Vostok-2018: Vì sao Nga phô diễn sức mạnh?

Tại sao Nga tập trận rầm rộ ở khu vực vốn chỉ dùng để gửi thông điệp cho Trung Quốc, thậm chí còn mời 3.000 quân Trung Quốc cùng tham gia?

Nga chơi bài ngửa

Cuộc tập trận Vostok-2018 (Phương Đông 2018) của Nga được đánh giá có quy mô lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Ngày đầu tiên (11/9) được sử dụng để bố trí lực lượng: 300.000 quân, 36.000 xe tăng và xe quân sự, 1.000 máy bay và 80 chiến hạm.

Ngày thứ hai diễn tập phòng không và ngày thứ ba mới “dành cho sự kiện chính” mà Bộ Quốc phòng Nga từ chối tiết lộ chi tiết.

Hầu hết các loại vũ khí tối tân nhất được Nga mang ra phô diễn: Tên lửa Iskander có thể mang đầu đạn hạt nhân, xe tăng T-80, T-90, chiến đấu cơ Su-34, Su-35.

Trên biển, hạm đội Nga trình diễn các tàu khu trục trang bị tên lửa Kalibr từng được sử dụng trong các chiến dịch ở Syria.

Hình ảnh duyệt binh dã chiến từ thao trường Tsugol ngày 13/9 trong khuôn khổ Vostok-2018

"Vostok-2018" được tổ chức sau một loạt cuộc tập trận khác ở Caucasus, Biển Đen, gần đây là Địa Trung Hải và Bắc Cực trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng.

Hãng tin Sputnik đã không ngần ngại chỉ ra rằng cuộc tập trận này là một tín hiệu gửi đến toàn thế giới rằng Nga không đơn độc trước sức ép của NATO.

Giới phân tích phương Tây cũng thừa nhận có 2 lý do khiến Nga phải hành động. Thứ nhất, Tổng thống Putin muốn chứng tỏ với NATO rằng quân đội Nga, sau một thời gian dài bị suy yếu nay đã hoàn toàn phục hồi uy thế.

Tổng thống Nga V. Putin (giữa) cùng Bộ trưởng Quốc phòng S. Shoigu (trái) và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga V. Gerasimov quan sát cuộc tập trận Vostok-2018

Thứ hai, Nga không thể ngồi yên khi thấy các thành viên của NATO ở sườn Tây như Ba Lan và 3 nước Baltic tăng cường mua sắm vũ khí của Mỹ. Washington biện minh các loại vũ khí tăng cường là để NATO phòng thủ, nhưng cũng có thể được dùng để tấn công khi cần thiết.

Moscow muốn chứng tỏ với phương Tây rằng họ có Bắc Kinh bên cạnh và đủ sức mạnh quân sự để đối đầu với một cuộc xâm lăng. Nếu cần thiết, quân đội Nga có khả năng chuyển từ phòng thủ sang tấn công.

Người phát ngôn của NATO, Daylan White bình luận: “Vostok-2018 nằm trong hướng đi của Nga trong thời gian qua. Đó là nước Nga ngày càng tự tin, gia tăng ngân sách quốc phòng và can thiệp quân sự”.

Ở sườn phía Tây của Nga, tức sườn Đông của mình, NATO tiếp tục ráo riết áp sát Nga. Ba Lan có kế hoạch cho phép Mỹ triển khai một căn cứ quân sự thường trực, điều mà Warsaw mong muốn từ lâu.

Thông điệp cứng rắn gửi đến phương Tây?

Vào ngày 18/9 tới, Tổng thống Ba Lan Andrzei Duda sẽ thảo luận trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng về an ninh ở Trung Âu và việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

Động cơ chính trị là để củng cố vị thế của Ba Lan với tư cách là đồng minh Đông Âu chính của Mỹ. Mỹ đã có một số hành động đáp ứng mong muốn này của Ba Lan, thậm chí có thể triển khai quân Mỹ tại căn cứ thường trực ở Ba Lan ngoài khuôn khổ NATO, nghĩa là trên cơ sở thỏa thuận song phương.

Đổi lại, Ba Lan tỏ ý sẵn sàng trả phần lớn chi phí cho việc duy trì căn cứ thường trực này trên lãnh thổ của mình (dự kiến ngân sách được phân bổ lên tới 1,5-2 tỷ USD) và cung cấp cơ sở hạ tầng của mình cho quân đội Mỹ.

Ý kiến trái chiều...

Tuy nhiên, hiện cũng có ý kiến cho rằng chính Nga đang thổi phồng quy mô và tầm quan trọng của cuộc tập trận Vostok-2018. Theo nhà phân tích quân sự độc lập người Nga Aleksandr Golts, Vostok-2018 không thể so sánh với cuộc tập trận ở kỷ nguyên Brezhnev cả về quy mô và mục tiêu.

Năm 1981, Moscow sử dụng các cuộc tập trận Zapad-81 để gửi thông điệp chính trị cho Ba Lan. Khi đó, Liên Xô có một quân đội hùng mạnh với 5 triệu quân và chỉ triển khai từ 100 đến 120.000 binh sĩ trong các cuộc tập trận, tức chiếm 2-3% tổng số quân.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/vostok-2018-vi-sao-nga-pho-dien-suc-manh-3365424/