VPBank báo lãi 6 tháng tăng 34% cùng kỳ năm trước, hệ số NIM tiếp tục cải thiện lên 9,4%

Mặc dù chi phí dự phòng trong 6 tháng đầu năm 2018 trích 5.400 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (3.995 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB-HoSE) sáng ngày 20/7 cho biết tổng thu nhập hoạt động hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 14.511 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ tiêu cả năm. Lợi nhuận hợp nhất nửa đầu năm 2018 đạt hơn 4.375 tỷ đồng, tăng 34% so với 6 tháng năm 2017, đạt 41% kế hoạch.

Tổng tài sản đến cuối quý II đạt 293.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và tăng 18% cùng kỳ. Dư nợ huy động cuối quý II tăng xấp xỉ 8% và tăng 10% so với cùng kỳ. Kênh trái phiếu cũng được ngân hàng tích cực sử dụng để huy động vốn.

Tăng trưởng tín dụng bao gồm cả cho vay và trái phiếu đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2017 và tăng 19% so với số liệu cùng kỳ. Trong đó, FECredit đóng góp 22% dư nợ.

Tỷ lệ tín dụng/ huy động (LDR) đạt 73%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 29,3%, thấp nhiều so với quy định hiện hành (45%). Tới cuối tháng 6, các chỉ số đều an toàn so d với quy định. trong đó CAR 13,2%, CAR tính toán theo Basel II đạt 12,4%. Hệ số CAR chỉ tính trên vốn cấp 1 đạt 11,4%.

Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 14.511 tỷ đồng, trong đó thu nhập ngoài lãi khả quan. Phí thu được trong hợp tác bán bảo hiểm AIA đạt 70% kế hoạch cả năm đề ra. Theo đại diện VPBank, đây là cơ sở để tin tưởng việc hợp tác mang lại kết quả khả quan các năm tới.

Chi phí dự phòng trong 6 tháng đầu năm 2018 trích 5.400 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (3.995 tỷ đồng). Việc thu hồi nợ hợp nhất trong nửa đầu năm đạt 724 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ 2017, trong đó hơn 520 tỷ đồng thu được từ FECredit.

Lợi nhuận hợp nhất nửa đầu năm 2018 đạt hơn 4.375 tỷ đồng, tăng 34% so với 6 tháng năm 2017. FECredit đang đóng góp 36% trong cơ cấu lợi nhuận trước thuế.

Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) giảm từ 35,54% cuối năm 2017 xuống 32,31% nửa đầu năm 2018. NIM tăng từ 9,26% cuối năm 2017 lên 9,42% nửa đầu năm 2018.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) của VPBank tính đến hết quý II đang ở mức 2,46% và 22,36%. Mặc dù ROE điều chỉnh một phần do ảnh hưởng từ việc tăng vốn.

Về hoạt động kinh doanh nửa đầu năm, Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank Lưu Thị Thảo cho biết tổng số khách hàng active đạt gần 5,4 triệu người, tổng số lượng thẻ đạt 2,8 triệu thẻ chiếm 27% thị phần và xếp thứ 3 trong hệ thống, dẫn đầu về số lượng thẻ mới phát hành. Kênh onboarding online credit card đã phát hành hơn 8.900 thẻ.

Chi tiêu thẻ của VPBank đạt gần 10 triệu đồng/ thẻ, chiếm hơn 20% thị phần chi tiêu thẻ. Trong năm 2017, doanh số chi tiêu thẻ của VPBank cũng đứng số 1 tại Việt Nam với 17% thị phần tính đến cuối năm 2017.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, VPBank triển khai mảng afluent banking (khách hàng VIP), đưa vào VPBank Dream vào hoạt động và trở thành nền tảng số giúp mang về đáng kể lượng khách hàng mới. Số lượng tiền gửi bình quân mỗi khách hàng qua kênh VPBank Dream tại 30/6 đạt 6,2 triệu đồng.

Thanh Thủy

Nguồn NDH: http://ndh.vn/vpbank-bao-lai-6-thang-tang-34-cung-ky-nam-truoc-he-so-nim-tiep-tuc-cai-thien-len-9-4--20180720101520461p149c165.news