VPF bàn cách 'giải cứu' V.League 2020

Ngày 25/3, VPF đã gửi công văn tới các CLB về việc sẽ hoãn V.League và giải Hạng Nhất 2020 đến ngày 15/4 do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Mặc dù đã lùi thời gian, khả năng các giải đấu trở lại giữa tháng 4 vẫn chưa chắc chắn khi không có gì đảm bảo tình hình dịch bệnh ở thời điểm đó đã được kiểm soát.

Đảm bảo lịch thi đấu

VPF, VFF và Tổng cục Thể dục thể thao đang phải tính đến phương án tổ chức V.League và giải Hạng Nhất sao cho hợp lý nhất để đảm bảo lịch tập trung và các kế hoạch của đội tuyển quốc gia.

Hai phương án tổ chức đã được đưa ra để sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh. Phương án 1 là các giải đấu sẽ bắt đầu trở lại từ ngày 15/4 đến và phương án 2, lịch sẽ tiếp tục được dời ngày 1/5. Các đội bóng sẽ thi đấu vòng tròn hai lượt theo lịch thi đấu đã được sắp xếp. Các trận đấu sẽ diễn ra ở các địa điểm cố định. Các đội thi đấu theo hình thức vòng tròn 2 lượt (sân nhà-sân khách) theo kết quả bốc thăm từ đầu giải.

Một số đội bóng như Thanh Hóa đối diện nguy cơ tồn vong nếu V.League 2020 bị hủy.

Một số đội bóng như Thanh Hóa đối diện nguy cơ tồn vong nếu V.League 2020 bị hủy.

VFF đang tính đến giải pháp thi đấu tập trung, hạn chế di chuyển bằng máy bay. Cụ thể, một cụm các sân đấu ở miền Bắc sẽ được lựa chọn do có một nửa số đội bóng ở V.League 2020. Do không có khán giả nên lợi thế đá sân nhà trong tình huống này cũng không phải là yếu tố quá quan trọng.

Dựa theo yếu tố địa lý, vùng miền, 14 CLB sẽ được chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 gồm 6 đội được thi đấu trên sân nhà gồm Thanh Hóa (sân Thanh Hóa), Hải Phòng (sân Lạch Tray), Hà Nội và Viettel (sân Hàng Đẫy), Nam Định (sân Thiên Trường), Quảng Ninh (sân Cẩm Phả).

Nhóm 2 là các CLB sử dụng sân nhóm 1 làm sân nhà: Sông Lam Nghệ An (sân Thanh Hóa), Hoàng Anh Gia Lai (sân Thiên Trường), Quảng Nam (sân Lạch Tray), SHB Đà Nẵng (sân Cẩm Phả). Nhóm 3 là các đội sử dụng sân trung lập làm sân nhà: Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Bình Dương (sân PVF), CLB TP.Hồ Chí Minh và Sài Gòn FC (sân Mỹ Đình).

Kế hoạch này sẽ giúp giải đấu vẫn tiến hành theo thể thức sân nhà - sân khách, đồng thời các trận đấu sẽ diễn ra liên tục trong giai đoạn ngắn (khoảng 1 tháng) nhưng vẫn đảm bảo thể lực cho các cầu thủ (do không phải di chuyển quá nhiều). Mặt khác V.League 2020 lượt về có thể giảm tải tần suất thi đấu, giúp giải về đích đúng hạn định.

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF Trần Anh Tú cho biết: "Trong bối cảnh hiện nay, nếu bị động chờ dịch thì giải rất khó có thể diễn ra đúng kế hoạch, ảnh hưởng tới cả các CLB và ĐTQG. Tuy nhiên nếu hủy giải, thiệt hại cho các đội bóng sẽ rất nặng nề. Phương án này đảm bảo chúng ta không bị quá căng thẳng về thời gian ở nửa sau của mùa giải, thời điểm Việt Nam đã ngăn chặn dịch thành công".

Mặc dù vậy cách thức tổ chức này cũng có những vấn đề. Với mật độ thi đấu dày khoảng 4 ngày/trận, không phải mặt sân nào cũng có thể đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ban tổ chức.

VPF cũng lưu ý rằng nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các SVĐ có thể mở cửa đón CĐV vào sân. Các đội bóng tại V.League sẽ nghiên cứu cách thức tổ chức này trước khi gửi phản hồi, đóng góp lại vào ngày 28/3.

Tín hiệu tích cực

Điều có thể thấy rõ là VPF đang muốn tiếp tục giải đấu và vấn đề hiện tại chỉ là tìm ra phương án tối ưu để V.League 2020 diễn ra một cách an toàn nhất có thể. Như phát biểu của ông Trần Anh Tú, VPF chia sẻ khó khăn với các CLB, đặc biệt là các đội bóng sẽ lâm nguy nếu như giải đấu bị hủy bỏ hoàn toàn.

Ý kiến hủy V.League 2020 đã được ông Nguyễn Húp, Chủ tịch CLB Quảng Nam đưa ra. Tất nhiên đây cũng là một phương án cần được tính đến nếu như dịch COVID-19 tiếp tục có những chuyển biến nghiêm trọng hơn. Song đây là phương án cuối cùng, bất đắc dĩ lắm mới phải thực hiện, bởi có nhiều CLB sẽ thực sự đứng trước nguy cơ tồn vong nếu giải đấu bị hủy.

V.League 2020 sẽ trở lại với thể thức mới.

Thanh Hóa là một ví dụ. Đây là đội bóng hoạt động bởi số vốn được huy động từ 15 doanh nghiệp chung tay với bầu Đệ. Nếu hủy giải, đồng nghĩa với việc bầu Đệ sẽ phải đền bù hợp đồng cho các đối tác bởi hầu hết số vốn đã được giải ngân hết để trả phí lót tay cho các thành viên đội bóng.

Trả lời báo giới, ông Đệ cho biết: "Hủy V.League là điều không nên. Hậu quả của các đội là khôn lường. Mỗi CLB đều có những bản hợp đồng nội, ngoại, dễ nảy sinh tranh chấp hợp đồng lao động. Thậm chí việc hủy giải có thể làm một CLB biến mất".

Không chỉ Thanh Hóa, mà Sông Lam Nghệ An và Hải Phòng cũng như vậy. Nếu như giải đấu không tiếp tục diễn ra, họ sẽ không được tiếp tục cấp ngân sách để duy trì hoạt động đội bóng.

Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cũng có ý kiến về vấn đề này: "V.League là giải đấu chuyên nghiệp và trong mọi hoàn cảnh, cầu thủ cũng cần phải có các hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, các CLB cũng đang đứng trước khó khăn khi vẫn phải duy trì hoạt động cũng trả lương cho cầu thủ trong thời gian giải đấu tạm nghỉ. Việc này đồng thời cũng tạo ra những ảnh hưởng về mặt thương mại, về sự phát triển và sự ổn định của CLB.

Nếu điều này diễn ra trong quá trình dài thì đó thực sự là một khủng hoảng đối với bóng đá thế giới nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng. Do vậy, chúng tôi đang rất cố gắng để đề ra các giải pháp, cũng như có sự tính toán thật kỹ, để đảm bảo cho các CLB, các cầu thủ duy trì hoạt động chuyên môn."

Ngay cả một đội bóng có tiềm lực tài chính mạnh như Hà Nội FC, ông bầu Đỗ Vinh Quang cũng chia sẻ tình trạng trì hoãn kéo dài 1-2 tháng thì mọi chi phí như lương thưởng cầu thủ vẫn nằm trong khả năng tài chính của CLB, nhưng mọi chuyện sẽ phải tính toán lại nếu thời gian không thi đấu kéo dài đến 4-5 tháng.

Trong khi ở nhiều giải đấu trên thế giới, các CLB đang kêu gọi cầu thủ giảm lương để chia sẻ khó khăn với đội bóng thì tại V.League, hầu hết các đội bóng vẫn đang giữ nguyên chế độ cho các thành viên. Giám đốc điều hành của Dược Nam Hà Nam Định, Đinh Thế Toàn cho biết trong tháng này, các cầu thủ cũng đã thi đấu 2 trận nên việc cắt giảm lương chưa tính đến. Nếu tiếp tục có thông báo về việc lùi thời gian thì ban lãnh đạo sẽ làm việc với Ban huấn luyện, các cầu thủ, cả đội phải ngồi lại để bàn về bài toán kinh tế.

Việc giải đấu tiếp tục được diễn ra vì thế sẽ tốt cho phần lớn các đội bóng tại V.League. Tuy nhiên cần phải nhắc lại là sự an toàn vẫn phải được đặt lên trên tất cả, như lời Chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Thắng.

VPF cũng đề nghị các CLB tăng cường công tác quản lý cầu thủ, thường xuyên theo dõi và thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời yêu cầu ban tổ chức trận đấu phối hợp với Sở Y tế địa phương nghiêm túc thực hiện công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, chủ động vệ sinh, khử trùng tổng thể các hạng mục liên quan, đảm bảo an toàn và sẵn sàng khi các giải đấu tiếp tục diễn ra.

Những thay đổi mới trong hệ thống thi đấu từ năm 2021

Song song với việc tìm ra phương án thi đấu để thích ứng với diễn biến của dịch COVID-19, VPF và VFF cũng đã đề xuất những thay đổi lớn trong hệ thống thi đấu các giải vô địch quốc gia trong năm 2021.

Đầu tiên là việc gia tăng số CLB thi đấu Hạng Nhất Quốc gia từ 12 lên 14, duy trì ổn định mô hình về số lượng CLB tại V.League và Hạng Nhất. Do đó, số CLB thăng hạng từ Hạng Nhì lên Hạng Nhất trong năm 2020 sẽ là 3 đội, thay vì 1.

Duy trì số lượng CLB thi đấu tại Hạng Nhì là 16 đội, chia làm 2 bảng theo khu vực địa lí. Tích hợp thể thức thi đấu giống với cách tổ chức thường quy của V.League và Hạng Nhất, tức là 1 trận/tuần, thay vì mật độ 4-5 ngày/trận. Ngoài ra mở rộng quy mô Vòng chung kết, xem xét việc cho phép các CLB Hạng Nhì thi đấu Cúp Quốc gia để hướng tới lộ trình chuyên nghiệp hóa.

Bên cạnh đó, VFF và VPF khuyến khích các CLB phong trào, đại học và lứa trẻ của đội chuyên nghiệp thi đấu Hạng Ba, dần mở rộng chân đế hệ thống thi đấu, khai thác tối đa tiềm lực của bóng đá Việt Nam.

Về các giải trẻ, xem xét đề nghị lược bỏ Giải U21 Quốc gia khỏi hệ thống thi đấu quốc gia do xung đột với cách thức tổ chức mới. Đối với Giải U19 Quốc gia, xem xét giữ nhưng không cho phép các cầu thủ đã đăng kí thi đấu chuyên nghiệp tham dự.

Khuyến khích các đội trẻ tham dự vào hệ thống thi đấu thường quy, bắt đầu từ Hạng Nhì, hướng tới hình thành sân chơi thường xuyên của cho cầu thủ lứa tuổi U19-U21. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực mở rộng thể thức thi đấu Giải U17 và U15 Quốc gia nhằm tạo nền tảng tiến lên cấp độ bán chuyên và chuyên nghiệp.

Cuối cùng, tất cả các giải đấu được sắp xếp tuân thủ chặt chẽ các quãng thời gian FIFA Days, giải đấu châu lục và khu vực nhằm tránh xung đột với việc tập trung lực lượng Đội tuyển quốc gia.

Đơn Ca

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/vpf-ban-cach-giai-cuu-v-league-2020-588008/