VPHC về phá sản doanh nghiệp bị phạt tới 40 triệu đồng

Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 40 triệu đồng, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Cụ thể, đối với hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Nghị định quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng đối với hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn của những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Liên quan đến hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ nộp đơn, Nghị định quy định phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, chủ tịch hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Đối với các hành vi vi phạm trách nhiệm thông báo doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, Nghị định quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Thông báo doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không chính xác gây thiệt hại cho doanh nghiệp, hợp tác xã; không thông báo bằng văn bản cho những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại Điều 5 của Luật Phá sản.

Mức phạt vi phạm quy định về nghĩa vụ cung cấp tài liệu

Đối với các hành vi: Không cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản cho chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã, Tòa án, Viện kiểm sát, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp có lý do chính đáng; cung cấp không chính xác tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản cho chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã, Tòa án, Viện kiểm sát, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do không khách quan, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với người nộp đơn có hành vi gian dối trong việc yêu cầu mở thủ tục phá sản, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà không thông báo công khai về quyết định mở thủ tục phá sản sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án.

Vũ Phương Nhi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chi-dao-quyet-dinh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu/vphc-ve-pha-san-doanh-nghiep-bi-phat-toi-40-trieu-dong/401139.vgp