Vòng quay đời người

Trong cuộc sống, có những người bạn tuy ít gặp nhau, nhưng tâm tưởng có thể yên tâm, tin cậy nhau. Với tôi, nhà thơ Phạm Đình Ân là một người như thế.

Bố quê Nam Định. Mẹ quê Hà Nam. Tuổi thơ của anh không được yên ả. Cùng bố mẹ lưu lạc về Hưng Yên. Hai tuổi, mẹ mất. Rồi theo bố tản cư vào Thanh Hóa. Anh có mẹ kế từ năm bốn tuổi. Trong lý lịch, anh ghi quê quán cả ba tỉnh, là vậy.

Lớn lên, con đường học hành của anh lại suôn sẻ. Năm 1965, vào học Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp. Những năm ấy, được vào học Khoa Văn Tổng hợp là cả sự sang trọng. Ra trường, năm 1969, lại được về công tác ở Báo Nhân Dân. Bạn bè quý mến mà ghen tỵ, oai quá! Làm việc ở Ban Văn nghệ Báo Nhân Dân, hơn mười năm, năm 1980, anh chuyển về Báo Văn Nghệ. Từng mười ba năm làm Trưởng Ban Lý luận phê bình Báo Văn Nghệ.

Năm 2006, nhận bằng Tiến sĩ văn học. Có người bảo, con đường tiến thân của Phạm Đình Ân vô cùng thuận tiện. Người viết được về làm việc ngay cơ quan văn nghệ, thì còn gì thuận tiện hơn. Thời ấy, nhiều bạn bè viết lách tiếng tăm nổi như cồn, muốn chuyển về công tác ở cơ quan văn nghệ, nhất là Báo Văn Nghệ mà chầy vảy, có được đâu.

Việc đời của nhà thơ Phạm Đình Ân tưởng như xuôi chèo mát mái. Nhưng việc đạo - con đường chữ nghĩa của anh lại chật vật. Thơ xuất hiện sớm trên Báo Văn Nghệ từ năm 1968. Năm 1972, chùm thơ của anh in trên Tạp chí Tác Phẩm Mới, có bài "Đi dọc miền Trung" được bạn bè đánh giá cao. Nhưng gần hai mươi năm sau anh mới dám công bố tập thơ đầu tay "Nắng xối đỉnh đầu". Tập thơ mỏng, in vẻn vẹn có 26 bài. Quý anh, có người kêu lên, tên sách gì nghe mà lầm lũi, vất vả quá. Nắng xối đỉnh đầu thì chịu sao nổi? Văn chương đôi khi vận vào đời người cầm bút.

Nhà thơ Phạm Đình Ân.

Nhà thơ Phạm Đình Ân.

Cùng năm 1990 ấy, anh cho ra mắt tập thơ "Những hoàng hôn ngẫu nhiên". Rồi mười năm sau, 2000, Phạm Đình Ân lại cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ, tập "Hương rễ" và tập "Phấn hoa bay". Năm 2013, in tập thơ "Vòng quay". Đến nay, ngoài mảng viết cho thiếu nhi đã có khá nhiều sách, Phạm Đình Ân mới xuất bản 5 tập thơ. Một người lao động sáng tạo liên tục, miệt mài, gần năm mươi năm cầm bút mà xuất bản 5 tập thơ, cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm, lao động nghệ thuật khắt khe của anh đối với thơ.

Tuy nhiên, Phạm Đình Ân rất tin những tác phẩm mình viết ra. Trong lúc thị trường thơ đang lạm phát, năm 2001 anh cho tái bản hai tập thơ "Nắng xối đỉnh đầu" và "Những hoàng hôn ngẫu nhiên" mà trước đó mười một năm, anh đã phát hành. Nay in lại với hình thức đàng hoàng hơn, số lượng 1.000 bản/tập. Bạn bè, có người bảo sao không in thơ mới mà lại tái bản thơ?

Hãy đọc tập thơ sau mười một năm, để xem lại cảm xúc của tác giả.

Đây là ý nghĩ của người thanh niên ba mươi tuổi, cái tuổi "tam thập nhi lập":

Ngẩn ngơ thương mình tuổi quá ba mươi
ngổn ngang bao việc chưa làm được
buồn nhiều hơn vui, đắn đo, suy tính
sống không dễ dàng
Mặt trời đứng bong
đỉnh đầu nắng xói chan chan.

(Nắng xối đỉnh đầu)

Xem ra, sự ưu tư nhiều hơn cái tuổi còn đang độ phơi phới trước cuộc sống. Cảm xúc vẫn tươi mới, của người cả nghĩ. Ngay 4 bài thơ tình chứa chất cảm xúc riêng ở phần 2, cũng hiếm thấy cái đắm đuối, lãng đãng, ngất ngây mà vẫn nặng ưu tư. Bài thơ "Sợi tóc", một bài thơ hay. Sau chặng đường "Năm mươi năm sau/ khi tìm được về chốn cũ/ tôi gặp một bà già tóc bạc/ bà chẳng biết tôi/ tôi tặng bà sợi tóc", để rồi "bà khóc", vì "sợi tóc vẫn còn đen".

Người của hôm nay thì già nua. Kỷ niệm năm nao vẫn tươi ròng. Ai chả xót xa, chạnh lòng. Con người, chả ai chế ngự được thời gian. Chỉ có tình người thì vẫn còn sâu đậm. Và con người, tồn tại bởi những điều đó? Bài thơ "Những cái giật mình" viết về sự ám ảnh của người mình yêu. Vì yêu, ở đâu cũng thấy bóng dáng người mình yêu. Nó tạo ra những cái giật mình. Để rồi "Tôi cất đi những cái giật mình/ của một thời tôi yêu em kỳ lạ/ để đến sau này, lỡ tôi chẳng còn gì để cho em nữa/ tôi sẽ tặng em những cái giật mình".

Bài thơ "Đi dọc miền Trung" gây ấn tượng với bạn viết ngay khi nó mới xuất hiện.

Đất nước thắt lưng buộc bụng ở miền Trung
như người mẹ thương con
suốt một đời nắng mưa hậm hụi
ủ nóng tình thương bền bỉ, âm thầm.

Nhịp thơ vẫn cuốn hút, bởi lối tả thấm đẫm tấm lòng của người viết:

Dải đất hẹp khô gầy mà lại đắp bồi chỗ thiếu hụt trong tôi
đất nghèo khó cho nên giàu ý nghĩa
Tôi đi qua, khát khao điều rộng cao, mới mẻ
bồn chồn thương đất nước của tôi.

Năm 2013, nhà thơ Phạm Đình Ân xuất bản tập thơ "Vòng quay", đánh dấu bước tiến đáng kể của chặng đường lao động nghệ thuật. Tập thơ bỏ qua cách thể hiện liệt kê, kể lể. "Vòng quay" là kết quả của nhận thức. Từ những chiêm nghiệm dẫn tới cảm xúc cô đọng. Tập thơ như tổng kết nỗi niềm trĩu nặng vui buồn của một đời người.

Cái tập tục "đầu năm mua muối", ấy nhưng trong thơ Phạm Đình Ân lại ngằn ngặt sự đời.

Rắc muối vào vô cảm
Rắc muối vào vô ơn
Xót tan lòng muối xát
Hạt đổ vào vết thương.

(Đầu năm mua muối)

Thì ra, nhà thơ không chỉ nhìn nhận cái tập tục của người đời lo vun vén cho sự no đủ, lại phát hiện bao góc khuất, góc thiếu hụt của con người. Con người vốn dễ vô cảm, vô ơn. Đó là nỗi đau, là vết thương của đời sống xô bồ, thực dụng thời hiện đại.

Bài thơ về cái "Đồng hồ" không chỉ dừng về sự mô phỏng thời gian. Người đọc giật mình khi thấy bao thời gian phao phí trôi qua trong đời mình.

Trơ mặt
đều đều kêu nhạt tanh
tích
tắc.
Ngậm miệng
từ từ nuốt đứt những trăm năm.

Thế đấy, nhoáng cái, chúng ta phao phí bao nhiêu thời gian. Bài thơ "Cái ghế" vẻn vẹn hai câu, tách làm năm dòng. Nhưng dư ba lại phủ ngoài câu chữ.

Nhà công
người còn, ghế mất.

Nhà riêng
người mất
ghế còn.

Sự đời vốn giản dị. Chuyện còn mất chức tước - cái ghế ở cơ quan cũng giản dị thôi. Nếu bình tĩnh nhìn ra, con người thường có sự sống ngắn hơn sự sống đồ vật. Vậy khi sống, tranh giành, kèn cựa nhau để làm gì?!

Có bài thơ, bốn câu thôi, nhưng như đổi giọng điệu trong tập. Nó có gì thoáng đãng, đắm đuối. Cho dù, nó vẫn nặng ưu tư. Bài "Hoa sưa":

Trắng muốt trời sưa mưa dệt thưa
Thanh xuân đến độ tuổi đang vừa
Cứ vô tâm nõn cho mà tiếc
Mới rạng ngày ai, ta đã trưa.

Tác giả tự thán, người khác đang ban mai, mình đã buổi trưa mất rồi. Câu cuối, theo tôi là rất Phạm Đình Ân. Trong sự đời, anh luôn nhận mình là người ít may mắn, người đến muộn. Trong tập "Vòng quay", Phạm Đình Ân có hẳn một bài thơ kể về sự muộn.

Văn với người là một. Điều này càng thấy rõ trong trường hợp nhà thơ Phạm Đình Ân. Thơ anh luôn luôn nặng nỗi niềm trăn trở, tiếc nuối. Con người ngoài đời, dù người mới gặp, cũng dễ nhận ra cái nét lận đận, cần mẫn ở anh. Anh có kể với tôi rằng, trong nghiệp sáng tác, anh cũng là người ít may mắn. Một số tác phẩm của anh xứng đáng được giải thưởng. Ấy rồi lại bị tuột khỏi tầm tay. Làm Trưởng Ban Lý luận phê bình của Báo Văn nghệ mười ba năm liền, nhưng trong thời gian đó, chưa có bài viết nghiên cứu, phê bình xứng đáng nào của bạn nghề về sức lao động sáng tạo của anh.

Kể ra cũng tiếc. Nhưng tôi nghĩ, người lao động chân chính thì giải thưởng cũng chả phải quá quan trọng gì. Bao giải thưởng đình đám này nọ, rồi cũng bị trôi tuột với thời gian. Tôi tin, Phạm Đình Ân có những bài thơ mà bạn bè còn nhớ đến. Với người viết, đó là hạnh phúc lắm rồi. Thơ của anh không dễ cho người đọc một lần. Có bình tâm đọc lại, mới nhận ra vẻ đẹp chìm khuất trong câu chữ của anh.

Đời tư anh cũng nhiều lận đận. Thời trai trẻ, anh thân với vợ chồng người bạn. Người chồng chả may mất vì bệnh trọng. Anh sẵn sàng đứng ra kế nhiệm, làm người chồng mới. Nhưng số phận trớ trêu, Phạm Đình Ân vẫn muộn mằn. Trong một bài thơ viết về người cha của mình, anh giãi bày niềm khao khát "Con ngả bóng chiều, làm chẳng kịp/ Chín ba, đại thọ, bố đành đi?/ Mang theo hy vọng mầm non hẹn/ Để lại giọt sương ướt đẫm mi" (Giọt sương). Ấy rồi anh cũng có niềm vui ở nơi xa. Vợ anh cũng thật độ lượng. Họ cùng biết nén chịu nỗi niềm riêng, để cho người bạn đời mình đỡ chạnh lòng. Và biết chăm chút cho nhau. Có lẽ ân tình như thế, Phạm Đình Ân đã có bài thơ viết tặng người bạn đời với câu chữ chan chứa cảm xúc:

Ngày gần ngắn, xa ngày dài
Không gian nhón bước ra ngoài thời gian
Thẫn thờ bóng tựa lan can
Lòng theo ngoái lại níu làn gió bay.

(Ngày ngắn ngày dài)

Tôi lại nhớ, một chiều mùa hè cách đây đã gần năm mươi năm. Ấy là khi tôi vừa đạp xe về quê cũng là lúc Phạm Đình Ân và Phạm Ngọc Luật vừa dắt xe đạp vào thăm tôi. Hai người bạn, Ân và Luật, khi ấy cùng làm việc ở Báo Nhân Dân. Ngày ấy, chúng tôi còn quá trẻ. Đọc nhau một vài bài thơ trên báo, thú nhau là đạp xe đi tìm nhau. Trong nếp nhà cổ vùng quê Từ Sơn của cha mẹ tôi bữa ấy, chúng tôi hổn hển đọc cho nhau nghe những gì mới viết. Có thể chỉ là những bài thơ dang dở. Hoặc câu thơ vụng dại. Nhưng niềm say sưa thì khôn kể. Làng quê tôi ngày ấy còn thanh bình. Thơ ca ngày ấy như đền đài. Chúng tôi cùng trao đổi, góp ý cho nhau để cùng vươn tới vòm trời thi ca cao sang, lồng lộng.

Bây giờ gặp nhau, đôi khi nhắc lại kỷ niệm những ngày đầu cùng hăm hở bước vào con đường văn chương. Tôi toan hỏi Phạm Đình Ân, rằng nếu cho trở lại thời trẻ, thì còn đam mê văn chương như ngày ấy không? Hẳn anh và tôi cùng trả lời, làm sao thay đổi niềm đam mê đầu đời được. Vì văn chương, nó như cái nghiệp, vận vào mỗi người ngay từ thời trẻ.

Tháng 4-2019

Vũ Từ Trang

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/vong-quay-doi-nguoi-546681/