Vòng xoáy 'lãi mẹ đẻ lãi con' từ những 'ngân hàng… cột điện'

Từ những lời quảng cáo hấp dẫn, không ít người dân ở Huế cuốn vào hoạt động tín dụng đen và gây ra nhiều hệ lụy với việc bị nhấn chìm trong vòng xoáy 'lãi mẹ đẻ lãi con'.

"Vay vốn ngân hàng không thế chấp", "Cho vay chỉ cần cà-vẹt xe"… là những dòng chữ xuất hiện nhiều trên các tờ rao vặt hoặc tờ quảng cáo đang được dán khắp mọi nơi ở TP Huế. Những số điện thoại được in to để bất cứ ai có nhu cầu vay vốn có thể gọi ngay. Nhiều người vẫn gọi đây là các "ngân hàng… cột điện".

Với những lời quảng cáo hấp dẫn về thủ tục đơn giản, nhanh gọn, không ít người dân ở Huế đã nghe theo và gây ra nhiều hệ lụy với việc bị nhấn chìm trong vòng xoáy "lãi mẹ đẻ lãi con".

Những tờ quảng cáo cho vay tiêu dùng dán kín cột điện.

Những tờ quảng cáo cho vay tiêu dùng dán kín cột điện.

Chia sẻ với PV, bà Trần Thị Sen, một tiểu thương chợ An Cựu, TP Huế kể, đầu tháng 4/2018, gia đình có việc gấp nhưng không biết xoay xở ở đâu nên khi thấy một tờ giấy dán bên ngoài khu vực chợ về việc cho vay, bà đã tìm đến theo số điện thoại được in to.

Sau đó, một thanh niên đến gặp trực tiếp bà Sen và xem hóa đơn tiền điện. Người nay ngay lập tức đồng ý và cho người phụ nữ này vay nóng số tiền 20 triệu đồng, tiền lãi 3 triệu đồng/tháng.

"Số tiền lãi quá cao nhưng do cần tiền gấp quá nên tôi phải chấp nhận. Tiền lãi trả hàng tháng, nếu trả chậm sẽ cộng dồn vào rồi tính thêm lãi suất. Giờ trả liền không được mà để lâu cũng không xong vì làm việc cả ngày lúc nào cũng canh cánh nghĩ về tiền lãi", bà Sen cho biết.

Anh H.Đ.D., trú ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) cho biết, khoảng hơn 10 ngày nay, anh liên tục bị các số điện thoại lạ nói là bên ngân hàng quấy rầy vì việc bạn của anh vay vốn không thế chấp.

"Bạn tôi vay tiền rồi đưa số điện thoại của tôi cho những người cho vay. Vì lãi suất nhiều quá, bạn tôi lại không có khả năng trả nợ nên những người này liên tục lấy các số điện thoại lạ quấy rầy, làm như tôi mắc nợ họ", anh D. kể lại.

Để hiểu rõ hơn về phương thức, trong vai người cần đi vay tiền, PV liên hệ với một số điện thoại trên tờ quảng cáo cho vay tiền được dán trên đường Hùng Vương, TP Huế.

Vừa liên lạc, đầu dây bên kia là giọng nam thanh niên nghe máy. Khi cho biết đang muốn tìm hiểu vay tiền, thanh niên này mời tôi đến địa chỉ giao dịch nằm ở vị trí mặt tiền của phường Thuận Thành, TP Huế, khi đi cầm theo hộ khẩu, giấy CMND. Khi chúng tôi nói đang cần tiền gấp và muốn trao đổi, thỏa thuận lãi suất qua điện thoại trước, người này đồng ý.

Trước thắc mắc về việc muốn vay 20 triệu đồng, thủ tục như thế nào, đầu dây bên kia trả lời: "Bên em cho vay theo hình thức trả góp. Nếu vay 20 triệu, mỗi ngày góp 600.000 đồng. Góp trong vòng 40 ngày là 24 triệu đồng".

Khi được hỏi có thể giảm lãi suất xuống được không, người này nói: "Cao gì mà cao, nhiều người đến năn nỉ cũng chưa được vay với giá đó nữa", rồi cúp máy.

Như vậy, chỉ vay 20 triệu đồng trong vòng 40 ngày, người vay phải trả lãi 4 triệu đồng.

Theo một số cán bộ trong ngành ngân hàng, hiện nay có 2 hình thức vay phổ biến đó là vay tín chấp và vay thế chấp. Vay tín chấp thì người vay cần chứng minh thu nhập, xác nhận nơi công tác và vay thế chấp thì người vay phải có tài sản cố định để đảm bảo. Còn với hình thức vay nhanh rồi góp theo ngày gọi là vay "nóng".

Kiểu cho vay này nằm ngoài khuôn khổ hoạt động hệ thống ngân hàng và không tuân theo quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng và ngân hàng.

Khác với những công ty tài chính cho vay tín chấp với lãi suất cao nhưng có ràng buộc nhất định như người vay công việc ổn định, có mục đích sử dụng nguồn vốn, chứng minh được thu nhập. Còn tín dụng "đen" chỉ cần thỏa thuận bằng miệng, không thể hiện rõ lãi suất, không giấy tờ pháp lý nên người vay gặp rất nhiều nguy cơ rủi ro.

Tại Thừa Thiên - Huế, những năm gần đây, hình thức cho vay tín dụng "đen" diễn ra rầm rộ, công khai theo kiểu cho vay tài chính. Trên các tuyến đường từ thành phố về nông thôn, rơi dán khắp mọi nơi. Tại các khu vực ngã tư đèn đỏ còn xuất hiện một số cô gái đến đưa card visit giới thiệu địa điểm cho vay và số điện thoại liên hệ.

Điều đáng nói, một số địa điểm cho vay tài chính được công khai địa chỉ, có trụ sở giao dịch; một số khác chỉ có số điện thoại khi khách hàng cần gọi điện thì sẽ cung cấp địa chỉ đến để giao dịch hoặc có nơi, chỉ cần khách hàng nói đang ở địa điểm nào sẽ có nhân viên cho vay đến gặp.

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, thời gian qua, không ít người đã trở thành "con nợ" khi trót vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng loại hình cho vay không cần thế chấp. Đây là hoạt động tín dụng "đen", vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm.

"Hiện nay, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương rà soát những băng nhóm cho vay nặng lãi gây mất an ninh trật tự để phòng ngừa, đấu tranh triệt phá", Đại tá Sơn thông tin.

Nhung Kông

Nguồn ANTT: http://antt.vn/vong-xoay-lai-me-de-lai-con-tu-nhung-ngan-hang-cot-dien-255468.htm