VSC – Tăng mạnh khi về chân sóng 3 năm

Từng là một cổ phiếu điển hình cho trường phái đầu tư tăng trưởng nhưng VSC đã liên tục đi xuống trong giai đoạn vừa qua, gây thất vọng lớn cho nhà đầu tư. Tuy vậy, cơ hội ngắn hạn lại mở ra khi đường giá trở về vùng chân sóng cách đây 3 năm.

Diễn biến giao dịch của VSC trong thời gian gần đây

Lập đỉnh cách đây gần 2 năm, giá cao nhất của VSC, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Container Việt Nam được ghi nhận ở mức hơn 64.000 đồng. Nhưng tất cả đã dừng lại ở đây, VSC đi ngược hoàn toàn xu hướng và hoạt động giao dịch sôi động của thị trường trong năm 2017, giá cổ phiếu lầm lũi đi xuống.

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, gần như toàn bộ dòng tiền thị trường tập trung vào nhóm cổ phiếu có sóng như ngân hàng hay bất động sản mà lãng quên đi các công ty có giá trị cơ bản tốt. VSC là một trong những trường hợp như vậy, có những thời điểm cổ phiếu này chỉ còn giá 28.500 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản "teo tóp", đây chính cũng chính bằng vùng giá từ giai đoạn 2014 – 2015.

Nhưng cơ hội ngắn hạn lại xuất hiện, VSC bắt đầu phục hồi mạnh. Chốt phiên thứ Sáu (8/6) ở mức giá 35.300 đồng/cổ phiếu, VSC đạt mức tăng hơn 8% trong tuần qua. Nếu so với mức đáy, cổ phiếu này cũng đã hồi phục hơn 20%.

Dòng tiền cũng quay trở lại, khối lượng khớp lệnh trung bình trong tuần qua đạt hơn 190 nghìn đơn vị/phiên. Điểm nổi bật là hoạt động giao dịch diễn ra khá thực chất. Trong khi, tổng khối lượng đặt mua và bán trong 6 phiên gần nhất lần lượt là 1,09 triệu và 1,07 triệu thì khối lượng khớp lệnh cũng ở mức 1,01 triệu đơn vị.

Cơ cấu cổ đông của VSC

Hiện tại, VSC có 50,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, cùng sự xuất hiện dày đặc của các cổ đông ngoại. Trong đó, lớn nhất là quỹ KWE Beteilgungen AG với tỷ lệ nắm giữ gần 5,1%, tương ứng 2,55 triệu cổ phiếu VSC, đứng thứ 2, là Forum One - VCG Partners với 4,9%. Ngoài ra, hàng loạt các cổ đông tên tuổi khác cũng có mặt trong danh sách như Vietnam Holding Limited (4,87%), Deutsche Asset Management (Asia) Limited (4,41%) hay Asean Smallcap Fund (4,24%).

Hoạt động kinh doanh giữ ổn định trong điều kiện canh tranh gay gắt

Năm 2017, VSC công bố doanh thu thuần đạt 1.303 tỷ đồng, tăng trưởng 20%. Tuy vậy, LNTT chỉ đạt 298 tỷ đồng và LNST đạt 264 tỷ đồng tăng trưởng khiêm tốn 1% so với năm 2016.

Tăng trưởng về doanh thu nhưng không tăng trưởng về lợi nhuận được giải thích bằng hai nguyên nhân. (1) Chi phí nguyên vật liệu tăng 65,5% so với cùng kỳ 2016, theo đó, giá dầu đã tăng mạnh trong năm 2017; (2) Chi phí dịch vụ mua ngoài, chiếm 40% tổng chi phí, tăng mạnh so với năm 2016. Điều này xuất phát từ việc xây dựng cầu vượt ở ngã ba Đình Vũ khiến công ty phải thuê thêm kho bãi ngoài, cập cảng ở PTSC Đình Vũ.

Về sản lượng hàng hóa thông qua cảng VSC vẫn có sự tăng trưởng tốt, năm 2017 đạt 800.000 TEU, tăng 31%. Trong đó, cảng Xanh VIP đóng góp 500.000 TEU và 300.000 TEU đến từ cảng Xanh.

Sang năm 2018, VSC đặt mục tiêu đạt 1.350 tỷ đồng doanh thu và 280 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Về sản lượng bốc xếp cảng biển là 840.000 TEU, sản lượng bốc xếp tại depot ước là 620.000 TEU, những con số này đều tăng trưởng so với thực hiện năm 2017.

Kế hoạch kinh doanh năm 2018 của VSC

Theo đánh giá của các nhà phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán FPT (FTS), VSC hoàn toàn có thể đạt được kế hoạch trên. Trong đó, điểm nhấn đến từ cảng Xanh VIP, cảng này có công suất thiết kế khoảng 500.000 TEU với 2 cầu tàu có khả năng đón 2 tàu 30.000 DWT cùng một lúc.

Dù mới đi vào hoạt động từ năm 2015 nhưng đến năm 2017 cảng Xanh VIP đã đạt được 100% công suất thiết kế, doanh thu đạt 539 tỷ đồng tăng 61% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thế đạt 96 tỷ đồng. Cùng với đó, đầu năm 2018, cảng này còn ký thêm hợp đồng với khách hàng mới nên sản lượng hàng thông qua cảng dự kiến sẽ tăng lên 550.000 TEU.

Tuy vậy, quá trình cạnh tranh giữa các cảng tại Hải Phòng tiếp tục diễn ra ngày càng gay gắt. Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng công suất các cảng tại Hải Phòng tăng thêm 9% đạt gần 5 triệu TEU/năm, trrong khi nhu cầu tại cảng chỉ ở mức 4,5 triệu TEU. Do đó, tổng công suất hoạt động của các cảng tại Hải Phòng giảm từ 93% công suất thiết kế vào cuối năm 2016 xuống còn 90% vào cuối năm 2017.

Cũng theo số liệu dự báo từ Cảng vụ Hải Phòng, sản lượng hàng thông qua năm 2018 sẽ ở mức hơn 6 triệu TEU, như vậy, công suất làm hàng container của các cảng trong khu vực Hải Phòng đã vượt cầu khoảng 8%.

Ngoài ra, đầu tháng 2/2018, cảng Nam Đình Vũ (GMD) với 2 cầu tàu dài gần 450m cũng đã đi vào hoạt động. Với vị trí thuận lợi nhất ngay ở hạ lưu sông Cấm và các trang thiết bị, hệ thống công nghệ tương đồng với cảng Xanh VIP, cảng Nam Đình Vũ (GMD) và cảng Tân Vũ (PHP) sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong thời gian tới của cảng Xanh VIP của VSC.

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chung-khoan/co-phieu-noi-bat-tuan-vsc-tang-manh-khi-ve-chan-song-3-nam-3453926.html