'Vòng xoáy' lạm phát cao tiếp tục càn quét nhiều nước trên thế giới

Lạm phát cao đang được ghi nhận tại nhiều quốc gia như Chile, Ba Lan, Đức, Tây Ban Nha...; tại Anh, các hộ gia đình được dự báo sẽ phải đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt trong năm 2022.

Ngân hàng Trung ương Chile đã tăng lãi suất trong những tháng gần đây, và không loại trừ động thái này sẽ còn tiếp diễn. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Chile đã tăng lãi suất trong những tháng gần đây, và không loại trừ động thái này sẽ còn tiếp diễn. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Viện Thống kê Quốc gia Chile (INE) cho biết tỷ lệ lạm phát của Chile đạt mức 7,2% vào năm 2021, cao nhất kể từ năm 2007.

Tỷ lệ lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này trong năm ngoái vượt xa mức lạm phát 2,97% đã ghi nhận vào năm 2020 và cao hơn nhiều so với dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 12/2021 đã tăng 0,8% so với tháng trước đó.

Bộ trưởng Kinh tế Chile Lucas Palacios cho biết, mặc dù lạm phát ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng nó ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người có "nguồn lực tài chính yếu hơn."

Ông Palacios cho biết, CPI tháng 12/2021 tăng cao hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường thể hiện mối quan ngại kép. Đó là lý do tại sao Ngân hàng Trung ương Chile đã tăng lãi suất trong những tháng gần đây, và không loại trừ động thái này sẽ còn tiếp diễn.

Theo Bộ trưởng, tỷ giá hối đoái tăng do bất ổn chính trị và kinh tế, trong khi tính thanh khoản cao do xu hướng rút tiền từ các quỹ hưu trí, là những yếu tố chính giải thích cho tình trạng lạm phát cao của Chile trong năm 2021.

Trong khi đó, lạm phát của Ba Lan đạt 8,6% vào tháng 12/2021, mức cao nhất kể từ tháng 11/2000. Văn phòng Thống kê Nhà nước Ba Lan hôm 7/1 báo cáo, thực phẩm và đồ uống, năng lượng và xăng dầu là những mặt hàng chính góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng vừa qua.

Giá lương thực tại Ba Lan trong tháng 12/2021 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi giá năng lượng và nhiên liệu lần lượt tăng 14,3% và 32,9%.

Chính phủ Ba Lan đã thông báo rằng họ đang lên kế hoạch cho các biện pháp bổ sung để giảm bớt ảnh hưởng của lạm phát, bao gồm giảm thuế VAT đối với nhiên liệu, từ 23% xuống 8%. Lạm phát của Ba Lan liên tục nằm trong số những nước có mức lạm phát cao nhất thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong hai năm qua.

Đức là một trong những nước ghi nhận lạm phát cao trong Eurozone. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12/2021. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan bắt đầu được thu thập.

Cũng theo Eurostat, trong các nước thành viên Eurozone, lạm phát đặc biệt cao ở các quốc gia Baltic. Estonia ghi nhận mức cao nhất với 12%, kế đến là Lithuania với 10,7%. Xét theo quy mô các nước lớn trong Eurozone, Tây Ban Nha ghi nhận mức lạm phát cao nhất với 6,7%, kế đến là Đức 5,7%.

Chi phí năng lượng tăng vọt vẫn “đeo bám” các hộ gia đình Anh

Thông tin từ ngành công nghiệp cho thấy do giá khí đốt bán buôn ở Vương quốc Anh vẫn cao hơn 4 lần so với cùng thời điểm năm ngoái, các hộ gia đình tại nước này sẽ phải đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt vào năm 2022.

Theo số liệu từ Sàn giao dịch Liên lục địa (ICE), trong phiên giao dịch thứ Sáu (7/1), giá khí đốt tự nhiên giao kỳ hạn của Vương quốc Anh vào khoảng 2,2 bảng Anh (tương đương 2,99 USD) mỗi therm (100.000 Btu).

Con số này đã giảm so với mức kỷ lục 4,16 bảng (khoảng 5,65 USD) mỗi therm vào tháng 12/2021, nhưng vẫn ở mức khá cao. Để so sánh, giá chỉ khoảng 0,5 bảng (khoảng 68 xu Mỹ) mỗi therm vào cùng thời điểm năm ngoái.

Trong khi cơ quan quản lý năng lượng Anh - Văn phòng Thị trường Điện và Khí đốt (Ofgem) sẽ điều chỉnh mức trần giá năng lượng vào tháng 2/2022, các chuyên gia dự kiến hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng nước này sẽ tăng khoảng 50% vào tháng Tư.

Ông Samuel Tombs, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics cho biết nếu mức tăng trên thành hiện thực, nó sẽ đẩy CPI của Anh tăng thêm 6,2%.

Chuyên gia này cũng cho rằng mức tăng trên sẽ lớn hơn nếu các nhà cung cấp được đền bù ngay lập tức vì đã tiếp nhận khách hàng của các công ty đã phá sản.

Các hộ gia đình tại nước này sẽ phải đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt vào năm 2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ofgem cho biết hơn 20 công ty năng lượng Anh đã phá sản kể từ tháng Tám năm ngoái, do giá khí đốt toàn cầu tăng kỷ lục khiến một số nhà cung cấp bị tổn thương và không thể phục hồi trước các cú sốc giá.

Cơ quan quản lý năng lượng Anh cho hay họ đã bảo vệ hơn 4 triệu khách hàng khi các công ty ngừng hoạt động, bằng cách đảm bảo khách hàng có nhà cung cấp mới và số dư tín dụng hộ gia đình được giữ nguyên.

Ngành năng lượng của Anh đã kêu gọi chính phủ can thiệp khẩn cấp để bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng hóa đơn năng lượng leo thang, nhưng chính phủ nước này vẫn chưa công bố bất kỳ biện pháp nào.

Ông Torsten Bell, Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu kinh tế Resolution Foundation cho biết nhiệm vụ quan trọng của chính phủ trong năm 2022 phải là ngăn chặn thảm họa ảnh hưởng đến tiêu chuẩn sống của người dân.

Ông Bell lưu ý rằng chính phủ cần có hành động để giải quyết khoản chi phí năng lượng tăng vọt khoảng 600 bảng Anh (814,84 USD) đối với một hộ gia đình bình thường. Vì mức tăng này sẽ gây rất nhiều khó khăn đối với những hộ có thu nhập thấp./.

Minh Trang-H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vong-xoay-lam-phat-cao-tiep-tuc-can-quet-nhieu-nuoc-tren-the-gioi/767328.vnp