'VTV Đặc biệt - Đường về': Chuyện xúc động về hành trình tìm hài cốt liệt sĩ

'VTV Đặc biệt - Đường về' dự kiến phát sóng lúc 20 giờ 10 ngày 24/7 trên VTV1, là câu chuyện xúc động, hy hữu về hành trình đi tìm hài cốt người con trai liệt sĩ của 2 bà mẹ cùng quê Ninh Bình.

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và ê kíp làm phim mong muốn gửi đến khán giả bộ phim VTV Đặc biệt về hành trình tìm hài cốt liệt sĩ của 2 bà mẹ quê Ninh Bình. Anh cho biết, mình và ê kíp đã triển khai ghi hình, thu thập dữ liệu từ hơn 2 năm trước. Tuy nhiên, trong quá trình này, nhóm sản xuất đã gặp phải câu chuyện hy hữu khiến đề tài đột ngột đổi hướng.

Đó là vào năm 2002, sau nhiều năm tìm kiếm, mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình tìm được hài cốt của người con trai liệt sĩ Đinh Duy Tuân tại An Giang. Vì nhiều lý do, gia đình để phần mộ của anh tại đây và lập bàn thờ, thờ tự từ xa. Năm 2018, đến thắp hương tại mộ, mẹ Hinh mới biết hài cốt đã không còn ở đó 8 năm nay mà được gia đình mẹ Hà Thị Xuân cùng quê ở Ninh Bình chuyển về xây cất tại địa phương. Câu chuyện éo le hy hữu này đã dẫn ê kíp đến với bước ngoặt trong việc triển khai đề tài.

Cảnh trong VTV Đặc biệt “Đường về”.

Phần hài cốt trong mộ thực sự là ai? Là liệt sĩ Đinh Duy Tuân - con mẹ Hinh hay liệt sĩ Bùi Thanh Tuân - con trai mẹ Xuân? Làm thế nào để giải quyết tình huống này? 2 bà mẹ 83 tuổi đã phải đứng trước quyết định đau xót:
Khai quật mộ để xét nghiệm ADN. Không nhiều nút thắt - mở hay tình tiết xoay chiều, “Đường về” là những thước phim chân thực ghi lại cảm xúc, diễn biến tâm lý của 2 gia đình liệt sĩ mà trung tâm là 2 bà mẹ trong quá trình tìm thi hài con. Sức cuốn hút của bộ phim nằm ở hình ảnh và lời thoại tự nhiên, rất đời mà ê kíp làm phim đã kỳ công ghi lại.

Chia sẻ về quãng thời gian thực hiện bộ phim, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết, thời gian là kẻ thù của công cuộc tìm kiếm hài cốt và xác định danh tính của các anh hùng liệt sĩ. Mặc dù rất nhiều biện pháp được thực hiện, thậm chí ứng dụng công nghệ cao để xét nghiệm AND, nhưng mỗi ngày tháng trôi qua đồng nghĩa với việc đối chứng, lắp ghép dữ liệu càng thêm khó, nhân chứng ngày càng ít, mẫu hài cốt ngày một xấu. Công tác xác định hài cốt - bước cuối cùng nhưng lại là khó nhất, gian nan nhất và nhiều éo le nhất, mà không phải ai cũng hiểu được. Đó chính là điều thôi thúc anh thực hiện bộ phim này.

Với "Đường về", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết không quá áp lực để đi tìm cái "mới" mà chỉ đi tìm cái "riêng" cho bộ phim này vì mỗi câu chuyện về một liệt sĩ hay chặng đường tìm kiếm của thân nhân liệt sĩ đã là một câu chuyện riêng, không giống bất kỳ câu chuyện nào. “Khó khăn lớn nhất chính là lựa chọn câu chuyện nào, vấn đề nào để đưa vào phim sao cho không bị trùng lặp với các bộ phim tài liệu trước đây đã làm? Chúng tôi chọn những câu chuyện thực tế đang diễn ra để ghi hình theo diễn biến của các sự việc...

Nếu những đề tài lịch sử, khoa học… cần sự nghiên cứu chuyên sâu để am hiểu cội rễ vấn đề thì với những đề tài mang hơi thời đời sống, tôi nhận thấy điều quan trọng là thực sự mình phải sống với nhân vật. Với các đề tài đời sống khác, việc khó chỉ là làm sao để các nhân vật quen với sự xuất hiện của tác giả, họ không còn giữ ý khi bộc lộ cảm xúc hay quan điểm cá nhân…”, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ.

Cũng theo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, câu chuyện mà anh đề cập ở bộ phim này được thể hiện rất rõ qua những cuộc đối thoại bàn bạc, ý kiến khác nhau xung quanh việc tìm kiếm xác định hài cốt liệt sĩ. Ở đó hiện diện đầy đủ cung bậc cảm xúc lo lắng - dằn vặt - vô định - đau xót - nhân văn. "Ai cũng mong tìm được liệt sĩ của gia đình mình, mong được đưa về quê hương, được mồ yên mả đẹp. Đó là cái riêng. Nhưng khi điều kiện không thể thì mỗi gia đình lại biết nghĩ cho nhau, biết sống vì nhau, biết hy sinh cái riêng vì cái chung. "Không phải con nhà bà thì là con nhà tôi, cũng đều vì nước vì dân mà các anh hy sinh cả” - đó là thông điệp được gửi đến những gia đình chưa thể đón liệt sĩ trở về của 2 mẹ liệt sĩ đã ngoài 80 tuổi", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói.

DUY LINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/vtv-dac-biet---duong-ve-chuyen-xuc-dong-ve-hanh-trinh-tim-hai-cot-liet-si-d102275.html