VPF du lịch, không phải du học!

Dư luận bàn tán xôn xao về việc các thành viên VPF sau một mùa giải mệt nhọc đã cùng nhau du lịch châu Âu nửa tháng nhưng lại đánh lận con đen là du học.

Chuyện các nhà tổ chức giải tổ chức du học nước ngoài bằng tiền của mình không mới, như rất nhiều lần đời Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng trước đây từng làm, khi đi châu Âu, lúc đi Hàn, Nhật.

Ông Thắng cũng bị lời ra tiếng vào về việc đưa các cổ đông của VPF, những ông chủ CLB hoặc người trực tiếp làm bóng đá du học ở các nền bóng đá tiên tiến mà thiếu hành. Nhưng cách lý giải của ông Võ Quốc Thắng rất rõ ràng: Lợi nhuận mang lại từ bóng đá, VPF đầu tư ngược lại cho những người làm bóng đá của CLB. Đó là những đợt tổ chức du học rõ ràng, có tham quan cơ sở vật chất ở các CLB nổi tiếng để giúp cổ đông mở mang kiến thức; có học hỏi, hợp tác với một số CLB hoặc chuyên gia hỗ trợ bóng đá Việt Nam, như lần mời cả hai trưởng giải người Nhật là Tanabe và Tanaka Koji.

V-League khó tránh được “sạn” nhưng 18 mùa rồi mà cả nước chỉ có năm CLB đủ chuẩn chuyên nghiệp. Ảnh: HUY PHẠM

V-League khó tránh được “sạn” nhưng 18 mùa rồi mà cả nước chỉ có năm CLB đủ chuẩn chuyên nghiệp. Ảnh: HUY PHẠM

Nhắc lại chuyện cũ của VPF để thấy rằng việc đưa các thành viên CLB du học các nền bóng đá ngoại là rất bổ ích và đúng đắn. Có thể họ chưa áp dụng ngay các phương pháp cũ người mới ta vì các điều kiện khác nhau nhưng việc học trực tiếp ở các CLB nước ngoài giúp họ không bổ ngang cũng bổ dọc. Rõ nhất là chuyến đi Nhật, các thành viên trong cổ đông VPF cũng là những nhà làm bóng đá chuyên nghiệp rút ra được mối gắn kết giữa cổ động viên với đội bóng và xã hội. Điển hình một đại diện của CLB B. Bình Dương khi ấy đi về đã nhấn mạnh: “Tôi chứng kiến các cổ động viên CLB của Nhật chứng kiến đội nhà thua tan nát nhưng vẫn đứng rất lâu ở khán đài sau trận đấu chờ cầu thủ của mình đến để chia sẻ thất bại và động viên nhau. Đó không chỉ là văn hóa trên sân cỏ mà là văn hóa của chính người Nhật khi luôn tôn trọng việc xếp hàng kể cả lúc đói cồn cào chờ được phát cơm từ thiện sau thiên tai…”.

Nhưng vấn đề của chuyến du học mùa này không phải du học mà nói thẳng là du lịch. Trong công văn gửi các tổ chức thành viên của mình, VPF gọi chuyến du lịch là “Cử đoàn công tác tham gia học tập - nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp tại châu Âu, từ ngày 17 đến 31-10”. Nhưng nhìn vào lịch trình nửa tháng ấy, 40 thành viên của VPF có hai lần xem thi đấu bóng đá tại Pháp và Ý, còn lại là những bữa ăn uống, ở khách sạn và tham quan các địa điểm nổi tiếng.

Nếu chỉ có hai trận vào sân xem cầu thủ đá bóng với tư cách khán giả mà các thành viên VPF “học tập - nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp châu Âu” để trở về nâng tầm làng bóng nước nhà thì quả là tài thật!

Và không phải CLB nào cũng cử người làm bóng đá thật sự cho chuyến đi khi có nhiều gương mặt lạ lẫm, hy vọng là những cán bộ nguồn để mang kinh nghiệm về xây dựng đội bóng ngon lành hơn.

VPF cần khuyến khích và đầu tư nhiều hơn nữa những đợt du ngoạn bóng đá kiểu như vậy, xong thì chu du khắp thế giới cũng là chuyện thường tình. Còn nếu không phải học tập hay nghiên cứu thì hãy gọi cho đúng là du lịch, mắc gì phải “treo biển du học, bán thịt… du lịch”.

GIA HUY

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-thao/vpf-du-lich-khong-phai-du-hoc-799385.html