VOS 'mắc cạn'

VOS khiến nhà đầu tư ngán ngẩm khi tiếp tục báo lỗ ghi nhận kết quả lỗ 58,8 tỷ đồng trong quý III/2017 - ghi nhận quý thứ 11 liên tiếp không thể kinh doanh có lãi.

Liên tiếp kinh doanh không lãi

CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco – mã chứng khoán VOS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017 với kết quả lỗ gần 59 tỷ đồng, giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, doanh thu trong quý đạt 369,33 tỷ đồng, tăng 39% so với quý 3 năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí giá vốn bỏ ra lớn hơn cả doanh thu, nên Vosco đã chịu lỗ gần 22 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần đạt gần 1.100 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong số đó, doanh thu từ vận tải đạt hơn 1.074 tỷ đồng, chiếm 97,6% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu từ thương mại và dịch vụ.

Doanh thu hoạt động tài chính quý 3 đạt 2,28 tỷ đồng, giảm 1,8 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm doanh thu tài chính đạt 11 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với con số 23 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2016. Tính đến 30/9, Vosco còn hơn 48 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, giảm 29 tỷ đồng so với đầu năm, tiền gửi có kỳ hạn tăng 64 tỷ đồng.

Công ty đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng doanh thu, kiểm soát chi phí, nhưng do lượng cung tàu vẫn tăng làm cho giá cước tiếp tục duy trì ở mức yếu trong khi giá nhiên liệu tăng mạnh, kết quả chung là Công ty vẫn lỗ.

Liệu có phục hồi?

VOSCO được biết đến là doanh nghiệp vận tải biển quốc gia hàng đầu Việt Nam. Tính chất hàng đầu không chỉ thể hiện ở bề dày truyền thống lên tới 40 năm mà còn bởi quy mô vốn, đội tàu, năng lực vận tải của VOSCO vượt xa bất kỳ doanh nghiệp vận tải biển trong nước nào. Tuy nhiên cùng với sự khó khăn của ngành vận tải biển thì VOSCO đã chìm trong thua lỗ triền miên.

Năm 2017, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh là “giảm lỗ tối đa”. Trước đó, VOS đã lỗ nặng cả hai năm 2015 và 2016 nên nếu năm nay không có lãi thì VOS sẽ tiếp gót VST, NOS, VSP, SSG… bị hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc do thua lỗ liên tiếp.

Nhìn vào kết quả kinh doanh giai đoạn đầu năm 2017 vừa được công bố thì có thể mục tiêu “khiêm tốn” này cũng khó hoàn thành.

Kế hoạch đầu năm 2017 của VOSCO là thanh lý 2 con tàu Sông Ngân và Vĩnh Thuận. Vào cuối tháng 6 vừa qua VOS đã thông báo bán tàu Sông Ngân với giá bán nguyên trạng là 16,5 tỷ đồng, tuy nhiên công ty vẫn chưa có thông báo chính thức xem đã hoàn tất việc bán tàu Sông Ngân chưa. Trong những năm qua, VOSCO đã phải thanh lý một nửa đội tàu, nhưng kết quả kinh doanh vẫn không thể tốt hơn.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, hiện Vosco đã tạm dừng thanh toán nợ gốc đến hạn đối với khoản vay đóng tàu mới trị giá hơn 840 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ. Trước đó, với sự hỗ trợ của Vinalines và Bộ Giao thông Vận tải, công ty đã làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để được xóa lãi, giãn trả nợ gốc các khoản vay đóng tàu mới. Ước tính số tiền lãi phải trả đã được hạch toán miễn giảm, tăng thu trong năm qua khoảng 200 tỷ đồng.

Ở thời kỳ huy hoàng của vận tải biển, VOSCO trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu giới tàu biển tại Việt Nam. Với đội tàu hùng mạnh, công ty nhanh chóng chinh phục các cung đường vận tải và là đơn vị đầu tiên chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ, Ấn Độ, Australia… Sau 37 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, công ty hoàn tất quá trình cổ phần hóa và đại diện Nhà nước là Vinalines nắm giữ 51% vốn điều lệ.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vos-mac-can-120421.html