truyền hình cáp Việt Nam như HBO, Disney, Cartoon Network, Fox Sports1,2… bỗng nhiên "biến mất" khỏi hệ thống VTVCab, thay vào đó là một số kênh lạ "chưa nghe tên bao giờ" khiến khách hàng ngỡ ngàng và sau đó là bức xúc vì họ không hề hay biết về việc thay đổi kênh này.

Cụ thể, trên hệ thống cáp analog của VTVcab có 12 kênh truyền hình nước ngoài mới, còn trên hệ thống truyền hình HD có gần 20 kênh mới. Trong số này, nhóm phim có các kênh: BOX Movie 1, Hollywood Classics, FOX. Nhóm kênh giải trí có các kênh: FashiON, KIX, Blue Ant Extreme, Blue Ant Entertainment, Woman, Dr Fit. Nhóm kênh khoa học, khám phá có các kênh Planet Earth, History. Nhóm kênh thiếu nhi có Baby TV, Cartoon Kids, Happy Kids. Nhóm kênh nước ngoài này được VTVcab mua bản quyền từ 3 nhà phân phối là: Thảo Lê, BHD và In the Box.

Trong khi đó, 23 kênh truyền hình nước ngoài vốn được khán giả VTVCab ưa thích như HBO, CineMAX, RED, AXN, WarnerTV, Discovery, Animal Planet, Discovery Asia, Fox Sports, Fox Sports 2, Cartoon Network, Disney Channel, CNN, BBC News… đều không còn nữa. Được biết, nhóm kênh nước ngoài này do công ty Qnet phân phối cho hầu hết các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam.

Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Huyền Trang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vtvcab-vi-pham-luat-bao-ve-nguoi-tieu-dung-127063.html