Vpop đầu năm 2019: Khi những siêu hit được sinh ra từ status

Hiện tượng những ca khúc nổi lên từ mạng xã hội, rồi sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường âm nhạc là điều không còn mới.

Bên cạnh các sản phẩm âm nhạc được đầu tư và quảng bá theo cách truyền thống, bảng xếp hạng nhạc Việt thời gian qua bắt đầu chứng kiến sự vụt sáng của những cái tên vừa quen vừa lạ: Yêu em dại khờ (Lou Hoàng), Em sẽ là cô dâu (Minh Vương M4U, Huy Cung), Đúng người đúng thời điểm (Thanh Hưng), Một đêm say (X) (Thịnh Suy), Hồng nhan (Jack), Về đây em lo (Huỳnh Ái Vy), Xin một lần ngoại lệ (Keyo)…

Liệu có gì bất thường đằng sau thành công của những ca khúc này. Và khán giả đã ở đâu trong cuộc chiến nhạc số giữa hai trường phái chuyên nghiệp và không chuyên?

Khán giả luôn đúng

Qua rồi cái thời đường đua Vpop chỉ dành cho những nghệ sĩ kỳ cựu, được sự hỗ trợ của cả ê-kíp phía sau. Để chạm đến nơi sâu kín nhất trong tâm hồn người nghe, các ca khúc thời nay cần nhiều hơn những tiêu chí tạo thành một sản phẩm âm nhạc. Đó còn là khả năng lan truyền, kích thích sự bàn tán, tạo ra câu chuyện và đặc biệt gắn liền với khán giả.

Trước khi hiện diện trong top 10 #zingchart, một số ca khúc nổi tiếng ở dạng này từng được biết đến qua những cái tên, từ khóa phổ biến như: “clip hát bên bàn rượu của Lou Hoàng” (Yêu em dại khờ), “đám cưới Huy Cung” (Em sẽ là cô dâu, Đúng người đúng thời điểm), “bài hát nghĩa vụ quân sự” (Hồng nhan)…

Thay vì nổi tiếng nhờ tên tuổi của ca sĩ thể hiện, nhiều sản phẩm âm nhạc lại được nhận diện nhờ khả năng lan truyền trên mạng xã hội. Mở đầu là Yêu em dại khờ của Lou Hoàng. Ca khúc nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu #zingchart tuần chỉ sau vài ngày ra mắt. Ít ai biết rằng trước cú bùng nổ này, Lou Hoàng từng trải qua 1 năm mờ nhạt không hit.

Hào quang bắt đầu trở lại với nam ca sĩ từ video ghi lại khoảnh khắc anh "ngẫu hứng hát chơi" bài Yêu em dại khờ trong cơn say. Đoạn clip tạo được sự chú ý đối với cộng đồng mạng, nhanh chóng được truyền tay trên các trang mạng xã hội và giúp bản audio hoàn chỉnh gây sốt.

Tương tự, Em sẽ là cô dâu là ca khúc được sử dụng làm nhạc nền cho video đám cưới của Huy Cung. Anh chàng vốn được biết đến với những vlog hài hước với tiêu chí “hôm nay mình mang lại niềm vui cho người khác, thì chắc chắn ngày mai sẽ có người khác mang lại niềm vui cho mình”.

Sức ảnh hưởng từ trang cá nhân 2,4 triệu người theo dõi ngay thời điểm đang có sự kiện diễn ra đã đóng vai trò như một kênh quảng bá hàng đầu. Bởi, khán giả sau khi xem và chia sẻ video luôn có xu hướng đi tìm bản audio trên Zing MP3 để thưởng thức. Ca khúc thống trị #zingchart được 1 tuần và có 4 tuần liên tiếp bám chặt vị trí á quân.

Lại phải nói về ca khúc đã chặn đứng Em sẽ là cô dâu khỏi vị trí quán quân suốt 1 tháng - siêu hit Đúng người đúng thời điểm của Thanh Hưng. Bài hát có khởi điểm khá chính thống, được khán giả yêu thích nhờ giai điệu bình dân và mộc mạc.

Song, nam ca sĩ đã nhanh chóng tận dụng sức hút từ sự kiện “đám cưới Huy Cung” để giúp ca khúc tăng nhiệt. Cũng dễ hiểu vì sao Đúng người đúng thời điểm lại “yên vị” trên đỉnh #zingchart những 5 tuần liên tiếp, khi mà ca khúc vốn đã hot lại được hỗ trợ kịp thời từ câu chuyện “người thật việc thật” ngoài đời.

Bên cạnh đó, #zingchart còn chứng kiến màn “lội ngược dòng” của hai ca khúc ra mắt cách đây hơn nửa năm. Về đây em lo (Huỳnh Ái Vy) và Xin một lần ngoại lệ (Keyo) bất ngờ nổi trở lại một phần là nhờ sức mạnh của cộng đồng mạng “can thiệp”. Sau khi gây sốt trên một ứng dụng mạng xã hội, bản ballad của Huỳnh Ái Vy bất ngờ “đổ bộ” vào top 10 #zingchart tuần vào tháng 3. Còn đối với Xin một lần ngoại lệ, ca khúc hot trở lại nhờ vào video cậu bé 14 tuổi vừa đánh đàn vừa cover được chia sẻ “chóng mặt” các trang mạng.

Càng về sau, cuộc chiến giành thứ hạng trên #zingchart càng trở nên khốc liệt. Những ca khúc được quảng bá và phát hành chính thống như Em đã thấy anh cùng người ấy (Hương Giang) và Một bước yêu vạn dặm đau (Mr Siro) dần lấy lại hào quang. Nhưng không vì thế mà những sản phẩm được cư dân mạng “o bế” tỏ ra lép vế.

Bằng chứng là Hồng nhan (Jack) vẫn có 2 tuần dẫn đầu #zingchart, bất chấp sức hút dữ dội từ Em đã thấy anh cùng người ấy. So với kịch bản tình tay ba đậm chất phim Thái do Hương Giang thể hiện kiêm vai chính, câu chuyện về một người bạn nhận giấy gọi nhập ngũ của Jack tạo được nhiều sự đồng cảm hơn cả. Nam ca sĩ cũng thừa nhận: “Tôi sáng tác đơn giản lắm, thậm chí còn dùng beat hip hop miễn phí cho Hồng nhan. Cảm xúc tới đâu tôi sẽ viết đến đó chứ không có qua trường lớp gì”.

Có xứng đáng đại diện cho âm nhạc?

Việc những ca khúc không được đầu tư đúng mực, hoặc tận dụng tối đa sức hút có sẵn từ mạng xã hội đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: “Đâu rồi những sản phẩm âm nhạc đích thực?”. Thắc mắc này là hoàn toàn có cơ sở. Mới 2 năm trước thôi, #zingchart còn là chiến trường của những tên tuổi hạng A như Bảo Anh, Noo Phước Thịnh hay Soobin Hoàng Sơn.

Giờ đây, ngay cả Hương Giang với Em đã thấy anh cùng người ấy dù hot đến vậy cũng chưa thể chạm tay đến ngôi vị đầu bảng #zingchart tuần. Thậm chí, những ca khúc được phát hành truyền thống như Mình làm người yêu nhé em (Anh Tú), Anh ở đây mà (Đức Phúc), Gửi em của quá khứ (Phạm Quỳnh Anh) còn không thấy xuất hiện trong top 10.

Phải chăng, mạng xã hội mới là chìa khóa tạo nên thành công cho thị trường âm nhạc ngày nay? Câu trả lời thật ra đã được giải đáp từ lâu. Theo một số chuyên gia âm nhạc, có hai kiểu thành công của những bản hit: đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng thì mới chứng minh được độ phủ sóng và đã lan rộng từ trước khi tranh tài trên bảng xếp hạng. Dễ hiểu hơn, các ca khúc thuộc kiểu thứ hai vốn đã nổi tiếng từ một sự kiện, bộ phim, điệu nhảy hay trào lưu nào đó. Từ đó, sản phẩm mới được khán giả yêu nhạc chú ý.

Ví dụ điển hình nhất là Gangnam style, ca khúc với nội dung MV giễu nhại giới nhà giàu Hàn Quốc và điệu nhảy ngựa gây sốt toàn cầu. Hay Harlem shake năm 2013, vừa là trào lưu vừa là một điệu nhảy rất phổ biến trong giới trẻ. Dù được giới phê bình thừa nhận hay không, những ca khúc với xuất phát điểm là hiện tượng mạng xã hội vẫn được phần đông dư luận biết đến và lan truyền đến bất cứ nơi đâu.

Thời điểm mà mạng xã hội chưa có sức ảnh hưởng như ngày nay và những nền tảng nhạc số vẫn là thứ gì đó xa vời, khán giả chỉ thưởng thức âm nhạc thông qua đĩa vật lý, truyền hình và radio. Theo thời gian, sự phát triển của Internet đã thay đổi thói quen nghe nhạc của khán giả. Nó không chỉ rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm mà còn tối ưu hóa công đoạn phát hành, từ đó giúp các nghệ sĩ không chuyên dễ dàng giới thiệu ca khúc đến tai người nghe.

Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu: không nhiều ca khúc nổi tiếng từ mạng xã hội đáp ứng đủ tiêu chí chất lượng của một sản phẩm chuyên nghiệp. Hồng nhan gây sốt nhờ giai điệu bắt tai, câu chuyện chân thật nhưng khó có thể đặt chân lên những sân khấu lớn. Đúng người đúng thời điểm đi vào lối mòn về thể loại và ca từ khi chỉ đảo ngược ý tưởng từ Sai người sai thời điểm. Một đêm say (X) lẽ ra sẽ xuất sắc hơn nếu tác giả Thịnh Suy không tham khảo quá nhiều ý tưởng từ While your lips are still red của ban nhạc Nightwish.

Nhưng cũng khó mà trách họ, vì quyền lực vẫn nằm trong tay của khán giả. Các ca khúc mà theo giới chuyên môn là nghiệp dư luôn trở thành lựa chọn hàng đầu của số đông người nghe. Bởi, những bài hát này tạo được sự đồng cảm, gần gũi với người trẻ. Đổi lại, chủ nhân của chúng cần nhiều cố gắng, nỗ lực ở các sản phẩm tiếp theo nếu muốn duy trì thành công trước đó.

Vũ Duy

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vpop-dau-nam-2019-khi-nhung-sieu-hit-duoc-sinh-ra-tu-status-post938440.html